Cùng trẻ em nông thôn học tiếng Anh

Hiện nay, hầu hết trẻ em đều được cha mẹ cho học tiếng Anh từ rất sớm, nhưng đối với trẻ em vùng nông thôn thì việc được tiếp xúc tiếng Anh bài bản lại là nỗi trăn trở của nhiều bậc phụ huynh. Đều là những người trẻ xuất thân từ xã Hòa Khương, H.Hòa Vang, thành phố Đà Nẵng, hiểu được những thiếu thốn trong việc tiếp cận tiếng Anh của các bé ở đây, Nguyễn Thanh Long (1997, sinh viên năm cuối Trường Đại học Bách khoa Đà Nẵng) và Phan Thị Bích Thảo (1996, giáo viên trường Tiểu học số 2 Hòa Nhơn) đã thành lập dự án "Tiếng Anh 1 đô" dạy tiếng Anh miễn phí cho trẻ em các vùng nông thôn.

Lớp học "Tiếng Anh 1 đô" ra đời góp phần giúp trẻ em vùng nông thôn được tiếp cận tiếng Anh bài bản hơn.

Lớp học "Tiếng Anh 1 đô" ra đời góp phần giúp trẻ em vùng nông thôn được tiếp cận tiếng Anh bài bản hơn.

Đều đặn vào các sáng thứ 7, chủ nhật hằng tuần, căn phòng rộng chừng 30m2 tọa lạc trong không gian yên tĩnh của thôn Phước Hưng, xã Hòa Nhơn H. Hòa Vang lại vang lên tiếng đọc bài, giảng bài của lớp tiếng Anh miễn phí. Không còn là những bài giảng khô khan, các bạn trong dự án "Tiếng Anh 1 đô" đã xây dựng nhiều hoạt động vừa học vừa chơi để cô và trò có thể tương tác hiệu quả với nhau. Nhờ vậy mà không khí lớp học lúc nào cũng vui nhộn và tràn ngập tiếng cười của các em. Em Nguyễn Minh Khang (lớp 2, Tiểu học số 2 Hòa Nhơn), cậu học trò luôn nhiệt huyết trong các trò chơi ở lớp, chia sẻ: "Con rất thích được học tiếng Anh ở đây, học rất vui. Thầy cô luôn tổ chức nhiều trò chơi vui nhộn để các con ôn lại các từ mới đã học".

Bắt đầu hoạt động từ tháng 6-2019, đến nay dự án đã tổ chức được 2 lớp. Lớp học đầu tiên khơi nguồn cho dự án "Tiếng Anh 1 đô" được đặt tại thôn Gò Hà, xã Hòa Khương với 10 học viên và tiếp tục mở rộng tại thôn Phước Hưng, xã Hòa Nhơn cũng với 10 học viên. Dự án của Long và Thảo chủ yếu dành cho các em vùng nông thôn từ 6-11 tuổi. Trước đây, khi còn ở độ tuổi này, bản thân hai bạn cũng không có nhiều điều kiện để được tiếp cận với tiếng Anh. Hè đến, nếu không phải phụ ba mẹ việc nhà, việc đồng áng thì cũng chỉ vui chơi cùng bạn bè trong xóm. "Mãi đến khi lên đại học, nhận thấy được tầm quan trọng của tiếng Anh nên chúng tôi nảy sinh ý tưởng đưa dự án dạy tiếng Anh về vùng nông thôn, nơi còn nhiều hạn chế trong việc tiếp cận tiếng Anh bài bản để giúp các em học ngoại ngữ tốt hơn", Thảo chia sẻ.

Để luôn có nguồn nhân lực đảm bảo duy trì lớp học hằng tuần, dự án "Tiếng Anh 1 đô" có gần 10 thành viên, chủ yếu là sinh viên năm 3, năm 4 hiện đang theo học các trường đại học trên địa bàn thành phố Đà Nẵng, một số thành viên là người đã đi làm cũng góp chút thời gian về quê tham gia cùng. Bên cạnh đó, dự án liên tục mời các bạn tình nguyện viên, giáo viên nước ngoài đến để hỗ trợ giảng dạy, tổ chức các hoạt động cho các em. Mỗi buổi học tại lớp "Tiếng Anh 1 đô" khoảng 2 giờ đồng hồ với nhiều phương pháp dạy học sáng tạo nghiêng về các hoạt động giao tiếp trong các đoạn hội thoại đơn giản, song song đó các em được tham gia các trò chơi tập thể, vận động cơ thể bằng việc hát các bài hát tiếng Anh giúp các em hứng thú, vui vẻ. Sau 3 tháng học, các em nhỏ không còn ngại ngần, rụt rè khi được hỏi bằng tiếng Anh mà trái lại rất năng nổ xung phong trả lời các câu hỏi và chủ động giao tiếp với thầy cô. Chị Lê Thị Thanh Thúy, phụ huynh của em Võ Xuân Phát (lớp 2, trường Tiểu học số 2 Hòa Nhơn) phấn khởi chia sẻ: "Khi tham gia lớp học "Tiếng Anh 1 đô", bé nhà tôi rất thích, về nhà là lại mở sách tiếng Anh lật từng trang xem và đọc. Hễ cứ đến cuối tuần, không đợi ba mẹ gọi dậy, bé tự để chuông báo thức rồi tự giác đi học và làm bài mà ba mẹ không cần phải nhắc nhở".

Tuy người lên ý tưởng là Long và Thảo nhưng đặt nền móng vững chắc cho dự án "Tiếng Anh 1 đô" được thực hiện suôn sẻ không thể không kể đến những đóng góp của các Mạnh Thường Quân cũng chính là các bậc phụ huynh tại hai lớp học. Người thì đóng góp bàn ghế để học, người thì cho mượn nhà để thầy trò có chỗ lui tới mà chẳng nhận một đồng tiền nào, đến cả ti-vi phục vụ cho việc học cũng được phụ huynh trang bị đầy đủ. Chị Văn Cẩm Nhung, phụ huynh có hai bé lớp 1 và lớp 2 đang theo học và cũng là người đóng góp bàn ghế, chia sẻ: "Khi biết có lớp học tiếng Anh của Thảo và Long được dạy tại đây, tôi rất phấn khởi và cũng muốn góp chút tấm lòng để các bạn có khả năng duy trì lớp học cho các bé ở đây. Nhiều bé rất thích học tiếng Anh nhưng điều kiện gia đình không cho phép nên không được học thêm hay tiếp cận nhiều, do đó khả năng ngoại ngữ hạn chế nhiều hơn các bé ở thành thị".

Nỗi trăn trở của nhiều phụ huynh đã được vơi đi khi dự án "Tiếng Anh 1 đô" hoạt động. Thắc mắc về tên của dự án, Long liền chia sẻ: "Nếu chỉ với 1 đô-la, chúng ta không có nhiều lựa chọn. Nhưng chỉ với số tiền ủng hộ 1 đô-la/tháng từ các cá nhân, tổ chức, chúng tôi có thể mở các lớp tiếng Anh miễn phí tại từng địa phương nơi các em sinh sống". Dự án bước đầu chỉ mới đặt tại 2 xã, nhưng trong tương lai, Long và Thảo mong muốn mở rộng nhiều hơn nữa các lớp học tiếng Anh miễn phí dành cho trẻ em vùng nông thôn tại Đà Nẵng. Long chia sẻ: "Để thực hiện được điều đó, chúng tôi sẽ củng cố và phát triển đội ngũ vững mạnh và tập trung nhiều nhất vào chất lượng đào tạo. Chúng tôi tin rằng, những gì "Tiếng Anh 1 đô" mang lại sẽ được xã hội công nhận và hỗ trợ".

Diệu Huyền

Nguồn CAĐN: http://cadn.com.vn/news/137_211632_cung-tre-em-nong-thon-hoc-tieng-anh.aspx