Cuộc cách mạng tinh gọn bộ máy: Quyết liệt làm từ trên xuống
Điểm hội tụ chiến lược sau 40 năm đổi mới đất nước đang đem đến cơ hội lịch sử, đưa đất nước bước vào kỷ nguyên phát triển, kỷ nguyên vươn mình đồng thời cũng đặt ra yêu cầu cấp bách thực hiện quyết liệt cuộc cách mạng nhằm xây dựng hệ thống chính trị thật sự tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả. Theo Tổng Bí thư Tô Lâm, đây sẽ là một cuộc cách mạng tinh gọn bộ máy. Lần này, Trung ương sẽ gương mẫu, làm trước, thay vì sắp xếp bộ máy bên dưới như trước đây. Thông điệp này được Tổng Bí thư nhấn mạnh trong bài viết 'Tinh - Gọn - Mạnh - Hiệu năng - Hiệu lực - Hiệu quả'.
Sau 7 năm thực hiện Nghị quyết 18 của Trung ương về một số vấn đề về tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị: tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả, việc tinh gọn tổ chức bộ máy đã đạt được kết quả tích cực.
Lần đầu tiên trong lịch sử, bộ máy đã cắt giảm được nhiều tổ chức bên trong các bộ, ngành, từ cấp Tổng cục cho đến cấp Cục, Vụ. Riêng các Bộ đã giảm được 25 Tổng cục.
Tính đến hết năm 2023 cả nước đã giảm được trên 7.800 đơn vị sự nghiệp công lập.
Cùng với việc sắp xếp, tinh gọn bộ máy, biên chế công chức và biên chế sự nghiệp cũng giảm đáng kể. Giai đoạn từ 2015 – 2023 cả nước đã tinh giản được trên 89.700 biên chế.
Theo Bộ Tài Chính dự kiến giảm chi thường xuyên giai đoạn 2022 – 2026 do giảm biên chế hương lương từ ngân sách nhà nước là trên 2.300 tỷ đồng.
Trước yêu cầu dành nguồn lực cho đầu tư, phát triển để đưa đất nước bước vào kỷ nguyên vươn mình, việc tinh gọn bộ máy là công việc cấp thiết. Trong bài viết “Tinh - Gọn - Mạnh - Hiệu năng - Hiệu lực - Hiệu quả” Tổng Bí thư Tô Lâm đã nêu ra những yêu cầu, giải pháp cấp bách thực hiện cách mạng về tinh gọn tổ chức bộ máy hệ thống chính trị cần triển khai trong thời gian tới.
Để thực hiện nhiệm vụ này, Tổng Bí thư đã nêu rõ 3 nhiệm vụ trọng tâm để thực hiện công việc này trong gian tới. Trong đó, xác định tập trung hoàn thiện thể chế theo tinh thần “vừa chạy vừa xếp hàng” để nhanh chóng đưa chủ trương của Đảng đi vào thực tiễn cuộc sống; Gắn tinh gọn tổ chức bộ máy với cơ cấu lại đội ngũ cán bộ đủ phẩm chất, năng lực ngang tầm nhiệm vụ, biên chế hợp lý, chuẩn hóa chức danh.
Đại hội XIV của Đảng dự kiến sẽ diễn ra vào đầu năm 2026, đánh dấu thời điểm dân tộc Việt Nam bước vào kỷ nguyên vươn mình. Để hiện thực hóa được khát vọng này, sẽ cần khơi thông, phát huy và huy động mọi nguồn lực, trong đó nhân tố đóng vai trò then chốt là bộ máy của hệ thống chính trị thật sự tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả.
Mời quý vị theo dõi nội dung chi tiết!