Cuộc chiến đòi quyền chết của người đầu tiên được trợ tử ở Italy
Hành trình đấu tranh đòi quyền được chết của ông Federico Carboni, người đầu tiên được trợ tử ở Italy, không hề dễ dàng, khi phải đối mặt với cuộc chiến pháp lý đầy cam go.
Trong hơn một năm, truyền thông đã liên tục cập nhật cho người dân Italy về hành trình tìm cách kết thúc cuộc đời bằng việc trợ tử của một người đàn ông 44 tuổi, vốn chỉ được biết đến với cái tên "Mario".
Bị liệt 12 năm trước trong một tai nạn giao thông, ông “Mario” phải đối mặt với hàng loạt rào cản pháp lý, hành chính và tài chính trên hành trình đấu tranh đòi quyền được chết, theo New York Times.
Di ngôn đầy cảm xúc
Hôm 16/6, “Mario”, với tên thật là Federico Carboni, đã kết thúc cuộc đời của mình tại ngôi nhà ở thị trấn cảng Senigallia, miền Trung Italy. Ông trở thành người đầu tiên được trợ tử hợp pháp tại quốc gia Nam Âu này.
Gia đình và bạn bè đã kề cạnh vào thời điểm ông sắp ra đi. Cái chết của ông Carboni đã được thông báo bởi Hiệp hội Luca Coscioni, tổ chức vận động vì quyền được chết tại Italy.
Tại một cuộc họp báo chiều 16/6, Filomena Gallo, Thư ký quốc gia của hiệp hội, đã đọc bức thư mà ông Carboni viết vào tháng trước.
“Tôi không phủ nhận rằng tôi cảm thấy tiếc vì rời xa cuộc sống”, ông viết trong lá thư được gửi khi chuẩn bị cho cái chết của mình. “Cuộc sống thật tuyệt vời và chúng ta chỉ có một. Dù vậy, điều không may mắn là đây là cách mọi thứ diễn ra”.
Ông Carboni đã chiến đấu ngay cả khi sức khỏe của ông ấy xấu đi, bà Gallo nói. “Federico muốn thực hiện quyền tự do lựa chọn của mình ở Italy”, bà cho hay.
Trường hợp của ông Carboni nhấn mạnh một loạt mâu thuẫn và ràng buộc của luật pháp Italy, một vấn đề mà các nhà hoạt động vì quyền được chết đã đấu tranh trong nhiều thập kỷ. Italy là nơi đặt trụ sở Giáo hội Công giáo Roma, vốn có tầm ảnh hưởng đáng kể đối với vấn đề liên quan đến đạo đức sinh học.
Một phán quyết của tòa án Italy đã tuyên bố việc trợ tử là được phép ở nước này trong một số trường hợp nhất định, nhưng không có luật nào quy định hành vi này.
Nếu có thể, những người Italy mắc bệnh nan y có thể đến Thụy Sĩ để kết thúc cuộc đời, nhưng đó là một hành trình tốn kém. Trong hầu hết trường hợp, đó là một hành trình đầy thử thách về thể chất.
Marco Cappato, Thủ quỹ của Hiệp hội Coscioni, cho biết ông Carboni từng dự định đến Thụy Sĩ để kết thúc cuộc đời. Tuy nhiên, sau đó, ông đã quyết định ở lại Italy.
Ông Cappato cho biết “hai năm của sự kiên trì và quyết tâm” đã giúp ông Carboni tự hào là “người đầu tiên tại Italy nhận được sự trợ giúp y tế cho cái chết tự nguyện".
Cuộc chiến pháp lý khó khăn
Vào năm 2019, Tòa án Tối cao của Italy đã mở đường cho việc trợ tử trong một số trường hợp. Tuy nhiên, vấn đề này đã vấp phải sự phản đối gay gắt từ Giáo hội Công giáo Roma và các đảng bảo thủ.
Năm 2017, Quốc hội Italy đã thông qua một đạo luật cho người trưởng thành quyền quyết định từ chối các biện pháp duy trì sự sống như cung cấp chất dinh dưỡng, nước và sử dụng hệ thống hô hấp nhân tạo.
Trong một phán quyết mang tính bước ngoặt vào năm 2019, Tòa án Hiến pháp của Italy cho rằng hành vi trợ tử không thể bị coi là tội phạm nếu thỏa mãn các điều kiện nhất định.
Tòa án đã được yêu cầu ra phán quyết về bản cáo trạng của ông Cappato, người đã giúp một người đàn ông mù và liệt tứ chi đến phòng khám cung cấp dịch vụ trợ tử ở Thụy Sĩ vào năm 2017. Ông Cappato đã bị buộc tội tại một tòa án ở Milan cho việc tiếp tay hành vi tự sát, có mức án lên đến 12 năm.
Tòa án Hiến pháp đã phán quyết rằng trong một số trường hợp, trợ giúp ai đó tự tử không thể bị coi là tội phạm nếu người yêu cầu trợ giúp đáp ứng bốn điều kiện: Họ phải có năng lực trí tuệ đầy đủ và mắc một bệnh nan y gây đau khổ nghiêm trọng về thể chất hoặc tâm lý.
Họ cũng phải được điều trị bằng các phương pháp điều trị duy trì sự sống. Fabiano Antoniani, người mà ông Cappato hỗ trợ, đã đáp ứng các điều kiện để giúp ông không bị buộc tội.
Tuy nhiên, ông Carboni vẫn phải vật lộn để được tiếp cận với bác sĩ hỗ trợ tự tử. Ông Carboni đã được ủy ban đạo đức cho phép vào tháng 11/2021, sau khi bị các cơ quan y tế từ chối và đưa vụ việc của mình ra tòa. Ông là người đầu tiên tại Italy được chấp thuận về mặt pháp lý.
Sau đó, ông phải dành ra 5.200 USD để trang trải thuốc men và các thiết bị đặc biệt cần thiết để kết thúc cuộc đời của mình. Hiệp hội Luca Coscioni đã nỗ lực huy động sự hỗ trợ của cộng đồng để quyên góp tiền cho ông.
"Chúng tôi sẽ tiếp tục đấu tranh để những hành vi cản trở hoặc vi phạm ý chí của người bệnh không được lặp lại", hiệp hội này cho biết trong một tuyên bố.
Trợ tử đã được cho phép ở Thụy Sĩ trong nhiều thập kỷ. Hoạt động này cũng hợp pháp ở một số quốc gia khác, bao gồm Hà Lan, Luxembourg, Tây Ban Nha và Bỉ.
Đầu tuần này, Fabio Ridolfi, một người đàn ông 46 tuổi, vốn bị liệt 18 năm, đã ra đi trong quá trình chăm sóc giảm nhẹ sau khi yêu cầu trợ tử kéo dài.
Giáo hội Công giáo Roma kiên quyết phản đối việc trợ tử và phương pháp chết êm ái. Họ cho rằng các hành vi này “về bản chất là xấu xa” trong mọi tình huống hoặc hoàn cảnh.
Ngay cả Ủy ban Đạo đức Sinh học Quốc gia cũng không thể đưa ra ý kiến đồng thuận khi xem xét vấn đề này vài năm trước.
Trong lá thư trước cái chết, ông Carboni nhắn nhủ gia đình và bạn bè đừng buồn.
“Tôi nhận thức được tình trạng thể chất của mình và triển vọng trong tương lai nên hoàn toàn thanh thản và bình tĩnh về những gì mình sẽ làm. Bây giờ cuối cùng tôi cũng được tự do bay đến bất cứ nơi nào tôi muốn”, ông cho biết.