Cùng mục tiêu kết nối ba nền kinh tế vì hòa bình, phát triển và thịnh vượng
Những ngày qua, các hoạt động quan trọng của Hội nghị cấp cao Quốc hội ba nước Campuchia-Lào-Việt Nam (CLV) lần thứ nhất diễn ra tại khách sạn lớn bậc nhất trung tâm Thủ đô Viêng Chăn, nhìn ngay ra công trình văn hóa lịch sử tượng Vua Phạ-ngừm (Phraya Fa Ngum) uy nghi.
Theo dòng lịch sử, vào thế kỷ XIV, Vua Phạ-ngừm thống nhất các mường Lào, thành lập Vương quốc Lạn-xạng (Lan Xang), nghĩa là đất nước triệu voi. Từ sân bay về trung tâm, đi qua đại lộ Lane Xang lớn nhất Thủ đô bạn có công trình Khải hoàn môn Patuxay nổi tiếng phấp phới tung bay cờ ba nước chào mừng các đại biểu ba nước và khách quốc tế.
Tầm quan trọng và ý nghĩa của sự kiện đặc biệt diễn ra đúng dịp kỷ niệm 48 năm Quốc khánh Lào; hội nghị được các nhà lãnh đạo cơ quan quyền lực tối cao, đại biểu Quốc hội/ nghị viện cũng như đông đảo cử tri, nhân dân ba nước đánh giá là mốc son quan trọng hiện thực hóa thỏa thuận Người đứng đầu ba Đảng.
Chiều qua, dưới sự đồng chủ trì của Chủ tịch Quốc hội Lào Saysomphone Phomvihane, Chủ tịch Quốc hội Campuchia Samdech Khuon Sudary và Chủ tịch Quốc hội Việt Nam Vương Đình Huệ hội nghị bế mạc và thành công tốt đẹp, thông qua Tuyên bố chung về tăng cường vai trò của nghị viện trong thúc đẩy hợp tác toàn diện giữa Campuchia-Lào-Việt Nam.
Theo các nhà lãnh đạo ba nước, đây là cơ sở vững chắc tạo thêm cơ chế cấp cao mới, “tạo thế kiềng 3 chân, góp phần đem lại phồn vinh cho người dân ba nước, cùng các nước ASEAN bảo đảm hòa bình, ổn định và thịnh vượng”. Bởi lẽ, Hội nghị này đánh dấu việc lần đầu tiên trong lịch sử ba nước có đủ các cơ chế gặp gỡ giữa lãnh đạo cấp cao nhất trên cả ba kênh Đảng, Quốc hội và Chính phủ.
Theo các nhà lãnh đạo ba nước, đây là cơ sở vững chắc tạo thêm cơ chế cấp cao mới, “tạo thế kiềng 3 chân, góp phần đem lại phồn vinh cho người dân ba nước, cùng các nước ASEAN bảo đảm hòa bình, ổn định và thịnh vượng”. Bởi lẽ, Hội nghị này đánh dấu việc lần đầu tiên trong lịch sử ba nước có đủ các cơ chế gặp gỡ giữa lãnh đạo cấp cao nhất trên cả ba kênh Đảng, Quốc hội và Chính phủ.
Ngay sau phiên khai mạc đã diễn ra các phiên họp chuyên đề sâu các ủy ban của Quốc hội ba nước về lĩnh vực đối ngoại, hợp tác kinh tế, văn hóa-xã hội và quốc phòng-an ninh... với sự tham dự, trao đổi, chia sẻ thông tin của đại biểu Quốc hội chuyên trách, lãnh đạo địa phương các tỉnh biên giới ba nước. Ngoài ra, các đại biểu Quốc hội và đại biểu dự Hội nghị CLV được nghe báo cáo về tiến độ thực hiện các kế hoạch hành động khác nhau trong khu vực Tam giác phát triển từ các bên liên quan của Chính phủ.
Một trong những vấn đề trọng tâm được thảo luận sôi nổi liên quan lĩnh vực kinh tế, thương mại, đầu tư trong bối cảnh chung hiện nay. Bên cạnh tiếp tục giám sát triển khai hiệu quả các văn kiện hợp tác đã ký, Quốc hội ba nước quyết tâm thúc đẩy đàm phán để ký văn kiện mới tạo hành lang pháp lý đầy đủ, đồng bộ, thuận lợi trong hợp tác giữa song phương cũng như giữa ba nước nhằm tạo đột phá trong hợp tác kinh tế, tăng cường bổ trợ, kết nối giữa ba nền kinh tế CLV; chú trọng các cơ chế, chính sách đặc thù cho khu vực CLV-DTA. Quốc hội ba nước sẽ phối hợp, giám sát việc tạo điều kiện thuận lợi phát triển du lịch, xúc tiến mô hình “3 quốc gia-1 điểm đến”, thúc đẩy hợp tác y tế, giáo dục-đào tạo, giao lưu văn hóa, góp phần giáo dục thế hệ trẻ 3 nước về quan hệ hữu nghị Campuchia-Lào-Việt Nam...
Qua lắng nghe ý kiến chia sẻ của đại diện các tổ chức quốc tế: WB, ADB, JICA và KOICA đánh giá cao hợp tác Quốc hội giữa ba nước CLV, cam kết hỗ trợ thúc đẩy hợp tác bổ trợ lẫn nhau giữa các địa phương khu vực CLV-DTA. Các thể chế tài chính quốc tế và cơ quan hợp tác của Nhật Bản và Hàn Quốc cam kết tiếp tục hỗ trợ 3 nước Campuchia-Lào-Việt Nam phát triển bền vững, góp phần duy trì hòa bình, ổn định và hợp tác ở khu vực.
Tại các phiên họp cấp ủy ban, đại diện các bộ, ngành, địa phương đề nghị Quốc hội ba nước triển khai các hoạt động giám sát hằng năm theo chuyên đề về việc thực hiện các mục tiêu kết nối ba nước hướng tới mục tiêu phát triển bền vững và bao trùm, tăng cường tính đại diện cho người dân, chuyển tải tiếng nói của người dân trong quá trình giám sát, quan trọng hơn, tạo điều kiện hơn nữa để người dân và cộng đồng tham gia vào quá trình xây dựng pháp luật và chính sách, quá trình giám sát.
Trong thông điệp bài phát biểu quan trọng của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cùng Chủ tịch Quốc hội Lào Saysomphone Phomvihane và Chủ tịch Quốc hội Campuchia Samdech Khuon Sudary đều khẳng định cam kết của Quốc hội, đại biểu Quốc hội ba nước tiếp tục làm sâu sắc hơn nữa quan hệ hợp tác và đối tác nghị viện nhằm duy trì hợp tác chặt chẽ, cùng có lợi giữa Quốc hội ba nước, qua đó vun đắp tình hữu nghị đoàn kết, thúc đẩy hợp tác toàn diện trên mọi lĩnh vực.
Đặc biệt, ba Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh vai trò giám sát của Quốc hội trong ứng phó các thách thức toàn cầu, giải quyết các vấn đề còn tồn tại, thúc đẩy việc thực hiện các thỏa thuận, dự án chung vì lợi ích chung của người dân trong khu vực Tam giác phát triển CLV (CLV-DTA) nói riêng và ba nước nói chung.
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đã đề xuất nhiều biện pháp tăng cường hợp tác giữa ba Quốc hội Campuchia-Lào-Việt Nam và đã được các nhà lãnh đạo hai nước bạn, các đại biểu dự hội nghị hoan nghênh, đánh giá rất cao. Dịp này, Chủ tịch Quốc hội nước ta đánh giá cao các chủ đề, nội dung, văn kiện chung của Hội nghị cấp cao CLV cũng như vai trò Chủ tịch của Lào và đây sẽ là kinh nghiệm tốt khi tổ chức Hội nghị Cấp cao CLV lần sau tại Việt Nam.
Dịp này sang xứ sở hoa Chăm Pa, chúng tôi cũng cảm nhận sâu sắc sự chu đáo, tình cảm hữu nghị đồng chí anh em, lòng hiếu khách, tình cảm trân trọng đặc biệt của các nhà lãnh đạo nước chủ nhà đối với Chủ tịch Quốc hội Việt Nam và các thành viên trong Đoàn.
Các nghi thức lễ tân đón Đoàn được sắp xếp đầy đủ, ân cần và nghiêm trang, tất cả các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Chính phủ và Quốc hội Lào đều sắp xếp lịch tiếp và làm việc mang lại kết quả thành công với nhiều nội dung cụ thể, thực chất. Trong không khí gặp gỡ thắm thiết, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ và các nhà lãnh đạo bạn Lào khẳng định, Việt Nam và bạn luôn dành ưu tiên cao nhất cho mối quan hệ truyền thống vĩ đại giữa hai nước, luôn sát cánh và ủng hộ mạnh mẽ, toàn diện công cuộc bảo vệ, xây dựng, đổi mới và phát triển của nhau trên tinh thần đồng chí anh em.
Sáng qua, trước lúc bế mạc hội nghị quan trọng, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đã cùng Chủ tịch Quốc hội Lào Saysomphone Phomvihane dự cuộc gặp mặt thân mật, xúc động với quy mô lớn đầu tiên của đông đảo các thế hệ lưu học sinh bạn và cán bộ, giáo viên Trường Hữu nghị T78, trong đó có thế hệ thầy giáo Việt Nam có mặt từ những lớp đầu tiên, nay mái tóc bạc phơ từ Hà Nội sang, chống gậy đến dự.
Cách đây tròn 65 năm, dưới sự chỉ đạo của Chủ tịch Hồ Chí Minh, Ban Bí thư Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam đã thành lập một ngôi trường “đặc biệt” trực thuộc Ban công tác Lào, mang bí danh “T399” (tiền thân của Trường Hữu nghị T78 và hệ thống các “trường T” sau này) giúp đào tạo nguồn nhân lực phục vụ cho cách mạng Lào.
Theo số liệu báo cáo của nhà trường, tính đến năm học 2023-2024, nhà trường đào tạo hơn 27.000 lưu học sinh Lào, trong đó có nhiều lưu học sinh đang giữ những trọng trách quan trọng trong bộ máy lãnh đạo Đảng, Nhà nước từ Trung ương tới địa phương, góp phần quan trọng vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ đất nước Lào hòa bình, thịnh vượng và phát triển.
Chủ tịch Quốc hội hai nước và các đại biểu đều rưng rưng xúc động tham dự cuộc gặp mặt vô cùng đặc biệt. Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nêu rõ, trong lịch sử quan hệ quốc tế, tình đoàn kết đặc biệt và hợp tác toàn diện Việt Nam-Lào là truyền thống tốt đẹp có một không hai trên thế giới về sự gắn kết bền chặt, thủy chung, trong sáng và vô cùng tốt đẹp; đồng thời nhấn mạnh lời của Chủ tịch Suphanouvong đã khắc họa tình đoàn kết đặc biệt hiếm có: “cao hơn núi, dài hơn sông, rộng hơn biển cả, đẹp hơn trăng rằm, ngát hương thơm hơn bất cứ đóa hoa nào thơm nhất”!.