Cuộc bỏ phiếu có khả năng làm rung chuyển EU và NATO

Là quốc gia sở hữu vũ khí hạt nhân nhiều thứ 4 thế giới và là thành viên thường trực của Hội đồng Bảo an (UNSC), Pháp đóng vai trò quan trọng trong an ninh toàn cầu.

Pháp đang hướng tới một cuộc bầu cử quốc hội sớm với những tác động tiềm tàng to lớn đối với vai trò lãnh đạo của nước này trong Liên minh châu Âu (EU) và Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO).

Những tác động kéo theo về tài chính và chiến lược toàn cầu sẽ phụ thuộc vào kết quả của cuộc bỏ phiếu ngày 30/6 và ngày 7/7 – một quy trình phức tạp gồm 2 vòng.

Là quốc gia sở hữu vũ khí hạt nhân nhiều thứ 4 thế giới và một thành viên thường trực có quyền phủ quyết của Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc (UNSC), Pháp đóng vai trò quan trọng trong an ninh toàn cầu.

Theo Politico, phe cực hữu đang có cơ hội rất tốt để thành lập chính phủ ở một “người chơi toàn cầu” quan trọng như vậy. Và nếu phe cực hữu – hoài nghi về sự tham gia của Pháp ở cả EU và NATO – thực sự giành chiến thắng và rút Pháp khỏi 2 khối này, cả hai đều sẽ suy yếu đáng kể.

Thủ tướng Pháp Gabriel Attal (trái) và Tổng thống Pháp Emmanuel Macron. Ảnh: Straits Times

Thủ tướng Pháp Gabriel Attal (trái) và Tổng thống Pháp Emmanuel Macron. Ảnh: Straits Times

Về mặt tài chính, các nhà giao dịch trên khắp các thị trường tài chính toàn cầu lo ngại những căng thẳng chính trị này sẽ ảnh hưởng đến nền kinh tế lớn thứ 7 thế giới và có nguy cơ gây ra một đợt bất ổn khác ngay giữa lòng Khu vực đồng tiền chung châu Âu (Eurozone).

Nhìn chung, đây là cuộc bầu cử có hậu quả lớn nhất ở châu Âu trong nhiều thập kỷ, Politico nhận định.

Bầu cử sớm

Hôm 9/6, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron đã bất ngờ kêu gọi tổ chức bầu cử sớm sau khi phe trung dung của ông thất bại trước Đảng Tập hợp Quốc gia (NR) của chính trị gia cực hữu Marine Le Pen trong cuộc bầu cử Nghị viện châu Âu (EP).

Mục tiêu của ông Macron khi thực hiện động thái này là ngăn chặn đà tiến của cánh hữu, nhưng đó là một “canh bạc” lớn có thể phản tác dụng.

Đây là một cuộc bầu cử quốc hội, có nghĩa là ông Macron sẽ vẫn là Tổng thống cho đến khi hết nhiệm kỳ vào năm 2027. Kết quả của cuộc bầu cử vẫn chưa rõ ràng, nhưng không thể loại trừ khả năng Đảng RN giành được quyền điều hành chính phủ và lãnh đạo của đảng này, chính trị gia 28 tuổi Jordan Bardella, lên làm Thủ tướng.

Chủ tịch Đảng NR Jordan Bardella (trái) và chính trị gia cực hữu Marine Le Pen. Ảnh: Paris Match

Chủ tịch Đảng NR Jordan Bardella (trái) và chính trị gia cực hữu Marine Le Pen. Ảnh: Paris Match

Kể từ thông báo gây chấn động của ông Macron, bối cảnh chính trị ở Pháp đã thay đổi với tốc độ chóng mặt, với các liên minh mới nổi lên chỉ sau một đêm và những cuộc “chia tay” khó chịu. Quy trình bầu cử 2 vòng ở Pháp cũng phức tạp, với 577 khu vực bầu cử, nơi động lực địa phương đóng một vai trò lớn.

Đầu tiên, cử tri Pháp sẽ đi bỏ phiếu vòng 1 vào ngày 30/6. Tại mỗi khu vực bầu cử, nếu không có ứng cử viên nào giành được 50% số phiếu bầu trong vòng này, thì 2 ứng cử viên dẫn đầu và các ứng cử viên giành được ít nhất 12,5% số phiếu bầu sẽ tiến vào vòng hai, dự kiến diễn ra vào ngày 7/7. Và ứng cử viên có nhiều phiếu bầu nhất ở vòng hai sẽ giành được ghế trong quốc hội khóa mới.

Để vượt qua vòng đầu tiên, các đảng có chung sắc thái chính trị – chẳng hạn như 4 đảng cánh tả chính của đất nước – có xu hướng liên kết với nhau và đồng ý không để tình trạng “quân ta đánh quân mình” xảy ra giữa các ứng cử viên.

Nghe có vẻ dễ dàng, nhưng vấn đề là tỉ lệ cử tri đi bỏ phiếu sẽ thực sự quan trọng. Vào năm 2022, khi tỉ lệ cử tri đi bỏ phiếu gần 50%, các đảng phải giành được khoảng 1/4 số phiếu bầu để đạt được con số yêu cầu là 12,5% số cử tri đã đăng ký.

Năm nay số cử tri đăng ký đi bỏ phiếu là 49 triệu. Tỉ lệ cử tri đi bỏ phiếu dự kiến sẽ cao hơn trong cuộc tổng tuyển cử sít sao này, giúp các ứng cử viên tiến tới vòng bỏ phiếu thứ hai dễ dàng hơn. Điều đó có nghĩa là có khả năng nhiều cuộc đua “tam mã” hơn thường lệ sẽ diễn ra trong vòng bỏ phiếu thứ hai vào ngày 7/7.

Những ẩn số

Những thay đổi diễn ra trong nội bộ các đảng phái chính trị trước cuộc tổng tuyển cử sớm, cùng mối đe dọa từ phe cực hữu, khiến việc đưa ra dự đoán kết quả bầu cử trở nên khó khăn hơn bất kỳ thời điểm nào khác kể từ khi Pháp bắt đầu nền Cộng hòa thứ 5 vào năm 1958, trang Le Monde cho biết.

Một lưu ý lớn về các cuộc thăm dò dư luận trước thềm vòng bỏ phiếu đầu tiên: Đây là cuộc bỏ phiếu 2 vòng, vì vậy tỉ lệ phần trăm tổng số phiếu bầu không chuyển trực tiếp thành số ghế.

Hiện tại, Đảng NR và một số đồng minh của đảng này từ phe trung hữu có khoảng 37% số phiếu ủng hộ, trong khi liên minh Mặt trận Bình dân Mới (NFP) của cánh tả có khoảng 28%, và phe trung dung của ông Macron có khoảng 18%.

Hơn 25.000 người biểu tình ở Toulouse, ngày 15/6/2024 để phản đối Đảng NR cực hữu trước thềm cuộc tổng tuyển cử sớm ở Pháp. Ảnh: Getty Images

Hơn 25.000 người biểu tình ở Toulouse, ngày 15/6/2024 để phản đối Đảng NR cực hữu trước thềm cuộc tổng tuyển cử sớm ở Pháp. Ảnh: Getty Images

Với tốc độ nhanh chóng bất ngờ, các đảng cánh tả ở Pháp đã gác lại những tranh cãi và đoàn kết trước cuộc bỏ phiếu. Liên minh, được gọi là Mặt trận Bình dân Mới (NFP), là phiên bản khởi động lại của liên minh cánh tả Nupes 2022, do ông Mélenchon chủ trì.

NFP chắc chắn đang gây ấn tượng mạnh với cử tri; dự đoán hiện tại cho thấy liên minh này sẽ giành được 190-235 ghế. Con số này vẫn còn một khoảng cách khá xa so với 289 ghế cần thiết để đạt được đa số và cánh tả sẽ cần phải thành lập một liên minh nếu muốn đề cử một Thủ tướng có thể giành được sự chấp thuận của quốc hội.

Trong khi đó, Đảng NR cực hữu của bà Le Pen cần ít nhất 289 ghế để chiếm đa số trong quốc hội Pháp, và hiện tại, phe cực hữu có vẻ sẽ đạt được lợi ích lớn nhờ chiến dịch thành công trong cuộc bầu cử ở cấp EU. Nhưng theo các dự đoán hiện tại, NR có thể giành được từ 195-245 ghế – mức tăng kỷ lục so với 89 ghế mà họ hiện có.

Nếu phe cực hữu chiếm đa số trong quốc hội, Tổng thống Pháp sẽ phải tìm cách“chung sống” với NR và bổ nhiệm một Thủ tướng cực hữu. Ông Bardella, Chủ tịch Đảng NR, đã tuyên bố rằng ông sẽ không tìm cách lãnh đạo chính phủ trừ khi đảng của ông chiếm được đa số tuyệt đối.

Một câu hỏi khác là chính trị gia cực hữu Le Pen sẽ đầu tư bao nhiêu nỗ lực vào các cuộc đàm phán liên minh, vì bà mong muốn giữ nguyên “vốn liếng chính trị” của mình để dành cho cuộc bầu cử Tổng thống Pháp năm 2027.

Nếu đảng cực hữu lãnh đạo một chính phủ và gặp khó khăn trong nhiệm kỳ này, điều đó có thể làm giảm cơ hội giành được “giải thưởng lớn nhất” mà bà Le Pen nhắm tới: vị trí Tổng thống Pháp.

Minh Đức (Theo Politico EU, Le Monde)

Nguồn Người Đưa Tin: https://nguoiduatin.vn/cuoc-bo-phieu-co-kha-nang-lam-rung-chuyen-eu-va-nato-a669215.html