Cùng hành động vì an toàn thực phẩm
Tháng hành động vì an toàn thực phẩm năm 2025 đang được triển khai trên phạm vi toàn tỉnh với chủ đề 'Bảo đảm an toàn thực phẩm, trong đó chú trọng an toàn thực phẩm bếp ăn tập thể, dịch vụ ăn uống và thức ăn đường phố'.

Đoàn kiểm tra liên ngành của tỉnh kiểm tra các thủ tục tại một cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm ở TP Tuy Hòa. Ảnh: YÊN LAN
Nâng cao nhận thức và cùng hành động
Tháng hành động vì an toàn thực phẩm (ATTP) năm 2025 diễn ra từ ngày 15/4-15/5, nhằm đẩy mạnh tuyên truyền, giáo dục, nâng cao nhận thức, xác định trách nhiệm và hành động của các cấp ủy, tổ chức đảng, cán bộ, đảng viên và Nhân dân trong bảo đảm an ninh, ATTP; đề cao vai trò, trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp trong việc thực thi pháp luật về ATTP; kịp thời thông tin các chuỗi giá trị nông sản thực phẩm an toàn, chất lượng cao, các cơ sở vi phạm, tiềm ẩn nguy cơ mất an ninh, ATTP. Trong tháng hành động, công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát được tăng cường. Các cơ quan chức năng kiên quyết đấu tranh, ngăn chặn, xử lý nghiêm những tổ chức, cá nhân, cơ sở sản xuất, kinh doanh vi phạm quy định về ATTP, đặc biệt là các cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống, bếp ăn tập thể, thức ăn đường phố... Đồng thời, tháng hành động nhằm nâng cao năng lực phòng ngừa, chủ động xử lý ngộ độc thực phẩm và những bệnh truyền qua thực phẩm tại các cơ sở có bếp ăn tập thể, kinh doanh dịch vụ ăn uống, thức ăn đường phố; giảm thiểu ngộ độc do tiêu dùng thực phẩm không an toàn.
Theo Ban chỉ đạo liên ngành ATTP tỉnh, thời gian qua, công tác bảo đảm ATTP nhận được sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo của cả hệ thống chính trị từ tỉnh đến các địa phương; cấp ủy đảng, chính quyền các cấp đã vào cuộc và tạo được sự chuyển biến rõ rệt, đạt được những kết quả quan trọng. Công tác tuyên truyền, thanh, kiểm tra về ATTP được tăng cường, góp phần ngăn chặn kịp thời, giảm nguy cơ mất ATTP. Hệ thống văn bản pháp luật, các quy chuẩn, tiêu chuẩn về ATTP cơ bản đáp ứng yêu cầu công tác quản lý nhà nước và hội nhập quốc tế; bước đầu hình thành các vùng nguyên liệu sạch và chuỗi cung ứng thực phẩm an toàn. Việc đấu tranh phòng chống gian lận thương mại trong sản xuất, kinh doanh thực phẩm từng bước đạt được nhiều thành tựu. Nhận thức và trách nhiệm của người tiêu dùng được nâng cao.
Chú trọng điều kiện vệ sinh cơ sở, dụng cụ trong sản xuất, chế biến thực phẩm
Tuyên truyền, phổ biến các quy định về điều kiện vệ sinh cơ sở, trang thiết bị, dụng cụ trong sản xuất, chế biến, kinh doanh thực phẩm; nguyên liệu phải có nguồn gốc, xuất xứ rõ ràng; phụ gia thực phẩm, chất hỗ trợ chế biến phải có trong danh mục được phép sử dụng, sử dụng phải đúng liều lượng, đúng đối tượng theo quy định trong sản xuất, chế biến thực phẩm, không sử dụng nguyên liệu thực phẩm, thực phẩm giả, thực phẩm kém chất lượng, không an toàn.
Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đã đạt được, công tác bảo đảm ATTP còn bộc lộ nhiều bất cập, hạn chế. Tình hình ngộ độc thực phẩm đang có chiều hướng diễn biến phức tạp, đặc biệt là ngộ độc thực phẩm tại các bếp ăn tập thể của các công ty, doanh nghiệp, trường học và ngộ độc thực phẩm do thức ăn đường phố. Hoạt động quảng cáo thực phẩm trên nền tảng số, mạng xã hội... ngày càng phổ biến, rất khó quản lý.
Thực trạng đó đòi hỏi phải tăng cường hơn nữa công tác đảm bảo an ninh, ATTP, nâng cao vai trò, trách nhiệm của các cấp ủy và các cấp chính quyền, người quản lý, người sản xuất, kinh doanh, tiêu dùng thực phẩm; đáp ứng ngày càng cao hơn trong công tác bảo đảm an ninh, ATTP.
Truyền thông đi đôi với thanh, kiểm tra
Trong Tháng hành động vì ATTP năm 2025, một chiến dịch truyền thông được triển khai mạnh mẽ, truyền đi các thông điệp về bảo đảm ATTP; phổ biến kiến thức phòng ngừa ngộ độc thực phẩm, biểu dương các tổ chức, cá nhân có sáng kiến, kỹ thuật đảm bảo ATTP, góp phần phát triển kinh tế; công khai các tổ chức, cá nhân vi phạm các quy định về ATTP gây hậu quả nghiêm trọng...
ThS Lê Sỹ Kim, Trưởng phòng ATTP (Sở Y tế) cho biết: Bên cạnh hoạt động truyền thông trực quan qua 45 băng rôn trên các trục đường chính, Sở Y tế phối hợp với các cơ quan báo chí tuyên truyền về đảm bảo ATTP trên các phương tiện thông tin đại chúng, nội dung tuyên truyền theo hướng dẫn của Cục ATTP. Đồng thời, Sở Y tế gửi công văn đến các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm, dịch vụ ăn uống trên địa bàn tỉnh, đề nghị các cơ sở hưởng ứng hoạt động truyền thông về đảm bảo ATTP.
Song song với hoạt động truyền thông, công tác thanh tra, kiểm tra liên ngành được tổ chức, kiểm tra có trọng tâm trọng điểm những cơ sở sản xuất, kinh doanh, chế biến thực phẩm, xử lý nghiêm và kịp thời các trường hợp vi phạm. Tuyến tỉnh, Sở Y tế đã tham mưu thành lập một đoàn kiểm tra liên ngành tiến hành kiểm tra những cơ sở sản xuất, kinh doanh, chế biến thực phẩm do cấp tỉnh quản lý. Tại các địa phương, căn cứ kế hoạch triển khai Tháng hành động vì ATTP năm 2025 và văn bản hướng dẫn của sở, ban ngành liên quan, UBND các huyện, thị xã, thành phố chỉ đạo ban chỉ đạo liên ngành ATTP huyện, thị xã, thành phố xây dựng kế hoạch đảm bảo ATTP tại địa phương, triển khai từ tuyến huyện, thị xã, thành phố đến tuyến xã, phường, thị trấn; giao cho đoàn kiểm tra liên ngành ATTP các huyện, thị xã, thành phố tổ chức kiểm tra các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm theo phân cấp trên địa bàn.
Ông Lê Sỹ Kim cho biết: Đối với các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm, đoàn kiểm tra chú trọng kiểm tra công tác đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm từ khâu sản xuất đến khâu bảo quản. Đối với các cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống, đoàn kiểm tra công tác đảm bảo ATTP, đặc biệt là việc kiểm thực 3 bước và lưu mẫu thực phẩm để truy xuất nguồn gốc khi cần.
Đến thời điểm này, đoàn kiểm tra liên ngành của tỉnh vừa kiểm tra 5 cơ sở sản xuất kinh doanh thực phẩm tại huyện Phú Hòa và TP Tuy Hòa. Ông Lê Sỹ Kim đánh giá: Các cơ sở thực hiện tương đối tốt công tác đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm.
10 nguyên tắc vàng để có thực phẩm an toàn
Tổ chức Y tế thế giới (WHO) khuyến nghị 10 nguyên tắc vàng để có thực phẩm an toàn, với những hướng dẫn đơn giản, dễ thực hiện và hiệu quả.
1. Chọn thực phẩm tươi an toàn: Rau ăn sống phải được ngâm và rửa kỹ bằng nước sạch; trái cây thì nên gọt vỏ trước khi ăn. Thực phẩm đông lạnh để tan đá, rồi làm đông đá lại là kém an toàn.
2. Nấu chín kỹ trước khi ăn: Nấu chín kỹ hoàn toàn thức ăn, bảo đảm nhiệt độ trung tâm thực phẩm phải đạt tới 70 độ C.
3. Ăn ngay sau khi nấu: hãy ăn ngay sau khi vừa nấu xong, vì thức ăn càng để lâu càng nguy hiểm.
4. Bảo quản cẩn thận các thức ăn đã nấu chín: Muốn giữ thức ăn quá 5 tiếng đồng hồ, cần phải giữ liên tục nóng trên 60 độ C hoặc lạnh dưới 10 độ C.
5. Nấu lại thức ăn thật kỹ: Các thức ăn chín dùng lại sau 5 tiếng, nhất thiết phải được nấu kỹ lại.
6. Tránh ô nhiễm chéo giữa thức ăn chín và sống với bề mặt bẩn: Thức ăn đã được nấu chín có thể bị nhiễm mầm bệnh do tiếp xúc trực tiếp với thức ăn sống hoặc gián tiếp với các bề mặt dùng để chế biến thức ăn.
7. Rửa tay sạch trước khi chế biến thức ăn và sau mỗi lần gián đoạn để làm việc khác. Nếu bạn bị nhiễm trùng bàn tay, hãy băng kỹ và kín vết thương trước khi chế biến thức ăn.
8. Giữ sạch các bề mặt chế biến thức ăn: Do thức ăn dễ bị nhiễm khuẩn, bất kỳ bề mặt nào dùng để chế biến thức ăn cũng phải được giữ sạch. Khăn lau bát đĩa cần phải được luộc nước sôi và thay thường xuyên trước khi sử dụng lại.
9. Che đậy thực phẩm để tránh côn trùng và các động vật khác: Giữ thực phẩm trong hộp kín, chặn, tủ kính, lồng bàn. Đó là cách bảo vệ tốt nhất.
10. Sử dụng nguồn nước sạch an toàn: Nước sạch là nước không màu, không mùi, không có vị lạ và không chứa mầm bệnh. Hãy đun sôi nước trước khi làm đá lạnh để uống. Đặc biệt cẩn thận với nguồn nước dùng nấu ăn cho trẻ.
Nguồn Phú Yên: https://baophuyen.vn/xa-hoi/202504/cung-hanh-dong-vi-an-toan-thuc-pham-e0c420e/