Cuộc chiến kim loại hiếm trong sân chơi Trung Quốc đang chiếm lợi thế

Trung Quốc đã trỗi dậy trở thành một cường quốc kim loại hiếm, khiến các quốc gia phương Tây phải xem lại chiến lược tài nguyên của mình, theo nhà báo người Pháp Guillaume Pitron.

Trong bối cảnh kim loại hiếm trở thành một tài nguyên chiến lược của công cuộc chuyển đổi và giữ vững tự chủ, an ninh năng lượng, những cuộc cạnh tranh địa chính trị liên quan ngày càng trở nên căng thẳng. Các cường quốc như Mỹ và châu Âu đang tìm cách khôi phục lại năng lực khai thác và tinh chế kim loại hiếm nhằm giảm sự phụ thuộc vào Trung Quốc.

Điều này đang tạo ra những biến động lớn trong quan hệ quốc tế, đồng thời ảnh hưởng trực tiếp đến các cuộc đàm phán chính trị và kinh tế toàn cầu, định hình lại bản đồ quyền lực trong thế kỷ 21.

Nhà báo người Pháp Guillaume Pitron, nổi tiếng với những nghiên cứu sâu sắc về địa chính trị tài nguyên, chia sẻ góc nhìn của ông về cái giá của cuộc chuyển đổi xanh nhân dịp Cuộc chiến kim loại hiếm: Mặt tối của chuyển đổi số và Năng lượng sạch bản bổ sung và chỉnh sửa ra mắt tiếng Việt.

 Nhà báo người Pháp Guillaume Pitron, tác giả cuốn sách Cuộc chiến kim loại hiếm: Mặt tối của chuyển đổi số và Năng lượng. Ảnh: Reda Settar.

Nhà báo người Pháp Guillaume Pitron, tác giả cuốn sách Cuộc chiến kim loại hiếm: Mặt tối của chuyển đổi số và Năng lượng. Ảnh: Reda Settar.

Mất cân bằng tự chủ tài nguyên

- Xin chào ông Guillaume Pitron! Chúc mừng cuốn sách của ông vừa xuất bản tiếng Việt! Được biết ông đã dành 6 năm nghiên cứu trước khi hoàn thành phiên bản đầu tiên của cuốn sách vào năm 2018. Đến nay đã 7 năm trôi qua, dường như đề tài của cuốn sách càng được quan tâm hơn trong bối cảnh thế giới nhiều bất định. Ý tưởng bao trùm nhất của cuốn sách này là gì?

- Hiện nay, tìm kiếm tài nguyên thay thế cho dầu mỏ trong bối cảnh chuyển đổi năng lượng toàn cầu là một đòi hỏi bức thiết: Chúng ta đang chứng kiến sự trỗi dậy mạnh mẽ của các công nghệ xanh, được thúc đẩy bởi những cam kết quốc tế như Thỏa thuận Paris.

Điện gió, điện Mặt trời, xe điện... tất cả đều vẽ nên một tương lai giảm phát thải CO2 đầy hứa hẹn. Tuy nhiên, ẩn sau bức tranh đó là một sự thật mà nhiều người bỏ qua: chuyển đổi năng lượng là cuộc cách mạng của kim loại. Dường như không phải chúng ta đang giải quyết vấn đề, mà đang thay thế nó bằng một vấn đề khác.

- Ông có thể giải thích rõ hơn về vai trò của kim loại trong quá trình này không?

- Nhìn vào bất kỳ công nghệ xanh nào: tua-bin gió, tấm pin Mặt trời, pin xe điện, dây cáp điện... đều thấy hiện diện không thể thay thế của kim loại. Điển hình là đồng, kim loại không thể thiếu cho việc truyền tải điện năng. Một chiếc xe điện cần lượng đồng gấp bốn lần so với xe xăng. Tiếp theo là đất hiếm - nhóm 15 nguyên tố như neodymium hay dysprosium, cực kỳ quan trọng cho nam châm trong tua-bin gió và động cơ điện. Rồi còn lithium, graphite, cobalt cho pin; nhôm thay thế đồng; và các kim loại hiếm khác như indium, gallium, germanium trong các thiết bị công nghệ cao.

- Việc khai thác các kim loại này đi kèm với thách thức, rủi ro thế nào?

- Đây chính là câu hỏi then chốt: Chúng ta sẽ khai thác những tài nguyên này ở đâu? Chi phí khai thác và tinh luyện sẽ ra sao? Liệu có quốc gia nào nắm giữ quyền lực chi phối như Ả Rập Xê Út với dầu mỏ trước đây? Thậm chí, liệu chúng ta có phải "chiếm đóng" những vùng đất giàu tài nguyên như Greenland để phục vụ cho "cuộc cách mạng xanh"? Đừng vội tin vào những quảng cáo xe điện hào nhoáng, hãy nhìn nhận vấn đề qua lăng kính kim loại, bạn sẽ thấy một bức tranh hoàn toàn khác. Mọi thứ "xanh", "sạch", "phát thải zero" đều bắt đầu từ những vết sẹo trên mặt đất - các mỏ khoáng sản.

- Ông có nhắc đến sự khác biệt trong nhận thức giữa các quốc gia về vấn đề này?

- Đúng vậy. Nhiều nước phương Tây như Pháp đã đóng cửa các mỏ khai thác và không còn nhìn thấy những tác động thực tế của việc này. Chúng tôi chỉ muốn thấy sản phẩm cuối cùng "sạch sẽ". Nhưng để mình được "sạch" như vậy, ai đó ở các nước phương Nam như Congo (cobalt), Nam Phi (platinum), Trung Quốc (đất hiếm, graphite), Indonesia (niken) phải "bẩn" thay.

Quá trình khai thác và tinh luyện các kim loại kể trên gây ra ô nhiễm môi trường, ảnh hưởng đến sức khỏe con người và tạo ra căng thẳng xã hội, chính trị. Nhiều quốc gia phương Tây đang chuyển gánh nặng ô nhiễm sang nơi khác và tự huyễn hoặc về "cuộc chuyển đổi sang năng lượng sạch". Chẳng bữa trưa nào là miễn phí, và cũng không có gì hoàn toàn "sạch".

- Việc một số quốc gia "nắm đằng chuôi" trong chuỗi cung ứng kim loại có tác động tới địa chính trị không?

- Chắc chắn rồi. Hai sự kiện lớn gần đây - khủng hoảng địa chính trị năm 2020 và cuộc chiến ở Ukraine năm 2022 - đã thức tỉnh châu Âu và cả Mỹ. Chúng tôi nhận ra không thể cứ đặt niềm tin vào thị trường tự do để đảm bảo an ninh tài nguyên.

 Sách Cuộc chiến kim loại hiếm: Mặt tối của chuyển đổi số và Năng lượng sạch. Ảnh: O+.

Sách Cuộc chiến kim loại hiếm: Mặt tối của chuyển đổi số và Năng lượng sạch. Ảnh: O+.

Trung Quốc đã trỗi dậy thành một cường quốc sản xuất kim loại, nắm phần lớn nguồn cung hoặc quá trình tinh luyện. Họ thậm chí còn giảm xuất khẩu và đầu tư sâu vào chuỗi giá trị, mở rộng sản xuất về phía hạ nguồn, cả những thành phần cốt lõi như nam châm - mà hiện tại Trung Quốc đang nắm đến 90% tổng sản lượng trên toàn thế giới. Điều này tạo ra sự phụ thuộc rất lớn.

- Vậy các quốc gia đang phản ứng thế nào trước tình hình này?

- Các nước bắt đầu đánh giá lại nhu cầu khoáng sản chiến lược của mình và nhận ra sự phụ thuộc nguy hiểm. Mỹ dưới nhiệm kỳ đầu của Tổng thống Donald Trump đã khởi động chiến lược "chủ quyền khoáng sản". Liên minh châu Âu cũng đã thông qua Đạo luật Nguyên liệu Thô Quan trọng (Critical Raw Materials Act - CRMA) vào năm 2024, coi đây là "kinh thánh" mới cho việc đảm bảo quyền tiếp cận khoáng sản. Chiến lược này không chỉ liên quan đến an ninh tài nguyên mà cả chủ quyền công nghiệp. Các quốc gia nhận ra rằng trong một thế giới đầy căng thẳng, tự chủ về tài nguyên là yếu tố sống còn.

- Người dân tại nhiều quốc gia châu Âu phản ứng ra sao với các chính sách về năng lượng hiệu tại?

- Nhận thức được rủi ro tiềm tàng trong việc phụ thuộc về tài nguyên, một số quốc gia đã xem xét tiềm năng của phương án khai thác khoáng sản ngay trên lãnh thổ của mình. Ở Mỹ, Australia, Canada, và thậm chí cả châu Âu đều có những trữ lượng nhất định. Nhưng điều này lại vấp phải những tranh cãi lớn trong xã hội.

Ví dụ ở Pháp, nghịch lý là người dân tự hào về năng lượng hạt nhân "sạch" nhưng lại không muốn chấp nhận những hệ quả của việc khai thác mỏ để phục vụ cho xe điện. Nếu chúng ta muốn chuyển đổi năng lượng một cách công bằng, cần phải trả lời câu hỏi: ai sẽ trả giá và ai sẽ hưởng lợi?

Việt Nam với tiềm năng tái chế, khai thác

- Trong bối cảnh đó, vai trò của tái chế được nhìn nhận như thế nào, thưa ông?

- Tái chế chắc chắn là một giải pháp quan trọng và ít gây ô nhiễm hơn khai thác mới từ các mỏ. Tái chế giúp gia giảm các gánh nặng cho môi trường như nhân tạo hóa đất đai, suy giảm đa dạng sinh học, cạn kiệt tài nguyên và tiêu thụ nước. Về lượng khí thải CO2, tái chế kim loại có thể giảm tới 50-80% so với việc khai thác mới.

Chúng ta đã tái chế hiệu quả với sắt, đồng, nhôm, chì. Tuy nhiên, với nhiều kim loại khác, đặc biệt là đất hiếm, mô hình kinh doanh tái chế vẫn chưa phát triển và đôi khi còn đắt hơn khai thác. Chúng ta cần tìm ra những mô hình kinh doanh bền vững hơn cho việc tái chế trong tương lai.

- Ông có đánh giá như thế nào về nỗ lực chuyển đổi năng lượng của châu Âu và tiềm năng hợp tác toàn cầu trong lĩnh vực này?

- Châu Âu đã có những tiến bộ đáng kể trong việc phân loại và tái chế rác thải. Tuy nhiên, tôi cho rằng châu Âu có phần tụt hậu về công nghệ so với Trung Quốc và Mỹ trong việc khai thác và tái chế kim loại hiếm. Dù vậy, tôi vẫn tin rằng các quốc gia có thể tìm được tiếng nói chung, như Hiệp định về biển cả (Conservation and Sustainable Use of Marine Biological Diversity of Areas - BBNJ) hướng đến bảo vệ biển quốc tế. Dù có cạnh tranh, hợp tác vẫn là điều khả thi.

- Liệu động lực thúc đẩy năng lượng xanh hiện nay có thực sự xuất phát từ mong muốn một thế giới tốt đẹp hơn, hay chỉ là sự cạnh tranh để giành vị thế dẫn đầu?

 Tác giả Guillaume Pitron trong buổi tọa đàm Địa kinh tế và chính trị của kim loại hiếm: Bài học từ mặt tối của công nghệ sạch tại TP.HCM ngày 8/5. Ảnh: IRNews Club.

Tác giả Guillaume Pitron trong buổi tọa đàm Địa kinh tế và chính trị của kim loại hiếm: Bài học từ mặt tối của công nghệ sạch tại TP.HCM ngày 8/5. Ảnh: IRNews Club.

- Một câu hỏi rất sâu sắc song thật khó trả lời. Một thế giới thực sự tốt đẹp hơn có lẽ đòi hỏi chúng ta phải tiêu dùng ít hơn, mua sản phẩm giá đắt hơn và chia sẻ nhiều hơn. Điều này mâu thuẫn với logic địa chính trị hiện tại: tham vọng tăng trưởng, quyền lực và cạnh tranh. Rất khó để dung hòa hai yếu tố này. Tuy nhiên, tôi tin rằng tương lai không chỉ nằm ở công nghệ, mà ở cả sự khôn ngoan khi chúng ta sử dụng công nghệ. Tôi dự định sẽ viết một cuốn sách xoay quanh chủ đề này.

- Theo ông, các quốc gia như Việt Nam nên ưu tiên phát triển tái chế hay khai thác mới?

- Tôi nghĩ chính sách nên toàn diện: khai thác, sản xuất và tái chế. Mọi quốc gia đều cần một chiến lược tổng thể. Tuy nhiên, với một quốc gia chưa mạnh về lĩnh vực này, có thể ưu tiên phát triển năng lực tái chế ở một số kim loại nhất định mà mình có tiềm năng trở thành "trùm", rồi tập trung nguồn lực vào đó. Tôi có tìm hiểu và được biết nhiều tỉnh phía bắc ở Việt Nam có trữ lượng một số kim loại quan trọng.

Đồng thời, cũng cần có tầm nhìn dài hạn để xác định những kim loại nào sẽ đóng vai trò quan trọng trong tương lai. Điều này đòi hỏi một chính sách công nghiệp rõ ràng, đầu tư vào nghiên cứu và phát triển, nhân lực và xây dựng chuỗi cung ứng hiệu quả.

- Pháp là quốc gia mà điện hạt nhân đóng góp hơn 70% vào sản lượng điện. Ông có lời khuyên nào cho Việt Nam khi đất nước chúng tôi tái khởi động kế hoạch phát triển điện hạt nhân?

- Để thành công, Việt Nam cần một tầm nhìn dài hạn và sự nhất quán trong chính sách năng lượng, vượt qua những thay đổi chính trị - xã hội.

Pháp đã đầu tư dài hạn từ những năm 50-60, làm chủ toàn bộ chuỗi giá trị điện hạt nhân. Tuy vậy, cần phải hiểu rằng dự án điện hạt nhân không phải luôn "đầu xuôi đuôi lọt", mà trải qua nhiều thăng trầm, đến giờ vẫn bị xã hội hoài nghi. Thành quả nước Pháp có được hôm nay là nhờ chính sách tài chính ổn định, đào tạo nhân lực và một chiến lược nhất quán từ khai thác uranium đến xử lý chất thải, bất chấp những biến đổi trong chính trị.

Tôi nghĩ với câu chuyện khai thác kim loại hiếm cũng vậy, tầm nhìn dài hạn là yếu tố then chốt.

- Nếu cô đúc thông điệp của ông một cách ngắn gọn, thì đó là gì?

- Hy vọng sẽ không ai hiểu lầm rằng tôi phản đối quá trình chuyển đổi xanh. Không, không phải như vậy. Tôi chỉ muốn nhấn mạnh: Chúng ta cần tiến hành công cuộc chuyển đổi năng lượng, nhưng phải làm tốt hơn hiện tại. Hãy nhìn xa hơn để xây dựng một quá trình chuyển đổi bền vững và công bằng hơn cho tất cả. Đây là chuyển đổi 2.0 - không chỉ cắt giảm carbon mà còn là giải quyết bài toán về tài nguyên và những hệ lụy môi trường, xã hội đi kèm.

- Xin cảm ơn những chia sẻ sâu sắc của ông.

---------------------

Trong bài có sử dụng ảnh vận chuyển đất chứa các nguyên tố đất hiếm để xuất khẩu tại một cảng ở Liên Vân Cảng, tỉnh Giang Tô, Trung Quốc. Ảnh: REUTERS.

Phong Khang

thực hiện

Nguồn Znews: https://znews.vn/cuoc-chien-kim-loai-hiem-trong-san-choi-trung-quoc-dang-chiem-loi-the-post1552000.html