Cúng thần rừng - tín ngưỡng, văn hóa đặc sắc của người Pu Péo
Cúng thần rừng là một tập quán xã hội và tín ngưỡng đẹp của dân tộc Pu Péo, mang đậm bản sắc văn hóa tộc người, góp phần tạo nên mối quan hệ gắn kết trong cộng đồng, làng bản, nâng cao ý thức gìn giữ, bảo vệ tài nguyên rừng.
Pu Péo là dân tộc thiểu số rất ít người ở nước ta, với dân số chỉ hơn 900 người, đa số cư trú tại vùng ven biên giới Việt - Trung thuộc địa bàn tỉnh Hà Giang. Giống như nhiều dân tộc thiểu số khác nơi rẻo cao, người Pu Péo gắn bó với rừng, bởi rừng là không gian văn hóa, cội nguồn tâm linh. Theo nghiên cứu của nhiều nhà khoa học, từ thuở còn sống theo lối săn bắt, hái lượm thì tất cả mọi thứ đều gắn với không gian đất - rừng. Khi con người từng bước chế ngự và làm chủ thiên nhiên thì không gian đất - rừng vẫn cho bao sản vật, nguồn nước để sinh hoạt, trồng trọt, chăn nuôi. Đến khi con người giã từ cuộc sống, không gian đất - rừng lại là nơi ký thác thân xác và hồn vía. Do đó, không gian đất - rừng được xem là không gian tâm linh của nhiều tộc người ở miền núi.
Tục cúng thần rừng đã có từ lâu đời trong đời sống tín ngưỡng của người Pu Péo. Các khu vực người Pu Péo sinh sống đều có một khu rừng cấm, bà con quan niệm đó là nơi thần rừng cư ngụ. Với người Pu Péo, thần rừng có vị trí đặc biệt quan trọng, có ảnh hưởng nhất và được cầu khấn trong hầu hết các nghi lễ thờ cúng. Rừng cấm còn là nơi ở của nhiều vị thần khác, tổ tiên từ nhiều đời trước không còn được thờ cúng trong gia đình; là nơi dừng chân, hội tụ của thế giới các vị thần mỗi khi qua lại và gặp nhau. Vì thế, rừng cấm được người dân gìn giữ cẩn thận với những luật tục nghiêm khắc như không được vào rừng chặt cây, lấy củi, săn bắn... nhằm không cho ai xâm phạm nơi ở của thần.
Lễ cúng thần rừng thường được tổ chức vào ngày 6/6 âm lịch, trừ trường hợp ngày đó trùng vào ngày Mùi hoặc ngày Dậu - hai con vật được đem làm đồ tế lễ thì có thể tổ chức sớm hoặc muộn hơn. Địa điểm tổ chức lễ cúng là khu vực bìa rừng, phía sau làng. Đàn cúng được làm từ những cành cây nhỏ, để nguyên lá, cắm xuống đất, cành đan vào nhau, cao khoảng 1m, dựng quay về rừng cấm. Bà con góp tiền mua lễ vật, mời thầy cúng. Sáng hôm làm lễ, mỗi gia đình cử một đại diện, thường là chủ nhà mang những lễ vật đã chuẩn bị trước đến một nhà gần rừng nhất. Trước khi ra cúng rừng, người chủ gia đình thắp hương cho tổ tiên trong nhà trước. Chủ trì lễ cúng là thầy cúng do người dân trong làng chọn lựa, thường là người có uy tín, được đồng bào nể trọng. Trong tháng diễn ra lễ cúng thần rừng, thầy cúng phải kiêng ăn thịt chó.
Lễ cúng thần rừng được chia làm hai phần: Cúng dâng lễ (cúng sống) và cúng chính (cúng chín). Cúng dâng lễ: Đầu tiên, thầy cúng cho buộc hai con gà còn sống vào chân đàn cúng, con dê được buộc gần đó. 10 nắm cơm cắt sẵn, trên có miếng trứng (hoặc thịt luộc) được đặt lên ban thờ. Bên dưới là một nong cơm nắm được xếp thành 5 hàng, không quy định số lượng, hàng trên cùng là một nắm cơm to, trên đặt một lòng đỏ trứng gà. Các hàng cơm nắm thể hiện quan niệm của người Pu Péo về thế giới thần linh, trên cùng là thần rừng, dưới là các thần linh được phân theo cấp bậc.
Thầy cúng thắp hương cắm ở hai bên và chính giữa đàn cúng, rót rượu vào 4 chiếc chén và đọc bài cúng để mời thần rừng, các vị thần và tổ tiên về dự, bày tỏ lòng thành kính với họ. Dân làng dâng lễ vật mời các vị thần chứng nhận cho lòng thành của họ. Kết thúc bài cúng, thầy cúng sai người mang gà đi cắt tiết. Gà được cắt tiết để nguyên con bày hai bên nong, đầu đặt lên lá dong hoặc lá chuối. Bát tiết được đặt phía trên nong, hai bên là 2 chai rượu, 4 chén rượu đặt ở 4 góc nong. Thầy cúng vừa cúng, vừa vung cành tre nhỏ. Khoảng 15 phút sau, thầy cúng cho mang đôi gà đi và dắt con dê vào, đọc bài cúng khác để báo cáo với thần rừng đây là lễ vật thứ hai dâng lên, xin thần làm chứng. Sau đó, thầy cúng cử người mang dê đi cắt tiết rồi mang cả chậu tiết và con dê đưa lên đàn tiếp tục cúng.
Ở phần này, thầy cúng phải đứng cúng, bên cạnh có một người đại diện cho dân làng đứng nghiêm, kính cẩn, thể hiện lòng thành kính đối với thần rừng và các vị thần cư ngụ trong rừng. Thầy cúng mời thần rừng về và liệt kê những lễ vật dâng cúng, mong các vị nhận lấy. Kết thúc phần này, thầy cúng sai mọi người mang dê đi mổ.
Cúng chính: Dê được thui, nội tạng để sống, đặt bên cạnh đàn cúng. Thầy cúng khấn báo cho các thần biết lễ vật mà dân làng dâng lên nguyên vẹn, đầy đủ. Sau đó, nội tạng dê được mang đi làm chín. Đối diện đàn cúng chính là tấm phên nhỏ đặt trên một thanh tre cao khoảng 1m, cắm trên nền đất, phía trên đặt một tấm lá dong. Thầy cúng cử người dùng một thanh tre, bê chậu tiết dê chấm lên lá dong đó các chấm nhỏ. Đây là đàn cúng tượng trưng, cúng những ma dữ hay hại con người và những hồn ma vô chủ, không có nơi cư ngụ. Trong lúc người dân chấm tiết dê, thầy cúng đứng cạnh khấn gọi hồn những ma đó về cùng tham dự lễ cúng.
Tiếp đó, thầy cúng quay lại ban cúng chính, đặt vào nong 5 chiếc bát có nội tạng của con dê đã được luộc chín, thắp thêm hương, rót thêm rượu, bắt đầu cho bài cúng chính. Thầy cúng tay cầm một cành cây, mỗi điểm nhấn trong bài cúng, thầy lại vung cành cây lên phẩy qua, phẩy lại trước ban thờ. Bài cúng kể về công lao của thần rừng, sự tích của đất trời và các vị thần, với hàm ý dân làng không quên nguồn gốc, không quên công lao của thần rừng, tổ tiên người Pu Péo và các vị thần đã phù trợ cho dân làng, cầu mong một năm mới mưa thuận gió hòa, mùa màng tươi tốt, con người khỏe mạnh, no đủ...
Kết thúc bài cúng, thầy cúng cầm theo một con dao nhỏ đến đàn cúng các vong hồn và ma quỷ, kể tội các vong hồn, ma quỷ đã quấy nhiễu, làm hại dân làng, rồi dùng con dao hất đổ đàn cúng với ý nghĩa xua đuổi những điều xấu và ma quỷ.
Sau lễ cúng, mọi người cùng nấu nướng và ăn tại chỗ, gia đình nào bận việc không tham dự được thì dân làng chia phần đem về.
Cúng thần rừng là một nghi lễ truyền thống quan trọng trong đời sống tâm linh của dân tộc Pu Péo, có giá trị văn hóa, đạo đức, tín ngưỡng, tạo nên mối quan hệ gắn kết trong cộng đồng, làng bản, nâng cao ý thức gìn giữ khu rừng cấm, góp phần bảo vệ tài nguyên rừng và nguồn nước sinh hoạt cho đồng bào. Với giá trị nhân văn, đại diện cho bản sắc tộc người, Lễ cúng thần rừng của dân tộc Pu Péo đã được ghi nhận trong Danh mục Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia, loại hình Tập quán xã hội và tín ngưỡng.