Cuộc chiến thuế quan của Mỹ: Cơ hội và rủi ro với Việt Nam

Sự trở lại của ông Trump và nguy cơ tái bùng nổ chiến tranh thương mại Mỹ-Trung đặt Việt Nam trước nhiều thách thức, song cũng có những cơ hội.

Việt Nam hoàn toàn có thể tìm thấy những điểm sáng và cơ hội để vươn lên. (Ảnh: Vietnam+)

Việt Nam hoàn toàn có thể tìm thấy những điểm sáng và cơ hội để vươn lên. (Ảnh: Vietnam+)

Theo các chuyên gia, Việt Nam đang đứng trước “ngã ba đường” trước thực tế kinh tế đầy biến động từ quốc tế với sự trỗi dậy của chủ nghĩa bảo hộ, đặc biệt là nguy cơ tái bùng nổ chiến tranh thương mại Mỹ-Trung dưới thời chính quyền Tổng thống Donald Trump.

Chuẩn bị cho nhiều kịch bản

Theo đó, ông Thomas Nguyễn, Giám đốc Thị trường Toàn cầu của Công ty Chứng khoán SSI cho rằng trong bối cảnh thế giới đầy biến động, các quốc gia cần chủ động thích ứng thay vì thụ động đối phó. Không nằm ngoại lệ, Việt Nam cũng cần chuẩn bị cho nhiều kịch bản khác nhau.

Ông Thomas Nguyễn chỉ ra Việt Nam khả năng sẽ đối mặt với những nguy cơ tiềm ẩn. Đầu tiên là vấn đề thuế quan và lạm phát. Cụ thể, việc Mỹ tăng thuế nhập khẩu sẽ gây áp lực lên lạm phát ở Mỹ, ảnh hưởng đến nhu cầu tiêu dùng và có thể làm gián đoạn chuỗi cung ứng toàn cầu. Kế đến là mức độ cạnh tranh, trong đó Việt Nam có thể đối mặt với sự cạnh tranh gay gắt hơn từ các quốc gia khác trong việc xuất khẩu sang Mỹ.

Cùng quan điểm trên, ông Frank Kelly, Người sáng lập và Đối tác quản lý tại Nền tảng giao dịch Fulcrum Macro nhấn mạnh chính sách thương mại của Tổng thống Trump không chỉ là vấn đề song phương mà còn tác động đến cả chuỗi cung ứng toàn cầu, nơi Việt Nam đóng vai trò ngày càng quan trọng.

“Năm 2024, xuất khẩu của Việt Nam vào Hoa Kỳ đạt 120 tỷ USD. Hiện nay, chính quyền Tổng thống Trump chưa có những chính sách, biện pháp cụ thể, tuy nhiên không loại trừ khả năng sẽ có những đàm phán với Việt Nam liên quan tới mục tiêu cân bằng hơn về thương mại. Điều này không chỉ giữa Việt Nam và Hoa Kỳ, mà cả khả năng xuất khẩu từ Trung Quốc qua Việt Nam, rồi sang Hoa Kỳ,” ông Frank Kelly phân tích.

Nhìn nhận nguy cơ từ góc độ tài chính, Bà Eva Huan Yi, Kinh tế trưởng tại Huatai Securities (Mỹ) nhận định trong thời gian tới, tỷ giá VND/USD có thể chịu áp lực do chính sách tiền tệ của Mỹ và các biến động trên thị trường tài chính quốc tế, ảnh hưởng đến sức cạnh tranh của hàng hóa xuất khẩu. Do đó, Ngân hàng Nhà nước cần có chính sách điều hành tỷ giá linh hoạt và chủ động để ổn định kinh tế vĩ mô.

Bên cạnh đó, giá cả hàng hóa nhập khẩu có thể tăng do thuế quan và có thể gây áp lực lên lạm phát trong nước. Vì vậy, Chính phủ cần kiểm soát lạm phát và đảm bảo ổn định giá cả để bảo vệ sức mua của người dân.

 Việt Nam có thể tận dụng các hiệp định thương mại tự do để mở rộng thị trường xuất khẩu và giảm sự phụ thuộc vào một thị trường duy nhất. (Ảnh: Vietnam+)

Việt Nam có thể tận dụng các hiệp định thương mại tự do để mở rộng thị trường xuất khẩu và giảm sự phụ thuộc vào một thị trường duy nhất. (Ảnh: Vietnam+)

Trong nguy có cơ

Mặc dù vậy, ông Thomas Nguyễn nhấn mạnh trong nguy có cơ. Các công ty đa quốc gia có thể dịch chuyển sản xuất khỏi Trung Quốc để tránh thuế và điều này tạo cơ hội cho Việt Nam thu hút đầu tư và nâng cao năng lực sản xuất.

“Việt Nam có thể tham gia ‘cuộc chơi’ với các nhà đầu tư trên thế giới. Tuần trước, tôi đọc được một khảo sát từ Nhật Bản cho thấy có khoảng 800 các nhà sản xuất và công ty Nhật Bản rời khỏi Trung Quốc, trong đó khoảng 200 công ty đã chuyển sang Việt Nam,” ông Thomas Nguyễn chia sẻ.

Theo ông Thomas, Việt Nam có rất nhiều dư địa cho phát triển và sản xuất trong nước. Hiện các nhà đầu tư nước ngoài đang nhìn thấy Việt Nam với những cơ hội. Đây là một tiềm năng, một lợi thế để phát triển quốc gia.

Việt Nam có thể tận dụng các hiệp định thương mại tự do để mở rộng thị trường xuất khẩu và giảm sự phụ thuộc vào một thị trường duy nhất. Trong bối cảnh mới, Việt Nam còn có thể khẳng định vai trò là một trung tâm sản xuất và xuất khẩu quan trọng trong khu vực, thu hút sự quan tâm của các nhà đầu tư quốc tế.

Về nhận định trên, bà Eva Huan Yi bổ sung thêm Trung Quốc khả năng sẽ có những phản ứng thích ứng với chính sách thương mại của Hoa Kỳ, do đó Việt Nam cần chủ động nắm bắt cơ hội từ những thay đổi này.

 VND có thể chịu áp lực do chính sách tiền tệ của Mỹ và các biến động trên thị trường tài chính quốc tế, trong khi Ngân hàng Nhà nước cần có chính sách điều hành tỷ giá linh hoạt và chủ động để ổn định kinh tế vĩ mô. (Ảnh: Vietnam+)

VND có thể chịu áp lực do chính sách tiền tệ của Mỹ và các biến động trên thị trường tài chính quốc tế, trong khi Ngân hàng Nhà nước cần có chính sách điều hành tỷ giá linh hoạt và chủ động để ổn định kinh tế vĩ mô. (Ảnh: Vietnam+)

Theo bà Eva Huan Yi, việc kim ngạch xuất khẩu có thể tăng nhờ sự dịch chuyển sản xuất và nhu cầu từ Mỹ là một yếu tố có lợi cho Việt Nam. Tuy nhiên, Chính phủ cũng cần thận trọng với việc Trung Quốc tránh thuế và cạnh tranh từ các quốc gia khác. Trong bối cảnh mới, Việt Nam có thể thu hút thêm vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) nhờ môi trường đầu tư hấp dẫn và vị trí chiến lược, tuy nhiên cần cải thiện cơ sở hạ tầng và nguồn nhân lực để đáp ứng nhu cầu của các nhà đầu tư.

Để vượt qua thách thức và tận dụng cơ hội, ông Phạm Lưu Hưng, Kinh tế trưởng tại Công ty Chứng khoán SSI kiến nghị Việt Nam cần tập trung vào các động lực tăng trưởng nội địa để ứng phó với các biến động từ bên ngoài.

Ông Hưng nhận định tăng trưởng của Việt Nam vẫn khá ổn định trong bối cảnh thế giới đầy thách thức, nhưng cần nỗ lực hơn nữa để đạt được các mục tiêu phát triển kinh tế.

Ông nhấn mạnh tầm quan trọng của việc cải thiện năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp trong nước, đặc biệt là trong các ngành công nghiệp chế biến, chế tạo. Bên cạnh đó, Việt Nam cần tập trung vào việc phát triển thị trường, trong đó đẩy mạnh tiêu dùng trong nước ./.

(Vietnam+)

Nguồn VietnamPlus: https://www.vietnamplus.vn/cuoc-chien-thue-quan-cua-my-co-hoi-va-rui-ro-voi-viet-nam-post1010936.vnp