Cúng Rằm tháng 7 âm: Ngày giờ nào tốt? Mâm cúng gồm những gì?

Rằm tháng 7 Âm lịch được người Việt coi là ngày xá tội vong nhân, là dịp lễ Vu Lan báo hiếu - theo quan niệm Phật giáo nhằm hướng về tổ tiên, cội nguồn, về các đấng sinh thành, thể hiện tình thương yêu đối với mọi chúng sinh.

Nghi lễ cúng Rằm tháng 7 luôn được chuẩn bị công phu hơn và tiến hành long trọng hơn những ngày rằm khác, gồm cúng gia tiên, thần linh và cúng chúng sinh.

 Nghi lễ cúng Rằm tháng 7 nên được thực hiện trước 12 giờ ngày 15/7 Âm lịch.

Nghi lễ cúng Rằm tháng 7 nên được thực hiện trước 12 giờ ngày 15/7 Âm lịch.

Cúng ngày rằm tháng 7 vào ngày nào tốt?

Rằm tháng 7 năm nay vào thứ Tư, ngày 30/8/2023 Dương lịch. Theo quan niệm dân gian, việc cúng rằm tháng 7 có thể diễn ra từ mùng 2 đến trước chính ngọ (12h) ngày 15 tháng 7 Âm lịch (năm nay rơi vào khoảng từ ngày 17/8 đến 30/8 Dương lịch).

Ngày cúng Rằm tháng 7 đẹp nhất năm nay được cho là ngày 13/7 Âm lịch, tức ngày 28/8 Dương lịch. Theo lịch vạn niên, đây là ngày thuận lợi để cầu tài, xuất hành và đạt được nhiều may mắn.

Ngoài ra, tùy vào điều kiện của gia đình có thể chọn ngày cúng sao cho thuận tiện nhất, thường là ngày có nhiều thời gian rỗi để có thể chuẩn bị chu đáo, thể hiện sự thành tâm, miễn là cúng trước 12h ngày Rằm tháng 7.

 Mâm lễ cúng Phật rằm tháng 7 thường có hoa sen.

Mâm lễ cúng Phật rằm tháng 7 thường có hoa sen.

Cúng rằm tháng 7 vào giờ nào tốt?

Nghi lễ cúng Rằm tháng 7 bao gồm cúng Chư phật và thần linh, cúng gia tiên và cúng chúng sinh (cô hồn) với thời điểm và cách thức thực hiện khác nhau.

Cúng chư phật và thần linh: Nghi lễ cúng chư phật và thần linh có thể diễn ra vào bất kỳ ngày nào trong tháng 7 Âm lịch, nhưng thường được chọn vào ngày rằm. Giờ cúng thường là vào buổi sáng hoặc trưa, từ 10h đến 12h.

Cúng gia tiên: Nên được thực hiện vào ban ngày, từ 10h đến 12h là hợp lý nhất. Người xưa cho rằng đây là giờ hoàng đạo, dương khí rất mạnh, ít ma quỷ xuất hiện hơn, còn linh hồn gia tiên sẽ được Thổ thần cho phép vào để thụ lộc.

Cúng chúng sinh: Nghi lễ này nên được thực hiện vào buổi chiều tối hoặc tối hẳn. Theo quan niệm dân gian, các cô hồn thường sợ ánh sáng, thời điểm trời tắt nắng họ sẽ dễ nhận được đồ mà các gia đình cúng hơn.

Gia chủ có thể chọn cúng rằm tháng 7 cỗ chay hoặc mặn tùy theo điều kiện gia đình.

Gia chủ có thể chọn cúng rằm tháng 7 cỗ chay hoặc mặn tùy theo điều kiện gia đình.

Mâm cúng rằm tháng 7 cần chuẩn bị những gì?

Tùy thuộc vào niềm tin, phong tục và hoàn cảnh, điều kiện thực tế của mỗi gia đình có thể chọn mâm cúng Rằm tháng 7 chay hoặc mặn. Trong việc hương khói, yếu tố quan trọng nhất không phải cỗ bàn có gì mà là sự thành tâm.

Mâm lễ cúng Phật: Mâm cơm chay hoặc một mâm ngũ quả được chuẩn bị đơn giản để cúng Phật, nên cúng vào ban ngày. Các món ăn chay trong mâm lễ cúng Phật thường có: giò, chả chay, nem chay hoặc nem nấm, canh nấm hoặc rau củ quả, đậu hũ...

Nếu dùng hoa tươi, các gia đình nên chọn hoa sen, hoa huệ, hoa mẫu đơn, hoa ngâu… tránh dùng các loại hoa tạp, hoa dại.

Mâm cúng gia tiên: Đối với mâm lễ cúng gia tiên thường sắp xếp "trên chay dưới mặn" tức là trên hoa quả, dưới là cỗ mâm mặn. Các món ăn nấu tùy theo điều kiện gia đình, các món ăn cần đa dạng, tươi sạch để thể hiện lòng thành kính, biết ơn tổ tiên.

Mâm cúng mặn thường gồm các món như xôi, gà luộc, canh, cơm, cá kho, món xào, món nộm... Kèm theo là trái cây, hoa cúng, nước, rượu, nhang, nến, vàng mã và cả những vật dụng dành cho người cõi âm làm bằng giấy tượng trưng như quần áo, giày dép...

Khi bày mâm cúng, nếu người cúng là trưởng tộc thường cúng xôi gà và 9 bát xếp chồng lên nhau, 9 đôi đũa. Nếu không có gà thì một miếng thịt hoặc một khoanh giò.

Số lượng bát xếp trên mâm cỗ phụ thuộc vào người cúng là con trưởng hay con thứ, tượng trưng cho các đời trong dòng tộc. Nếu là con trưởng trong nhà sẽ cúng một mâm cơm, tùy tâm và điều kiện, có ít cúng ít, có nhiều cúng nhiều, nhưng không thể thiếu 7 cái bát chồng lên nhau. Nếu không phải con trưởng thì cúng một mâm cơm gồm nhiều đồ ăn và 5 chiếc bát tượng trưng cho ngũ đại đồng đường, xếp 5 bát chồng lên nhau.

 Mâm lễ cúng chúng sinh rằm tháng 7.

Mâm lễ cúng chúng sinh rằm tháng 7.

Mâm cúng chúng sinh: Lễ cúng chúng sinh thường có gạo muối, cháo trắng, hoa quả, đường thẻ, quần áo chúng sinh, bỏng ngô, bánh kẹo, tiền vàng, nước, ba ly cốc nhỏ, ba cây nhang, hai ngọn nến nhỏ. Lễ cúng chúng sinh không nên làm lễ mặn vì theo quan niệm có thể khơi dậy tham, sân, si.

Mâm cúng chúng sinh phải được bày ngoài trời hoặc trước cửa chính của ngôi nhà. Gia chủ đọc văn khấn hoặc bài cúng nôm theo tâm nguyện và rải lòng thương của mình đối với các cô hồn, mong linh hồn giải thoát khỏi trần thế đau khổ. Sau khi cúng xong, các vật phẩm cúng cô hồn không được đem vào nhà, cũng không được mang đồ cúng đó chia lộc cho bất cứ trẻ em hay hàng xóm, người thân nào trong gia đình để tránh chúng sinh đi theo đòi lại. Vẩy chút nước, cháo, toàn bộ đĩa muối, gạo rải ra tám hướng. Toàn bộ đồ ở trong mâm cúng chúng sinh còn lại (bỏng, bánh kẹo, hoa quả, cháo loãng còn lại..) đều mang ra hồ hoặc ao mát mẻ gần đó để bố thí cho chúng sinh ở dưới nước.

(*) Thông tin mang tính chất tham khảo, chiêm nghiệm!

Minh Tuyết (T/h)

Nguồn Tri Thức & Cuộc Sống: https://kienthuc.net.vn/kho-tri-thuc/cung-ram-thang-7-am-ngay-gio-nao-tot-mam-cung-gom-nhung-gi-1890623.html