Cứng hóa giao thông sau sáp nhập: Phải có tầm nhìn xa
Sau khi sắp xếp các xã, phường đặt ra nhu cầu mới về phát triển kết cấu hạ tầng giao thông tại các địa phương quy mô lớn hơn để phát triển sản xuất, tăng cường giao thương. Do đó, các xã, phường sớm quy hoạch mạng lưới giao thông nông thôn có tính đến sự kết nối nội xã, liên xã và hoạch định kế hoạch huy động nguồn lực đầu tư bài bản, hiệu quả đồng bộ. Đặc biệt là đầu tư hạ tầng giao thông trục kết nối liên xã mới; liên thôn quy mô lớn để cải thiện bộ mặt hạ tầng giao thông chung toàn tỉnh trong tình hình mới.

Cứng hóa đường giao thông nông thôn tại xã Cao Lộc
Trong những năm qua, nhiệm vụ cứng hóa các tuyến đường giao thông nông thôn luôn được tỉnh Lạng Sơn quan tâm và ưu tiên nguồn lực để thực hiện đầu tư tại khu vực nông thôn. Theo thống kê của Sở Xây dựng, từ năm 2020 đến hết tháng 6/2025, toàn tỉnh đã cứng hóa được gần 1.800 km đường giao thông nông thôn các loại, vượt chỉ tiêu kế hoạch Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh nhiệm kỳ 2020-2025 đề ra. Trong đó, ngân sách tỉnh đã phân bổ trên 300 tỷ đồng để thực hiện và hỗ trợ các xã triển khai chương trình.
Đến nay, hệ thống hạ tầng giao thông nông thôn tại 65 xã, phường trên địa bàn tỉnh gồm: đường trục xã dài 2.736 km (đã cứng hóa 2.023 km); đường trục thôn dài 2.038 km (đã cứng hóa 1.239 km); đường ngõ xóm dài 4.050 km (đã cứng hóa 2.259 km); đường nội đồng dài 346 km (đã cứng hóa 174 km).
Bước sang giai đoạn 2026-2030, thực hiện chủ trương của Trung ương về tổ chức chính quyền địa phương 2 cấp nhằm tinh gọn bộ máy và nâng cao hiệu quả quản lý đã đặt ra yêu cầu mới đối với nhiệm vụ phát triển hạ tầng giao thông nông thôn tại các xã mới. Bởi việc phát triển giao thông nông thôn trước đây tuy đã được quan tâm đầu tư nhưng ở quy mô nhỏ hẹp, tính kết nối liên xã, liên vùng, kết nối với các tuyến đường tỉnh, quốc lộ chưa cao. Không những vậy, việc sắp xếp thành lập các xã mới tiếp tục tạo ra nhu cầu đi lại, vận chuyển hàng hóa của người dân, doanh nghiệp ngày càng tăng tại các xã.
Ông Vy Văn Bông, Bí thư Đảng ủy xã Xuân Dương cho biết: Tính đến nay, toàn xã có 21/27 thôn có đường từ trung tâm xã đến trung tâm thôn được cứng hóa; hệ thống đường trục xã mới cứng hóa được khoảng 60% tổng chiều dài các tuyến; đường ngõ xóm cứng hóa được khoảng 70% chiều dài các tuyến. Đặc biệt hệ thống đường trục xã, liên thôn tại các thôn thuộc các xã: Ái Quốc và Nam Quan cũ, tỷ lệ đường đất còn rất lớn. Trên cơ sở đánh giá hiện trạng, xã đã đưa chỉ tiêu đến năm 2030, phấn đấu rải nhựa hoặc bê tông đường trục xã đạt 80% tổng chiều dài các tuyến và 26/27 thôn có đường ô tô đến trung tâm thôn được cứng hóa. Để hiện thực hóa chỉ tiêu này, xã sẽ xây dựng quy hoạch chung của xã mới và nội dung phát triển giao thông được tập trung nghiên cứu. Theo đó, mạng lưới hạ tầng giao thông nông thôn sẽ được đề cập sâu sắc tại quy hoạch, bảo đảm liên kết liên vùng xã. Đồng thời, xã xác định danh mục công trình, lộ trình thực hiện theo từng năm và ưu tiên nguồn lực để triển khai hoàn thành trong giai đoạn 2026-2030.
Cũng như xã Xuân Dương, xã Tri Lễ cũng xác định rất rõ việc rà soát và kế hoạch đầu tư mạng lưới giao thông nông thôn kết nối để đạt mục tiêu phát triển dài hạn. Ông Lương Đình Toại, Chủ tịch UBND xã Tri Lễ cho biết: Xã Tri Lễ sau khi sắp xếp, qua rà soát sơ bộ hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông nông thôn tuy đã được đầu tư nhưng quy mô, tính kết nối không cao. Để khắc phục hạn chế này, trong giai đoạn 2026-2030, xã tập trung xây dựng kế hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội, và phát triển hạ tầng giao thông là một trong ba khâu đột phá gắn với xây dựng nông thôn mới. Mục tiêu đặt ra là phấn đấu xây dựng hệ thống hạ tầng giao thông đồng bộ với hạ tầng kỹ thuật khác như thủy lợi, điện để thúc đẩy phát triển sản xuất nông lâm nghiệp theo hướng sản xuất xanh và bền vững. Theo đó, trong kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2026-2030, xã đề xuất mở mới 5 tuyến đường trục xã và nâng cấp 3 tuyến đường hiện tại để tăng tính kết nối nội xã và liên xã.
Qua theo dõi, sau khi các xã được sáp nhập, quy mô địa lý và dân số của nhiều đơn vị hành chính mới lớn hơn đáng kể, nhu cầu đi lại, giao thương của người dân, doanh nghiệp cũng sẽ tăng lên. Hệ thống các tuyến đường liên thôn, liên xã trước đây được đầu tư đã bộc lộ nhiều bất cập, ảnh hưởng đến cơ hội phát triển kinh tế-xã hội của xã mới.
Ông Nghiêm Văn Hải, nguyên Giám đốc Sở Giao thông Vận tải, hiện là Chủ tịch Hội khoa học kỹ thuật cầu đường Lạng Sơn cho rằng: Việc cứng hóa, nâng cấp hệ thống hạ tầng giao thông nông thôn, là giải pháp căn cơ để giải quyết bài toán phát triển nhanh và bền vững của mỗi xã mới. Tuy nhiên, việc mở rộng các tuyến đường khu vực nông thôn có sự tính toán kỹ lưỡng, phù hợp với quy hoạch tổng thể và định hướng phát triển của địa phương trong bối cảnh liên kết vùng, xã là tất yếu để thúc đẩy phát triển.
Ông Dương Công Vĩ, Giám đốc Sở Xây dựng Lạng Sơn cho biết: Trong giai đoạn 2026-2030, sở tiếp tục tham mưu cho Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh thực hiện quy hoạch chung 65 đơn vị hành chính cấp xã (gồm 4 phường và 61 xã) gắn với đó, sở sẽ phối hợp với các xã để xây dựng đề án phát triển cầu và đường giao thông nông thôn, đáp ứng tốt yêu cầu về phát triển hạ tầng giao thông nông thôn đồng bộ với hạ tầng khác phục vụ phát triển kinh tế-xã hội của các xã trong tình hình mới.
Cứng hóa giao thông nông thôn sau sắp xếp các xã là một nhiệm vụ quan trọng, đòi hỏi sự đầu tư về công sức và nguồn lực đủ lớn; tin tưởng với sự quyết tâm của các xã và sự chung tay của cả hệ thống chính trị từ tỉnh đến xã. Mục tiêu là xây dựng một mạng lưới hạ tầng giao thông nông thôn hiện đại, đồng bộ, có tính kết nối cao sẽ được tỉnh Lạng Sơn triển khai có hiệu quả trong giai đoạn 2026-2030, góp phần thúc đẩy sự phát triển bền vững và nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân.