Cung ứng xăng dầu đã thực sự ổn?

Giá xăng dầu giảm về mức như hồi đầu năm, Bộ Công Thương cũng tạm hoãn tước giấy phép kinh doanh xuất nhập khẩu của 5 doanh nghiệp đầu mối lớn, nhưng sức nóng trên thị trường cung ứng mặt hàng chiến lược này dường như chưa có dấu hiệu'hạ nhiệt'. Đó là việc một số cửa hàng bán lẻ cho biết họ vẫn khan hàng, thua lỗ và thậm chí xác định rõ nguy cơ phải đóng cửa trong thời gian tới.

Còn nhớ tại cuộc họp về đảm bảo nguồn cung xăng dầu trên phạm vi cả nước diễn ra cuối tháng 8 vừa qua, Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên khẳng định, từ đầu năm đến nay, Việt Nam chưa bao giờ thiếu nguồn cung xăng dầu; và bằng mọi cách, Bộ Công Thương sẽ đảm bảo nguồn cung xăng dầu trong nước.

Vẫn đứt nguồn cung cục bộ

Theo đó, Bộ trưởng đề nghị các ngành tài chính, ngân hàng và các ngành hữu quan quan tâm xem xét những kiến nghị, đề xuất chính đáng của các doanh nghiệp (DN) xăng dầu, các tổ chức, cá nhân trong lĩnh vực kinh doanh xăng dầu và đề xuất của Bộ Công Thương trong thời gian vừa qua, như: Nghiên cứu xem xét mức phí đưa xăng dầu về Việt Nam để đảm bảo cho các DN nhập khẩu không chịu gánh phí quá cao. Đặc biệt, nâng mức chiết khấu trong kinh doanh xăng dầu trong cấu thành giá của mặt hàng này, tạo điều kiện cho các đơn vị kinh doanh xăng dầu, nhất là đơn vị bán lẻ và thương nhân phân phối không bị thiệt...

Vẫn còn tình trạng cây xăng thấp thỏm không có hàng để bán.

Vẫn còn tình trạng cây xăng thấp thỏm không có hàng để bán.

Tuy nhiên, đến nay đã hơn nửa tháng trôi qua, tình hình cung ứng xăng dầu vẫn chưa có dấu hiệu "giảm nhiệt", đặc biệt là khi nhiều cửa hàng bán lẻ cho biết họ rất khó khăn.

Ngày 14/9, chia sẻ với VnBusiness, ông Giang Chấn Tây, lãnh đạo Công ty TNHH MTV Bội Ngọc, chuyên kinh doanh xăng dầu tại Trà Vinh cho hay, sau 2 ngày cửa hàng xăng dầu Bội Ngọc 5 và Bội Ngọc 6 hết xăng do đứt nguồn, thì chiều ngày 13/9, nguồn cung cơ bản đã được đáp ứng.

Trước đó, dù DN đã đặt hàng trước cả tuần nhưng vẫn không có, và DN đã báo cáo vấn đề lên Sở Công Thương Trà Vinh cũng như lực lượng quản lý thị trường. Phải tới khi Bội Ngọc công bố thông tin hết xăng, thì đơn vị phân phối xăng dầu mới liên hệ cho biết sẽ cho xe chuyển xăng dầu đến cửa hàng của DN.

“Tuy nhiên, quan điểm của tôi là không nhận hàng, bởi vì không được kiểm định, giám sát được quy trình giao nhận, nếu chất lượng không đảm bảo thì ai chịu trách nhiệm?”, ông Tây kể. Đến chiều ngày 13/9, khi được phép đến tận kho để nhận hàng thì DN này mới đưa xe đi lấy hàng.

“Đã nói là kinh doanh trong cơ chế thị trường mà nhà cung cấp cứ thường xuyên thông báo hạn chế bán ra, sợ hết hàng (đứt nguồn). Có rất nhiều giai đoạn, chúng tôi càng bán ra càng lỗ mà vẫn phải bấm bụng bán nhưng không ai bù lỗ”, ông Tây bức xúc nói.

Còn về vấn đề chiết khấu, lãnh đạo Công ty Bội Ngọc phản ánh, hiện nay hoa hồng mà cửa hàng nhận được là 0 đồng, thậm chí âm. Tuy trên hóa đơn, DN phân phối không ghi là âm, nhưng lại có chiêu thức lập hợp đồng vận chuyển, hoặc tự để phí vận chuyển nhưng thực chất không phải vận chuyển. Ví dụ ghi phí vận chuyển mỗi lít xăng là 200 đồng, dù không có phí vận chuyển nào cả nhưng đơn vị bán lẻ vẫn buộc lòng phải chuyển số tiền này.

Tương tự, chia sẻ với báo chí, bà Võ Thị Phương Thảo, Phó Giám đốc HTX Gò Me, phụ trách mảng kinh doanh xăng dầu tại cửa hàng xăng dầu Gò Me (đường Võ Thị Sáu, TP.Biên Hòa, Đồng Nai), cũng cho hay từ đầu năm đến nay, tình hình kinh doanh gặp rất nhiều khó khăn, nhiều khi giá nhập hàng về cao hơn giá bán! Tuy vậy, cửa hàng vẫn cố gắng duy trì hoạt động, khắc phục khó khăn, thậm chí chấp nhận bù lỗ để đảm bảo hoạt động kinh doanh.

Làm sao để hài hòa lợi ích?

Vì sao nỗi lo đứt gãy cung ứng xăng dầu vẫn luôn thường trực? Theo ông Giang Chấn Tây, chuỗi cung ứng xăng dầu hiện tại có thể khái quát theo thứ tự như sau: Một là đầu mối xuất nhập khẩu (có quyền nhập, xuất, mua hàng tại các nhà máy lọc dầu, bán hàng cho các đại lý, tổng đại lý, thương nhân phân phối); Hai là thương nhân phân phối trung gian (có quyền mua hàng từ nhiều đầu mối, có quyền bán hàng cho nhiều đại lý, nhiều tổng đại lý); Ba là tổng đại lý (có quyền bán hàng cho các đại lý, chỉ được mua hàng từ 1 đầu mối, hoặc 1 thương nhân phân phối); Và cuối cùng là đại lý bán lẻ (chỉ có quyền mua hàng từ 1 tổng đại lý, 1 thương nhân phân phối hoặc 1 đầu mối).

Qua đó, ông Tây cho rằng, rõ ràng là thương nhân phân phối đang có nhiều lựa chọn và quyền trong chuỗi cung ứng xăng dầu, họ được quyền mua hàng từ tất cả các đầu mối.

“Giả dụ trước thời điểm điều chỉnh giá, thương nhân phân phối có thể đặt vấn đề mua hàng với khối lượng lớn từ đầu mối, rồi chi hoa hồng nhiều hơn. Đầu mối chắc chắn cũng phải bán vì đây là mua bán đúng luật. Tuy nhiên, sau đó thương nhân mua để tích trữ, không bán cho tổng đại lý hoặc bán nhỏ giọt thì chúng tôi – những người bán lẻ, lại phải chịu”, ông Tây phân tích.

"Rõ ràng quy định bán xăng dầu trong hệ thống mà không hệ thống chút nào. Tôi không hiểu “thương nhân phân phối” vào đây làm gì, đó cũng là một lý do khiến thị trường xăng dầu bất ổn", ông Tây nói.

Vì thế, lãnh đạo Công ty Bội Ngọc kiến nghị chỉ nên duy trì các khâu là đầu mối, tổng đại lý và đại lý. Trong đó, quy định tổng đại lý chỉ được nhập hàng từ 1 công ty đầu mối, chịu trách nhiệm về chất lượng, nguồn cung.

Liên quan tới nguồn cung xăng dầu, báo cáo của Cục Quản lý thị trường TP.HCM mới đây cũng cho thấy một số cửa hàng ở địa bàn này không có dầu DO để bán do liên quan đến DN cung cấp xăng dầu bị cơ quan chức năng tước giấy phép do không đủ điều kiện kinh doanh xăng dầu theo quy định. Đơn cử, cửa hàng số 4 (địa chỉ số 8A-8E Nguyễn Ảnh Thủ, phường Hiệp Thành, quận 12) hết dầu DO từ ngày 30/8. Nguyên nhân là do thương nhân cung cấp xăng dầu là Công ty Thương mại vận tải và du lịch Xuyên Việt Oil đã bị tạm đình chỉ giấy phép kinh doanh xuất nhập khẩu đến hết ngày 14/9 nên có ảnh hưởng tới nguồn cung.

Trước những bất cập trên, Bộ Công Thương cho biết sẽ nghiên cứu giải pháp đảm bảo hài hòa lợi ích giữa các chủ thể tham gia thị trường, giúp duy trì nguồn cung xăng dầu ổn định cho thị trường trong nước. Theo đó, Bộ sẽ tập trung chỉ đạo việc kiểm tra tình hình chấp hành pháp luật về kinh doanh xăng dầu của các cơ sở kinh doanh bao gồm cả thương nhân kinh doanh, đại lý, cửa hàng bán lẻ… Những nơi thông báo hết hàng, có dấu hiệu găm hàng, không thực hiện đúng nghĩa vụ và quy định sẽ bị kiểm tra và xử lý theo quy định.

Tuy nhiên, một số ý kiến cho rằng, có lẽ cùng với các giải pháp trên, cơ quan quản lý cần thẳng thắn nhận diện bất cập, tháo gỡ điểm nghẽn tận gốc để giúp thị trường xăng dầu lành mạnh hơn.

Ông Nguyễn Ngọc Bảo

Chủ tịch Hiệp hội Xăng dầu Việt Nam

Về mối quan hệ kinh tế giữa các DN xăng dầu với nhau, tôi vẫn giữ quan điểm: Giải pháp quan trọng nhất lúc này là các DN ký kết hợp đồng với nhau cho thật chuẩn chỉnh, điều này mới quyết định được sự ổn định. Ký hợp đồng sẽ có mức chiết khấu cố định, tránh tình trạng để thả nổi để rồi có lúc chiết khấu cao, có lúc chiết khấu thấp.

TS.Vũ Đình Ánh

Chuyên gia kinh tế

Liên quan tới câu chuyện chiết khấu giữa các DN xăng dầu với nhau, có lẽ Bộ Công Thương cũng nên làm rõ hơn ở nhiều góc độ khác nhau, đi sâu vào mối quan hệ của họ dựa trên các hợp đồng thương mại thì mới rõ ai vi phạm. Đồng thời, cần thiết kế lại thị trường xăng dầu làm sao đảm bảo tính cạnh tranh của các DN đầu mối và đảm bảo tính linh hoạt của hệ thống bán lẻ xăng dầu khi có biến động từ phía DN đầu mối. Không để tình trạng như hiện nay, tức là các thương nhân gắn bó với nhau quá chặt, một vài DN đầu mối dừng lại thì lập tức thị trường xăng dầu gặp khó.

PGS.TS Đinh Trọng Thịnh

Giảng viên Học viện Tài chính

Để ổn định thị trường xăng dầu, cơ quan điều hành phải kiểm tra lại toàn bộ nguồn cung sản xuất, nhập khẩu cung ứng cho nền kinh tế; nắm chắc số liệu từ các DN đầu mối, tránh báo cáo số liệu một đằng nhưng thực tế một nẻo, từ đó cân đối để đảm bảo cung ứng. Đồng thời, cầu xem xét lại cơ chế giá cũng như cách thức quản lý xăng để quản lý tốt hơn, đảm bảo phân chia lợi nhuận hợp lý giữa các khâu.

Lê Thúy

Nguồn Vnbusiness: https://vnbusiness.vn//viet-nam/cung-ung-xang-dau-da-thuc-su-on-1087908.html