Cùng hành động thúc đẩy hòa bình
'Tôi chỉ là một công dân bình thường ở Sudan, nhưng tôi đã mất cậu con trai 7 tuổi trong một cuộc chiến giành quyền lực vô nghĩa'. Đây là tâm sự của anh Nadir Jubara, một cư dân ở thủ đô Khartoum của Sudan. Ngay ngày thứ tư sau khi nổ ra xung đột giữa quân đội Sudan và Các lực lượng hỗ trợ nhanh (RSF) bán quân sự, trong lúc di chuyển về phía Tây Khartoum, xe của anh đã trúng một quả rocket vốn nhằm vào RSF. Jubara may mắn thoát chết, nhưng con trai của anh thì không. 'Nếu xung đột tiếp diễn, sẽ có thêm nhiều người cha phải trải qua nỗi đau mất con như tôi'.
Khartoum vốn không xa lạ với biểu tình và bất ổn, nhưng có lẽ, kể từ ngày 15/4/2023, cuộc sống của hàng triệu người như anh Jubara đã thay đổi hoàn toàn. Con trai của anh Jubara chỉ là một trong hơn 3.000 người thiệt mạng kể từ khi xảy ra xung đột ở Sudan, theo thống kê của Liên hợp quốc (LHQ), dù con số thực tế có thể còn cao hơn nhiều. Không chỉ trải qua nỗi đau mất người thân, nhiều người dân Sudan bị mắc kẹt trong xung đột và phải sinh hoạt trong điều kiện thiếu thốn. Khoảng 4,8 triệu người Sudan đã buộc phải di tản trong nước và sang các nước láng giềng. Tình trạng bạo lực tại đây còn có nguy cơ cuốn toàn bộ khu vực vào “vòng xoáy thảm họa nhân đạo”.
Không chỉ tại Sudan, hòa bình đang là điều xa vời ở nhiều nơi trên thế giới, từ Somalia, Ethiopia, Yemen cho đến CHDC Congo hay Ukraine… LHQ ước tính, trong năm 2022, đã có gần 17.000 dân thường thiệt mạng tại 12 khu vực giao tranh trên thế giới, tăng 53% so với cùng kỳ năm trước, trong khi 100 triệu người phải rời bỏ nhà cửa vì xung đột và bạo lực. Không chỉ cướp đi sinh mạng của hàng nghìn người vô tội, xung đột còn kéo theo những hậu quả nặng nề về kinh tế. Theo báo cáo Chỉ số Hòa bình toàn cầu 2023 của Viện Kinh tế và Hòa bình (IEP), năm ngoái, tác động của bạo lực và xung đột với nền kinh tế toàn cầu đã tăng thêm 1.000 tỷ USD, lên mức kỷ lục 17.500 tỷ USD, tương đương 13% tổng sản phẩm quốc nội (GDP) toàn cầu.
Xung đột và bạo lực, nghèo đói, bất bình đẳng, bất công dai dẳng, biến đổi khí hậu cùng những thách thức khác đang cản trở con đường dẫn tới hòa bình, khiến thế giới chệch hướng khỏi triển vọng đạt được các Mục tiêu phát triển bền vững (SDG) vào năm 2030. Trong bối cảnh này, Ngày Quốc tế hòa bình (21/9) năm nay có chủ đề: “Hành động vì hòa bình: Tham vọng của chúng ta vì các mục tiêu toàn cầu”, nhằm tập trung vào các hành động vì hòa bình và tầm quan trọng của các SDG trong việc ngăn chặn xung đột và duy trì hòa bình.
Có thể nói, hòa bình và phát triển bền vững có sự phụ thuộc lẫn nhau sâu sắc. 17 SDG, thường được gọi là mục tiêu toàn cầu, cung cấp khuôn khổ toàn diện để giải quyết những quan ngại sâu sắc nhất của con người, gồm xóa đói giảm nghèo và bình đẳng giới, hay môi trường bền vững và hành động về khí hậu. Các mục tiêu này giống như lời nhắc nhở rằng, không một cuộc khủng hoảng nào xảy ra đơn lẻ và việc thiết lập hòa bình đòi hỏi phải giải quyết các nguyên nhân cơ bản của xung đột toàn cầu.
“Tôi đã lớn lên ở Sri Lanka trong thời kỳ nội chiến và chứng kiến sự tàn bạo của bạo lực. Rồi tôi nhận ra nguyên nhân cốt lõi của cuộc chiến còn sâu xa hơn nhiều. Nó bắt nguồn từ sự phân biệt đối xử, nghèo đói và bất bình đẳng”. Phát biểu này của đặc phái viên Tổng Thư ký LHQ về thanh niên, Jayathma Wickramanayake đưa ra tại Sự kiện Thanh niên nhân Ngày Quốc tế hòa bình (Youth Event for the International Day of Peace), diễn ra hôm 14/9 tại trụ sở LHQ. Cô Wickramanayake cho rằng, “chúng ta cần thực hiện các SDG, thông qua giáo dục, tạo cơ hội bình đẳng, chăm sóc y tế tốt hơn, cải thiện điều kiện sống, giải quyết vấn đề biến đổi khí hậu… Bằng những hành động này, chúng ta sẽ làm cho thế giới hòa bình hơn”.
Trong thông điệp nhân Ngày Quốc tế hòa bình năm nay, Tổng Thư ký LHQ Antonio Guterres cũng nhấn mạnh rằng, thế giới ngày nay đang cần hòa bình hơn bao giờ hết. Theo người đứng đầu tổ chức đa phương lớn nhất thế giới, chủ đề của Ngày Quốc tế hòa bình 2023 nhắc nhở chúng ta rằng, hòa bình không tự động tìm đến, mà là kết quả của những hành động. Đây cũng là lời kêu gọi các cá nhân và tập thể hành động để thúc đẩy hòa bình, đẩy nhanh tiến độ hướng tới các SDG và đảm bảo không ai bị bỏ lại phía sau.
Chủ tịch Đại hội đồng LHQ khóa 78, ông Dennis Francis cũng nêu rõ tầm quan trọng của hòa bình với phát triển bền vững, cho rằng sự phát triển bền vững và hòa bình bền vững giống như hai mặt của một đồng xu, không thể tách rời hay thiếu bất cứ mặt nào. Ông hối thúc tất cả mọi người cam kết hành động hướng tới các SDG, giải quyết các vấn đề xã hội, kinh tế và môi trường tiềm ẩn gây ra xung đột và mất an ninh, hướng tới một thế giới hòa bình và an toàn cho tất cả mọi người.
Với những thanh niên như cô Wickramanayake, “thế giới hòa bình là một thế giới mà mọi thanh niên đều có thể tới trường mà không lo sợ bạo lực hay xung đột, là nơi mọi người trẻ đều có thể làm công việc mình yêu thích, được đấu tranh một cách an toàn cho quyền lợi của mình, được sống an toàn trước tác động của biến đổi khí hậu, và là nơi tất cả mọi người đều có cơ hội bình đẳng để có một cuộc sống đủ đầy tại bất cứ đâu”. Nhìn chung, hòa bình không chỉ đơn giản là vắng bóng xung đột, mà nó còn là sự hiện diện của công lý, bình đẳng và đoàn kết.
Để hòa bình không chỉ là một ước mơ xa vời của nhân loại, thế giới cần hành động. Như lời kêu gọi của Tổng Thư ký Guterres: “Hành động để chấm dứt chiến tranh, hành động để duy trì và bảo vệ nhân quyền và phẩm giá của mỗi người. Hành động để sử dụng các công cụ ngoại giao, đối thoại và hợp tác nhằm xoa dịu căng thẳng và chấm dứt xung đột. Và hành động vì hàng triệu người đang sống trong nỗi kinh hoàng của chiến tranh… Chúng ta hãy cam kết xây dựng, thúc đẩy và duy trì hòa bình cho tất cả mọi người”. Bắt đầu từ những hành động nhỏ như đấu tranh chống bất bình đẳng, hành động vì môi trường, chống biến đổi khí hậu, hay thúc đẩy và bảo vệ nhân quyền. Chỉ khi tất cả mọi người cùng hành động, thế giới mới có hòa bình.