Cảnh báo về những siêu du thuyền ngày càng khổng lồ
Ngành du thuyền toàn cầu lao vào cuộc đua 'siêu tàu' với sức chứa hàng nghìn người. Tuy nhiên, điều này lại thổi bùng lo ngại về môi trường và sức chịu tải của các điểm đến.

Tàu Icon of the Seas của Royal Caribbean rời cảng PortMiami ở Florida ra khơi vào tháng 1/2024. Ảnh: Cruise Ship Interiors.
Từ hình ảnh “bánh sinh nhật nổi” của tàu Icon of the Seas ra mắt tháng 1/2024 đến những con số ấn tượng về sức chứa, ngành công nghiệp du thuyền đang bước vào giai đoạn bùng nổ quy mô chưa từng thấy.
Các hãng lớn như Royal Caribbean, MSC Cruises, Carnival và Norwegian Cruise Line đang không ngừng nâng cấp đội tàu bằng những siêu du thuyền dài hàng trăm mét, có sức chứa từ 5.000 đến gần 8.000 hành khách, theo CNN.
Chỉ trong tháng 4 vừa qua, du thuyền Norwegian Aqua ra khơi từ Florida với sức chứa 3.600 hành khách. Cùng lúc, MSC World America - con tàu có thể phục vụ tới 6.762 người - bắt đầu hành trình tại vùng biển Caribe.
Ngoài ra, các siêu tàu tiếp theo sẽ tiếp tục cập bến từ nay đến 2027, trong đó có Star of the Seas, Legend of the Seas (thuộc Royal Caribbean) và tàu mới của Carnival dự kiến ra mắt từ 2029.
Theo Hiệp hội Du thuyền Quốc tế (CLIA), dự kiến có hơn 37 triệu người đi du thuyền vào năm 2025. Tính đến năm 2036, toàn cầu đón thêm 77 tàu du lịch mới, một minh chứng cho nhu cầu sử dụng du thuyền không ngừng tăng.
Điểm đáng chú ý là hành khách không còn xem du thuyền là phương tiện để “đến nơi nào đó”. Giờ đây, chính con tàu mới trở thành điểm đến của du khách.

Hình ảnh mô phỏng tàu Star of the Seas dự kiến ra mắt vào 8 do hãng Royal Caribbean International vận hành. Ảnh: Royal Caribbean International.
Với hệ thống “khu phố”, “khu vực” theo phong cách resort, hàng chục nhà hàng, công viên nước, hồ bơi, sân khấu và hoạt động giải trí, mỗi con tàu là một thế giới thu nhỏ, có thể khiến du khách bận rộn suốt cả tuần mà không cần đặt chân lên bờ.
Dù mang lại trải nghiệm giải trí dồi dào, những siêu tàu cũng kéo theo nhiều lo ngại về tác động môi trường và sức ép lên cơ sở hạ tầng địa phương.
Bryan Comer, Giám đốc chương trình hàng hải tại Hội đồng Quốc tế về Giao thông Sạch, gọi đây là những “thành phố nổi”. Ông cảnh báo việc liên tục ra mắt các tàu lớn hơn đồng nghĩa với tăng lượng tiêu thụ nhiên liệu, phát thải khí nhà kính, ô nhiễm không khí và nước thải.
Nhiều tàu mới như Icon of the Seas hay MSC World America được vận hành bằng LNG (khí tự nhiên hóa lỏng) và có kết nối điện bờ, nhưng giới chuyên gia cho rằng nhiên liệu bio-methanol hay e-methanol vẫn là lựa chọn sạch hơn về lâu dài. Khả năng rò rỉ khí mê-tan từ LNG khiến mục tiêu phát thải ròng bằng 0 vào 2050 trở nên khó đạt được.
Ngoài yếu tố nhiên liệu, nhiều điểm đến cũng đang cảnh giác với các tàu lớn. Paula Vlamings, đại diện tổ chức Tourism Cares, cho biết việc quá nhiều tàu lớn cập cảng cùng lúc hoặc một tàu quá tải có thể gây ra tác động tiêu cực vượt xa lợi ích kinh tế, làm căng thẳng hệ thống hạ tầng và cuộc sống người dân địa phương.
Tuy vậy, các hãng du thuyền vẫn đang tận dụng xu hướng thị trường ưa chuộng trải nghiệm tích hợp này, mở rộng hoạt động ngoài tàu như đảo riêng. Đây là cách các hãng tăng thêm giá trị dịch vụ mà không gây áp lực trực tiếp lên các cảng hiện hữu.
Với những người yêu du thuyền, trải nghiệm trên tàu lớn không chỉ là hành trình mà là khám phá không gian sống di động. Nhưng với các nhà quản lý và chuyên gia môi trường, câu hỏi đặt ra là: sự phấn khích đó có đáng đánh đổi? Và liệu ngành du lịch biển có thể cân bằng được giữa tăng trưởng và bền vững trong tương lai?