Cuộc cách mạng toàn diện của trí tuệ nhân tạo

Năm 2024 đánh dấu bước ngoặt lịch sử của trí tuệ nhân tạo (AI), khi công nghệ này không còn là tiềm năng tương lai mà trở thành động lực chủ đạo thay đổi nền tảng xã hội và kinh tế toàn cầu.

AI len lỏi vào mọi lĩnh vực, từ kinh doanh, giáo dục, y tế đến nông nghiệp, buộc con người phải nhanh chóng thích nghi với một thế giới do công nghệ dẫn dắt. Đây không chỉ là sự tiến hóa mà còn là một cuộc cách mạng toàn diện, mở ra chương mới đầy triển vọng – và cả thách thức – cho nhân loại.

Trong lĩnh vực tìm kiếm thông tin, các nền tảng AI thế hệ mới như Perplexity AI và ChatGPT Search đã thách thức sự thống trị lâu năm của Google. Với khả năng cung cấp câu trả lời hội thoại giàu ngữ cảnh và sâu sắc hơn, những công cụ này cho thấy tiềm năng to lớn của AI trong việc tái định hình ngành công nghiệp tìm kiếm thông tin, vốn đã gắn bó với cách tiếp cận dựa trên từ khóa truyền thống. Đây được xem là bước ngoặt đánh dấu sự đổi mới cần thiết trong kỷ nguyên số.

Liên minh châu Âu (EU) đã thiết lập Đạo luật AI– một khung pháp lý toàn diện nhằm đảm bảo tính minh bạch, đạo đức và bảo mật dữ liệu trong phát triển và ứng dụng AI. Đạo luật này phân loại các hệ thống AI theo mức độ rủi ro và đưa ra quy định chặt chẽ cho những ứng dụng có nguy cơ cao, tạo tiền lệ quan trọng cho tiêu chuẩn toàn cầu.

Trong khi đó, Singapore và Anh áp dụng cách tiếp cận linh hoạt hơn, điều chỉnh quy định theo từng ngành và rủi ro cụ thể. Ngược lại, Trung Quốc nhấn mạnh sự kiểm soát của nhà nước và trật tự xã hội trong chính sách AI, thể hiện sự khác biệt rõ rệt trong cách tiếp cận giữa các quốc gia.

Trong lĩnh vực phần cứng, Nvidia tiếp tục khẳng định vị thế với chip Blackwell AI, mang lại hiệu suất vượt trội và khả năng tính toán nhanh hơn với chi phí thấp hơn. Đây không chỉ là động lực thúc đẩy nghiên cứu AI mà còn trở thành nền tảng cho các mô hình AI quy mô lớn, giúp Nvidia duy trì vai trò dẫn đầu trong cuộc cách mạng công nghệ toàn cầu.

Google cũng tiếp tục củng cố vị thế trong thị trường AI bằng các mô hình như Gemini Advanced, Gemini 1.5 Pro và Gemini 2.0. Những mô hình này được thiết kế để xử lý lượng lớn thông tin phức tạp, giúp Google duy trì sức cạnh tranh trong cuộc đua công nghệ.

Năm 2024, OpenAI ra mắt các mô hình tiên tiến như Sora Turbo - một AI đa phương tiện, và O1 Reasoning Models dành cho các tác vụ phức tạp. Tuy nhiên, quyết định chuyển sang cấu trúc vì lợi nhuận của công ty đã dấy lên tranh cãi về việc liệu OpenAI có đang đặt lợi ích kinh tế lên trên lợi ích xã hội hay không.

Bên cạnh đó, OpenAI và các công ty AI khác cũng đối mặt với hàng loạt vụ kiện từ các nghệ sĩ và nhà sáng tạo nội dung vì sử dụng dữ liệu không được phép trong quá trình đào tạo mô hình. Những tranh cãi này nhấn mạnh sự cần thiết của khung pháp lý để bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ trong thời đại AI bùng nổ.

Cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ năm 2024 cũng phơi bày “mặt tối” của AI khi deepfake và thông tin giả mạo lan tràn, làm xói mòn niềm tin vào truyền thông và quy trình bầu cử. Dù lo ngại AI sẽ làm gián đoạn bầu cử, thực tế cho thấy công nghệ này chỉ đóng vai trò nhỏ trong chiến dịch thông tin sai lệch, chủ yếu được sử dụng cho các nhiệm vụ cơ bản như soạn thư điện tử (email) và tóm tắt tin tức.

Năm 2024 là một năm đầy biến động với những đột phá ngoạn mục và cả thách thức lớn về đạo đức và pháp lý. AI không chỉ thay đổi nền kinh tế và xã hội mà còn đặt ra những câu hỏi mới về vai trò và giới hạn của công nghệ. Những bài học từ năm 2024 sẽ là nền tảng quan trọng để định hướng sự phát triển AI theo cách trách nhiệm, công bằng và bền vững, mang lại lợi ích thực sự cho toàn nhân loại trong tương lai.

Thanh Phương (TTXVN)

Nguồn Tin Tức TTXVN: https://baotintuc.vn/khoa-hoc-cong-nghe/cuoc-cach-mang-toan-dien-cua-tri-tue-nhan-tao-20241226125023102.htm