Hans là hòn đảo chỉ rộng 1,3 km vuông nằm giữa eo biển Nares, tuyến đường biển rộng hơn 35 km chia cắt đảo Ellesmere, vùng lãnh thổ xa nhất về phía bắc của Canada và quần đảo Greenland, vùng lãnh thổ tự trị của Đan Mạch.
Đảo Hans không có nguồn tài nguyên thiên nhiên hoặc lợi thế lãnh thổ nào. Về cơ bản, nó là một khối đá khổng lồ không người ở tuy nhiên tại dây cũng dấy lên một cuộc tranh chấp dai dẳng.
Do đảo Hans đều nằm trong phạm vi lãnh hải 12 hải lý của cả Canada và Đan Mạch vì thế nước nào cũng khẳng định chủ quyền của mình.
Năm 1973, Đan Mạch và Canada đã thực hiện phân định biên giới biển, trong đó xác định 127 điểm dọc theo eo biển Nares. Tuy nhiên, đảo Hans lại nằm giữa hai điểm 122 và 123, và cho đến nay cả hai quốc gia đều tuyên bố chủ quyền với hòn đảo này.
Trước đó vào năm 1880, đảo Hans không nằm trong danh sách lãnh thổ vùng Bắc Cực được Anh trao trả cho Canada. Do sử dụng bản đồ lỗi thời từ thế kỷ thứ 16, hòn đảo này không được thể hiện rõ trong quá trình chuyển giao, thậm chí không được công nhận nhiều thập kỷ sau đó.
Năm 1933, Tòa Thường trực Công lý Quốc tế (PCIJ) ra phán quyết công nhận Greenland là chủ sở hữu hợp pháp của đảo Hans. PCIJ vốn là tòa án của Hội Quốc Liên ra đời vào năm 1922 để xét xử tranh chấp giữa các quốc gia.
Tuy nhiên, khi Liên Hợp Quốc ra đời, PCIJ bị giải thể và được thay thế bằng Tòa án Công lý Quốc tế vào năm 1946, nên phán quyết với chủ quyền đảo Hans cũng mất hiệu lực. Đảo Hans một lần nữa trở thành đối tượng tranh chấp giữa Canada và Đan Mạch.
Tranh chấp tạm lắng xuống trong thời gian đầu Chiến tranh Lạnh. Trong thập niên 1970, hai bên tiến hành đàm phán về ranh giới trên biển, nhưng vấn đề đảo Hans vẫn chưa được giải quyết. Tuy nhiên đây cũng là cuộc chiến tranh khá kỳ lạ, thay vì binh sĩ hai nước sử dụng súng đạn, họ lại dùng rượu để khẳng định chủ quyền.
Năm 1984, một nhóm binh sĩ Canada đổ bộ đảo và để lại dấu hiệu dễ nhận biết nhằm đánh dấu chủ quyền. Họ dựng một lá cờ Canada cùng tấm biển ghi "Chào mừng đến Canada" và một chai rượu whisky của hãng Canadian Club.
Không muốn mất trắng hòn đảo này, quan chức Greenland sau đó cũng lên đảo và dỡ bỏ những gì phía Canada để lại. Trước khi rời đi, phía Đan Mạch dựng lá cờ của mình để thay thế, để lại một chai rượu Đan Mạch của hãng Schnapps và tấm biển ghi "Chào mừng đến Đan Mạch".
Hai bên bắt đầu thời kỳ tranh chấp "hiếu khách" nhất trong lịch sử nhân loại với tên gọi "Chiến tranh Whisky". Binh sĩ Canada và Đan Mạch liên tục tổ chức các chuyến thăm đảo để thu dọn và thay thế đồ vật đánh dấu lãnh thổ của bên kia. Số phận các chai rượu được đưa khỏi đảo chưa bao giờ được tiết lộ, nhưng người ta tin rằng hai bên đều thưởng thức rượu của nhau.
Tuy nhiên tranh chấp đảo Hans không phải là trò đùa đối với các nhà lãnh đạo Đan Mạch hay Canada. Chẳng hạn, khi Bộ trưởng Quốc phòng Canada bất ngờ đến thăm hòn đảo vào năm 2005, chuyến đi đã gây phản ứng tức giận từ Đan Mạch.
“Chúng tôi coi đảo Hans là một phần lãnh thổ Đan Mạch, và sẽ gửi công hàm phản đối chuyến thăm không báo trước của bộ trưởng Canada”, ông Taksøe-Jensen phát biểu với Reuters vào thời điểm đó. Hình ảnh khẳng định chủ quyền trên hòn đảo của Canada.
Được biết Binh sĩ Canada và Đan Mạch thay nhau đổ bộ lên đảo Hans, mang theo chai rượu đặc sản nước mình để khẳng định chủ quyền trong suốt 30 năm.
Trong những năm gần đây, cả Canada lẫn Đan Mạch đều kêu gọi tuyên bố chủ quyền chung với hòn đảo này, nhưng vẫn chưa rõ hai bên có đạt được bất kỳ giải pháp chính thức nào cho Cuộc chiến Whisky hay không
Việt Hùng