Cùng quân dân cả nước chống Tống thời Lý
Nhà Tống sau thất bại trong lần xâm lược lần thứ nhất (năm 981) lại lăm le xâm lược nước ta lần thứ hai. Trước âm mưu của nhà Tống, Vua Lý Nhân tông và Lý Thường Kiệt đã chủ động đối phó.
Nhà Tống sau thất bại trong lần xâm lược lần thứ nhất (năm 981) lại lăm le xâm lược nước ta lần thứ hai. Trước âm mưu của nhà Tống, Vua Lý Nhân tông và Lý Thường Kiệt đã chủ động đối phó.
Nhà Lý liên kết các tù trưởng và dân tộc thiểu số vùng núi phía Bắc để phối hợp chống giặc. Sát biên giới phía Bắc, Lưu Kỷ cùng 5.000 quân người thiểu số đóng ở Quảng Nguyên (phủ Cao Bằng) đón đánh đạo quân từ Ôn Châu tiến vào Cao Bằng. Một vạn quân đóng ở hai động Cổ Lộng và Hạ Yên (vùng Ngân Sơn, thuộc châu Định Biên) làm nhiệm vụ chặn đường tiếp tế, uy hiếp vùng sau lưng địch. Phía Tây, các tù trưởng trấn giữ vùng Môn Châu (Đông Khê) và ngăn chặn con đường từ Bình Gia đến Thái Nguyên.
Khi nhà Tống cử Yên Đạt đánh vào châu Quảng Nguyên, quân Lưu Kỷ chống cự rất hăng làm cho quân Yên Đạt lâm nguy. Song, vì quân Tống quá mạnh, lại thêm Lưu Kỷ bị mắc lừa quân Tống đã đem gia thuộc và các động trưởng ra hàng, ta mất Quảng Nguyên.
Do có sự hàng phục của các tù trưởng, quân Quách Quỳ từ hướng Ôn Châu qua đường tắt, qua xã Bình Gia, châu Vạn Nhai theo dọc phía Tây dãy núi Đâu Đỉnh đến Phú Lương, tránh phục binh của ta ở cửa ải Chi Lăng.
Tại Đâu Đỉnh, quân ta chống cự kiên cường nhưng địch vẫn tiến qua được, xuống đóng quân bên bờ Bắc Phú Lương. Lý Thường kiệt đã đem chủ lực chặn con đường từ trại Vĩnh Bình đến sông Phú Lương bằng cách đặt doanh đồn và phục binh tại hai ải tiếp nhau ở Cao Bằng và Chi Lăng. Nếu hai phòng tuyến ấy bị tan thì phải cố thủ ở phòng tuyến thứ 3, tức là nam ngạn sông Phú Lương.
Thượng lưu sông Cầu qua vùng rừng núi rất hiểm, chỉ từ Thái Nguyên trở xuống là có thể qua dễ dàng, qua rồi thì có đường xuôi. Nhưng sau sông ở phía Tây có dãy núi Tam Đảo là một cái thành không thể vượt, chỉ có khoảng từ huyện Đa Phúc đến Lục Đầu là phải phòng ngự bờ Nam. Muốn cản quân Tống qua sông, Lý Thường Kiệt sai đắp đê nam ngạn như thành dài gần trăm cây số, trên thành đóng tre. Thành đất lũy tre nối với dãy núi Tam Đảo đã đổi thế sông Phú Lương và bờ nam ngạn ra một dãy thành hào che chở cả Trung Nguyên nước Việt.
Trước thành có thủy quân đậu ở nam ngạn sẵn sàng tiếp chiến quân Tống nếu chúng qua sông. Các trận đánh phục kích quân Tống của nhà Lý và dân binh đã diễn ra quyết liệt trên đất Vạn Nhai (Võ Nhai), bên bờ tả ngạn sông Cầu (Đồng Hỷ, Phú Bình), góp phần làm chậm bước quân thù xuống phòng tuyến Như Nguyệt. Như vậy, quân và dân Thái Nguyên đã góp một phần sức lực trong cuộc kháng chiến chống Tống thời Lý.