Cùng Nguyễn Huy Minh 'đi trẩy nước non'…
'Đi trẩy nước non – Phja Đén, Phja Oắc, Lô Lô Chải… và những chuyện đường rừng' là tập phóng sự - điều tra - ghi chép ghi dấu ấn trên hành trình dấn thân với nghề của Nguyễn Huy Minh, sau các tập sách đã làm nên tên tuổi trước đó là 'Kimono trong rừng thẳm' và 'Tìm lại con đường tơ lụa trên biển Đông'. Trong đó, 'Đi trẩy nước non' có sức hấp dẫn riêng trong tổng thể tập sách.
Nội dung “Đi trẩy nước non” nằm gọn trong phần 2 của cuốn sách, cùng với các phần 1: Phóng sự - điều tra; phần 3: Có một “Điện Biên Phủ dưới nước”. “Trẩy hội nước non” tập hợp 16 bài viết về một số địa danh, nhân vật tiêu biểu, đặc biệt trên hành trình dấn thân với nghề của nhà báo Nguyễn Huy Minh. Cái tiêu biểu, đặc biệt được khắc họa qua những trang viết một cách giản dị, tự nhiên, gần gũi mà cao đẹp, độc đáo. Từng dữ kiện, chi tiết được dụng công kết nối, sắp xếp theo mạch kể đầy sức hấp dẫn, lôi cuốn. Nguyễn Huy Minh cứ thủ thỉ, nhẩn nha kể và dẫn dắt bạn đọc đi qua từng địa danh, gặp gỡ từng nhân vật, lắng nghe từng câu chuyện một cách háo hức, say mê, lắng đọng. Những trang viết của Nguyễn Huy Minh ngồn ngộn thông tin, dữ liệu báo chí nhưng không tạo nên cảm giác ngợp, bức bối cho người tiếp nhận – độc giả. Tác giả biết cách “nhả vàng”, biết cách làm chủ “bữa tiệc thông tin” thịnh soạn của mình.
Không chỉ là cảm nhận, khám phá thiên nhiên, bản sắc lịch sử - văn hóa địa phương, trên hành trình “đi trẩy nước non”, Nguyễn Huy Minh luôn nỗ lực, nhạy bén, tinh tế khai phá, cần mẫn gom nhặt tư liệu, liên hệ, so sánh để làm nổi bật lên những nét hay, mới, đặc sắc, từ đó cung cấp cho bạn đọc những điểm nhìn, cách tiếp cận vấn đề, hiểu biết sâu rộng về đất và người nơi ấy.
Tân Trào (Tuyên Quang) vốn là địa danh đã quá quen thuộc, nổi tiếng. Không thể kể hết đã có bao nhiêu tác giả - tác phẩm viết về vùng đất lịch sử này. Nhưng khi đọc “Vùng đất không có người hy sinh sau 4 cuộc chiến tranh”, độc giả vẫn nhận thấy một khía cạnh riêng khác: “Nghe phong thanh rằng Tân Trào có cả trăm thanh niên nhập ngũ để tham gia 4 cuộc chiến tranh của Việt Nam trong thế kỷ XX, nhưng may mắn và lạ lùng thay khi nơi này không ai hy sinh cả. Vùng đất ấy không có tiếng khóc của mẹ mất con, vợ mất chồng, con mất cha vì trận mạc, và bởi thế không có nghĩa trang liệt sĩ, một điều chúng ta vẫn thường thấy trên những nẻo đường trường”. Có những chi tiết rất đời được Nguyễn Huy Minh phát hiện, tô điểm thêm cho mảnh đất “vốn là nơi khai sinh cách mạng, nhưng đất văn, không phải đất võ, cư dân hiền lành, tiếng cãi nhau còn hiếm”.
Những chuyến rong ruổi Tây Bắc, tính cách ưa tìm tòi, khám phá giúp Nguyễn Huy Minh tìm thấy vùng đất thiên đường Mường Lựm, Yên Châu, Sơn La – “một vùng thung lũng cẩm tú ẩn mật lửng lơ lưng chừng trời bốn mùa sương phủ”. Cư dân người Thái, người Mông nơi này vạm vỡ, gieo ngô trên những sườn đồi dốc thót ruột, đi săn trong các vạt rừng ken dày cổ thụ ăn về tận thang gác nhà sàn. Thung lũng ấy có khoảng 10 người sống trên trăm tuổi và khoảng 30 người đang ở lứa tuổi 90 tới 100, có người sống qua 120 tuổi, có cả trăm cháu, chắt. Điều đáng kinh ngạc hơn nữa, các cụ vẫn đang sống vui – khỏe – có ích, cụ Quàng Thị Lả sinh năm 1924, hơn 90 tuổi nhưng vẫn có thể chuốt nan đan gùi, trong những ngày tạnh ráo còn có thể đi nương… Đó là một cuộc sống mà bất kể ai cũng mơ ước.
Những con chữ của Nguyễn Huy Minh dệt nên bức tranh Bắc Hà tươi tắn, tràn đầy niềm hy vọng. Vẻ đẹp của cảnh sắc thiên nhiên hiện diện qua nét chấm phá về “các triền non cao trên dưới ngàn mét tràn ngập một màu trắng của hoa mơ, hoa lê, hoa mận”. Trong rực rỡ sắc hoa ấy là bóng dáng những con người đã gắn bó và đóng góp cho mảnh đất nơi đây, làm nên danh hiệu mĩ miều, thơ mộng “cao nguyên trắng”.
“Đi trẩy nước non” dẫn độc giả đến với vùng Phja Oắc – Phja Đén (Cao Bằng) “hoang sơ, hùng vĩ, thơ mộng, “rừng vàng, núi bạc”, kho di sản thiên nhiên độc đáo và giàu có, báu vật của trời đất ban tặng”. Tuy nhiên, những con số so sánh về lượng khách du lịch đến đây khiến một nhà báo nhạy bén và tâm huyết như Nguyễn Huy Minh cảm thấy trăn trở bởi tiềm năng, lợi thế chưa được khai thác, phát huy hiệu quả, để một vùng Phja Oắc – Phja Đén vẫn là “một nàng công chúa ngủ quên chưa được hoàng tử nào đánh thức”.
“Bạn của đế vương”, “Xứ sở của người đẹp, múa xòe và thuyền độc mộc mũi cong”, “Huyệt đạo Ngàn Nưa”, “Chùa Sùng Khánh – Địa chỉ thiêng ven đường thiên lý”, “Báu vật trong miếu cổ”… là những trang viết lịch sử - văn hóa độc đáo, gợi lên biết bao điều, lật lên những vỉa tầng bị phủ kín bởi thời gian, vén bức màn huyền thoại, dã sử nhuốm màu tâm linh…
Không chỉ có những vùng đất, địa danh, chân dung con người hiện diện trong các trang viết của Nguyễn Huy Minh gắn với số phận, câu chuyện nhân văn, truyền động lực, cảm hứng, thấm đẫm tình người, tình đời. Như ông Trần Tương Lai – “người không có vân tay”, chuyên viên tạo hình động vật, “nghệ nhân có bàn tay vàng” của những con thú không còn sống.
Bạn đọc ghi nhớ câu chuyện cuộc đời buồn mà cũng thật đáng trân trọng của người đàn bà “37 năm thờ chồng, nuôi con” vang động cùng những vần thơ “Giá đừng có chiến tranh”. Từng trang viết khiến trái tim độc giả rưng rưng xúc động, cảm phục trước tấm lòng, nghị lực, lý tưởng sống của người đàn bà ấy. “Gọi tên nỗi buồn nơi chân mây” khiến bất kì ai cũng phải chạnh lòng bởi cái vòng luẩn quẩn đói nghèo – thất học – tảo hôn “vừa là nguyên nhân vừa là kết quả” đã bao đời làm nên những lời ru buồn trên núi… “Từ làng Phù Đổng tới chín tầng mây Kon Tum” là bài viết công phu, là hành trình của tấm lòng tri ân sâu sắc với các thế hệ cha anh – những người đã hy sinh xương máu cho nền độc lập, tự do của đất nước…
Bên cạnh “Trẩy hội nước non” còn có những trang phóng sự - điều tra bời bời hiện thực, nhiệt huyết dấn thân, một vệt bài về “Điện Biên Phủ dưới nước” đầy ấn tượng. Khi đất trời vẫn còn đậm hơi xuân và những dòng người vẫn đổ về khắp các danh lam thắng cảnh, di tích lịch sử - văn hóa, điểm tâm linh để du xuân thì “Trẩy hội nước non” của Nguyễn Huy Minh thỏa cho ta một cái thú xê dịch – du xuân qua từng trang sách, du lịch qua miền tri thức, thông tin…