Cùng xây dựng và bảo vệ một thế giới đoàn kết, hòa bình

Chủ tịch Quốc hội tin tưởng rằng, Liên minh Nghị viện Pháp ngữ cũng như những tổ chức liên nghị viện khác, sẽ là nơi các nghị sĩ tiếp tục thể hiện quan điểm, phản ánh nguyện vọng của Nhân dân, cùng xây dựng và bảo vệ một thế giới đoàn kết, hòa bình, thúc đẩy hợp tác đa phương.

Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn phát biểu khai mạc Hội nghị Ban Chấp hành Liên minh Nghị viện Pháp ngữ. (Ảnh: NL)

Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn phát biểu khai mạc Hội nghị Ban Chấp hành Liên minh Nghị viện Pháp ngữ. (Ảnh: NL)

Chiều 22/1, Hội nghị Ban Chấp hành Liên minh Nghị viện Pháp ngữ (APF) đã diễn ra tại TP Cần Thơ. Đây là sự kiện quan trọng do Quốc hội Việt Nam đăng cai tổ chức, khẳng định vai trò dẫn dắt của Việt Nam trong các hoạt động của Cộng đồng Pháp ngữ, Tổ chức Quốc tế Pháp ngữ và APF. Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn đã dự và có bài phát biểu quan trọng tại phiên khai mạc Hội nghị.

Chủ tịch Quốc hội cho biết, Liên minh Nghị viện Pháp ngữ, nơi tập hợp các nghị sĩ nói tiếng Pháp với mục tiêu “thúc đẩy các Chính phủ tiến lên phía trước” đã trải qua hơn 50 năm thành lập và phát triển. Từ mốc khởi đầu năm 1967 khi chỉ có đại diện 23 nghị viện tham dự tại kỳ họp đầu tiên của Liên Hiệp hội các nghị sĩ có sử dụng tiếng Pháp tại Luxembourg, đến nay đã có 91 nghị viện thành viên, cho thấy sự phát triển về quy mô và vị thế của APF trong Cộng đồng Pháp ngữ cũng như trên trường quốc tế.

Trong suốt quá trình này, Quốc hội Việt Nam đã luôn tham gia và có những đóng góp hết sức tích cực đối với hoạt động chung của Liên minh Nghị viện Pháp ngữ, trong đó có việc giữ một số vị trí quan trọng trong Ban Chấp hành, thường xuyên đăng cai tổ chức các hội nghị của APF.

Gần đây nhất là Hội nghị lần thứ 10 khu vực châu Á - Thái Bình Dương (năm 2022), Hội nghị Ủy ban Giáo dục, Truyền thông, Văn hóa và Mạng lưới nữ nghị sĩ (năm 2019), Hội nghị Ủy ban các vấn đề nghị viện (năm 2014 và năm 2017). Sau 20 năm kể từ lần tổ chức Hội nghị Ban chấp hành Liên minh Nghị viện Pháp ngữ tại Huế vào tháng 2/2005, một lần nữa Quốc hội Việt Nam đăng cai và được đón tiếp các Thành viên Ban Chấp hành Liên minh Nghị viện Pháp ngữ tại Cần Thơ.

“Việc tham gia tích cực đối với các hoạt động của Liên minh Nghị viện Pháp ngữ nói riêng và các hoạt động của Cộng đồng Pháp ngữ khẳng định việc thực hiện nhất quán đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ vì hòa bình, hữu nghị, hợp tác và phát triển, đa phương hóa, đa dạng hóa quan hệ đối ngoại; là bạn, là đối tác tin cậy và là thành viên tích cực, có trách nhiệm trong cộng đồng quốc tế”, Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh.

Các đại biểu dự phiên khai mạc Hội nghị Ban Chấp hành Liên minh Nghị viện Pháp ngữ. (Ảnh: NL)

Các đại biểu dự phiên khai mạc Hội nghị Ban Chấp hành Liên minh Nghị viện Pháp ngữ. (Ảnh: NL)

Việt Nam luôn chia sẻ và ủng hộ các giá trị và mục tiêu cao cả của Cộng đồng Pháp ngữ, đó là: hòa bình, dân chủ và đa dạng văn hóa - ngôn ngữ, đoàn kết, hợp tác và phát triển. Đây cũng là những mục tiêu mà Nhà nước và Nhân dân Việt Nam đang nỗ lực thực hiện trong công cuộc đổi mới toàn diện hiện nay và đã đạt được những thành tựu quan trọng trên nhiều lĩnh vực.

Chủ tịch Quốc hội cũng cho biết, Quốc hội Việt Nam, với chức năng lập pháp, giám sát và quyết định những vấn đề quan trọng của đất nước, là người đại diện cao nhất của Nhân dân. Các hoạt động của Quốc hội đang được tích cực đổi mới theo hướng hiệu quả, thiết thực hơn trên tinh thần dân chủ và pháp quyền. Đến nay, Quốc hội Việt Nam đã xây dựng được một hệ thống pháp luật đủ về số lượng, ngày càng nâng cao về chất lượng trên tất cả các lĩnh vực quan trọng của đời sống xã hội.

Trên kênh ngoại giao liên nghị viện, Quốc hội Việt Nam là thành viên tích cực và có trách nhiệm của trong các khuôn khổ hợp tác liên nghị viện khu vực và thế giới như: Liên minh Nghị viện Thế giới, Liên minh Nghị viện Pháp ngữ, Diễn đàn Nghị viện châu Á - Thái Bình Dương, Hội đồng Liên nghị viện các nước Đông Nam Á và nhiều tổ chức liên nghị viện khác.

Việt Nam đánh giá cao vai trò của Liên minh Nghị viện Pháp ngữ - cơ quan tham vấn của Tổ chức Quốc tế Pháp ngữ - thông qua việc khởi xướng và triển khai các chương trình hợp tác liên nghị viện, thúc đẩy xây dựng nhà nước pháp quyền và quyền con người, lan tỏa việc sử dụng tiếng Pháp và tăng cường mối quan hệ hữu nghị, đoàn kết giữa các thể chế nghị viện. Với những đóng góp vào sự phát triển ngày càng mạnh mẽ các hoạt động ngoại giao nghị viện, nâng cao vị thế và tiếng nói của các nghị sĩ trong các vấn đề khu vực và quốc tế.

Trong bối cảnh tình hình thế giới diễn biến phức tạp và khó lường, nhất là căng thẳng, xung đột địa chính trị, các thách thức toàn cầu chưa tìm được tiếng nói chung để giải quyết có hiệu quả…, việc Ban Chấp hành Liên minh Nghị viện Pháp ngữ thảo luận chính trị về “Vai trò của Cộng đồng Pháp ngữ trước những biến động của trật tự thế giới” là nội dung rất thời sự và quan trọng.

Cùng với việc xem xét tình hình chính trị phức tạp tại một số quốc gia thành viên, thông qua Kế hoạch hành động triển khai Khung chiến lược giai đoạn 2023 - 2030 và những nội dung nghị sự quan trọng khác, Chủ tịch Quốc hội tin tưởng rằng, Liên minh Nghị viện Pháp ngữ và Cộng đồng Pháp ngữ sẽ ngày càng khẳng định vai trò quan trọng, cùng các thể chế đa phương khác, với nền tảng là luật pháp quốc tế và Hiến chương Liên hợp quốc, tạo khuôn khổ để thúc đẩy hợp tác, phối hợp hành động trong ứng phó với các thách thức chung trên toàn cầu.

Trong bối cảnh này, Tuyên bố Cần Thơ về Hợp tác Pháp ngữ về nông nghiệp bền vững, an ninh lương thực và ứng phó với biến đổi khí hậu được các đại biểu dự Diễn đàn trong hai ngày 21-22/1 thống nhất thông qua là một đóng góp quan trọng của hợp tác Pháp ngữ. Chủ tịch Quốc hội trân trọng đề nghị Ban Chấp hành APF cân nhắc đệ trình của Phân ban Việt Nam, thông qua Tuyên bố Cần Thơ của Ban Chấp hành APF về chủ đề này; báo cáo lên Đại Hội đồng APF trong kỳ họp tới đây; và thúc đẩy mạnh mẽ hơn nữa các hoạt động hợp tác cụ thể về chủ đề này trong Cộng đồng Pháp ngữ.

Chủ tịch Quốc hội tin tưởng rằng, liên minh nghị viện Pháp ngữ cũng như những tổ chức liên nghị viện khác, sẽ là nơi các nghị sĩ tiếp tục thể hiện quan điểm, phản ánh nguyện vọng của Nhân dân, cùng xây dựng và bảo vệ một thế giới đoàn kết, hòa bình, thúc đẩy hợp tác đa phương, giải quyết hòa bình các tranh chấp trên cơ sở tôn trọng luật pháp quốc tế.

T.Chung

Nguồn Pháp Luật VN: https://baophapluat.vn/cung-xay-dung-va-bao-ve-mot-the-gioi-doan-ket-hoa-binh-post538361.html