Cứng nhắc thuế, phí sẽ 'cản đường' doanh nghiệp hồi phục
Bài học từ chuyện tăng nóng giá xăng dầu ngay trong quý đầu của năm 2022 cho thấy những bất cập, cứng nhắc về thuế, phí cần tiếp tục được tháo gỡ nhằm tránh cản đường hồi phục của các doanh nghiệp giữa bối cảnh đầy bất trắc khi 'sống chung' đại dịch Covid-19.
Phương án điều chỉnh chính sách thuế Bảo vệ môi trường (BVMT) đối với mặt hàng xăng dầu sẽ như thế nào trong thời gian tới là điều mà dư luận đang quan tâm. Nhất là sau chỉ đạo mới đây của Thủ tướng Chính phủ có yêu cầu Bộ Tài chính chủ trì phối hợp Bộ Công Thương và các cơ quan liên quan xúc tiến nhanh việc này.
Bài học từ giá xăng
Hiện thuế Bảo vệ môi trường (đã được Ủy ban Thường vụ Quốc hội quy định) với xăng (trừ ethanol) là 4.000 đồng/lít; dầu diesel 2.000 đồng/lít; nhiên liệu bay là 3.000 đồng/lít.
Điều đáng nói, cùng với thuế BVMT thì ước tính bình quân giá bán mỗi lít xăng đang chịu tất cả các loại thuế, phí khoảng 42 - 43%, dầu 21 - 27%. Tức là với một lít xăng RON95 hiện nay hơn 26.300 đồng, người mua phải chịu từ 11.000 - 11.300 đồng tiền thuế, phí.
Nhiều ý kiến cho rằng với các loại thuế, phí đang chiếm tỷ lệ quá cao trên mặt hàng xăng như vậy thì việc giá xăng ở Việt Nam đang ở mức cao là khó tránh khỏi. Trong khi đó, mỗi khi mặt hàng này tăng giá cao xem như tác động cực kỳ lớn đến toàn thị trường, từ thành thị cho đến nông thôn.
Ngoài việc xem xét điều chỉnh thuế BVMT, vấn đề được kiến nghị nhiều trong thời gian gần đây là cần giảm các loại thuế phí đối với mặt hàng xăng dầu cho phù hợp, gỡ bớt khó khăn cho doanh nghiệp (DN) và người dân.
Tuy vậy, Bộ Tài chính từng khư khư quan điểm so với nhiều nước trên thế giới, tỷ trọng thuế trong giá xăng dầu bán ra của nước ta hiện nay vẫn thấp hơn mức bình quân chung.
Tỷ trọng thuế trong giá bán xăng dầu ở nhiều nước chủ yếu trong khoảng 45- 60% (ngoại trừ một số nước có trữ lượng dầu mỏ lớn thì có tỷ trọng thấp hơn), trong khi đó, đối với Việt Nam, tỷ trọng thuế đối với xăng khoảng 38% và đối với dầu khoảng 20%.
Giới chuyên gia cho rằng so sánh tỷ trọng thuế như vậy là khập khiễng khi tình hình kinh tế xã hội của mỗi quốc gia đều khác nhau. Chỉ thấy rằng, với tình hình tăng “nóng” giá xăng ở trong nước như hiện tại thì tác động tiêu cực là rất lớn, khiến cho người dân và các DN phải oằn lưng chịu đựng.
Ngay như việc giảm mức thuế BVMT đối với mặt hàng nhiên liệu bay cũng được cho là chưa thỏa mãn các DN trong ngành hàng không đang sử dụng nhiên liệu này.
Hồi cuối năm 2021, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã thông qua Nghị quyết về mức thuế Bảo vệ môi trường đối với nhiên liệu bay. Theo đó, mức thuế mới là 1.500 đồng/lít (giảm 50% mức thuế bảo vệ môi trường đối với nhiên liệu bay theo quy định tại Nghị quyết số 579/2018/UBTVQH về biểu thuế bảo vệ môi trường). Điều này nhằm tăng mức hỗ trợ của Nhà nước cho các DN vận tải hàng không trong bối cảnh dịch Covid-19 còn diễn biến phức tạp.
Ngóng “toa thuốc” liều cao
Cụ thể, mức thuế này được áp dụng từ ngày 1/1/2022 đến hết ngày 31/12/2022. Từ tháng 1/1/2023, mức thuế Bảo vệ môi trường đối với nhiên liệu bay sẽ là 3.000 đồng/lít.
Xét về mức thuế mới là 1.500 đồng/lít, ngay từ lúc Vụ Chính sách thuế (Bộ Tài chính) đưa ra mức đề xuất này trong dự thảo, Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) có dẫn lại phản ánh của các DN, hiệp hội, cho rằng việc hỗ trợ cho ngành hàng không cần mạnh mẽ hơn nữa. Cụ thể là cần điều chỉnh mức thuế BVMT với nhiên liệu bay xuống còn 1.000 đồng/lít (áp dụng trong năm 2022).
Lý do là vì ngành hàng không đã trải qua hai năm bị ảnh hưởng tiêu cực bởi dịch bệnh Covid-19, năm sau nặng hơn năm trước. Số liệu từ Hiệp hội DN hàng không Việt Nam cho thấy doanh thu năm 2021 của các hãng tiếp tục giảm nặng nề so với năm 2020, và có thể sụt giảm đến hơn 65% doanh thu so với năm 2019.
Mặt khác, dòng tiền hoạt động của các hãng hàng không bị thiếu hụt nghiêm trọng, nợ ngắn hạn và nợ đến hạn phải trả của các hãng lên tới 50.000 tỷ đồng. Vì vậy, VCCI từng nhấn mạnh chính sách hỗ trợ mạnh mẽ ở mức cao sẽ là “liều thuốc” giúp DN và ngành hàng không tiếp tục gắng gượng và tạo đà để hồi phục.
Rất tiếc là quyết định cuối cùng trong việc giảm thuế BVMT đối với nhiên liệu bay mà Ủy ban thường vụ Quốc hội thông qua nghị quyết đã không thỏa mãn được mong muốn của các DN trong ngành hàng không.
Trong khi đó, không chỉ vấn đề về thuế phí đối với mặt hàng xăng dầu, nhiều báo cáo phân tích từng cho thấy mức thuế tổng hay mức thuế hữu hiệu lâu nay DN Việt Nam phải chịu tương đối cao so với các nước trong khu vực.
Và một trong những nguyên nhân chính khiến mức thuế tổng mà DN phải nộp cao đến từ mức phí an sinh xã hội bắt buộc mà DN phải nộp thay cho người lao động cao hơn hẳn so với mức trung bình trên thế giới và khu vực châu Á.
Ngoài mong mỏi cần tiếp tục có những giải pháp hữu hiệu nhằm giảm thuế, phí, bàn thêm về mức phí an sinh xã hội, ông Lê Bá Linh, Chủ tịch HĐQT CTCP Pacific Foods, có kiến nghị là thời hạn nộp các loại bảo hiểm cho người lao động cũng nên cho phép giãn hoặc hoãn ít nhất đến cuối năm 2022.
“Tiền bảo hiểm bắt buộc và kinh phí công đoàn nên được miễn trong thời gian người lao động bị ngừng hoặc chờ việc do ảnh hưởng của dịch Covid -19. Ngoài ra, cần giảm 50% trong 6 tháng tiếp theo khi người lao động có việc làm hoặc đi làm trở lại và giảm 30% cho 6 - 12 tháng kế tiếp”, ông Linh đề nghị.