Thương chiến Mỹ - Trung: Cơ hội nào cho Châu Á?

Những chính sách mới của Tổng thống Mỹ Donald Trump về thuế quan đang gây ra nhiều lo lắng cho kinh tế và thương mại toàn cầu. Trong bối cảnh đó, Châu Á – với vị thế là một trong những trụ cột kinh tế thế giới - sẽ nắm bắt những cơ hội nào để thích ứng và vươn lên?…

Ảnh minh họa - Nguồn: Reuters.

Ảnh minh họa - Nguồn: Reuters.

Thời gian qua, những chính sách mới của Tổng thống Mỹ Donald Trump trong vấn đề thuế quan đã gây nhiều lo lắng cho kinh tế và thương mại toàn cầu. Trong báo cáo mới công bố, các chuyên gia tại HSBC nhận định: “ASEAN được cho là sẽ hưởng lợi đáng kể từ những xu hướng này. Khu vực này đã vượt Mỹ và Liên minh Châu Âu (EU) để trở thành thị trường xuất khẩu lớn nhất của Trung Quốc”.

ASEAN CÓ NHIỀU CƠ HỘI

Gần đây, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã tuyên bố hoãn việc áp thuế 25% đối với Mexico và Canada trong 30 ngày, trong khi vẫn áp dụng mức thuế 10% đối với Trung Quốc, khiến nước này triển khai các biện pháp trả đũa, bao gồm áp dụng thuế quan tập trung trong phạm vi hẹp và hạn chế xuất khẩu sang Mỹ.

Theo các chuyên gia HSBC, nếu xem xét đến kinh nghiệm tương tự của Nhật Bản trong những năm 1980, đây là một trường hợp mà các nhà hoạch định chính sách Trung Quốc đặc biệt quan tâm.

“Chúng tôi cho rằng Trung Quốc sẽ thay thế một số mặt hàng xuất khẩu trực tiếp sang Mỹ bằng nhiều khoản đầu tư nước ngoài, tăng cường thương mại với các nền kinh tế mới nổi, củng cố vị thế trung tâm của mình trong chuỗi cung ứng toàn cầu thông qua xuất khẩu linh kiện và sản xuất công nghệ cao, tránh những điều chỉnh lớn về tỷ giá. Đồng thời, tận dụng cơ hội tốt nhất để triển khai các biện pháp kích thích kinh tế mạnh mẽ và cải cách cơ cấu”, ông Frederic Neumann, Chuyên gia Kinh tế trưởng Khối Nghiên cứu Kinh tế châu Á - Thái Bình Dương, Ngân hàng HSBC nhận định.

Do đó, chuyên gia tại HSBC cho rằng khu vực ASEAN được cho là sẽ hưởng lợi đáng kể từ những xu hướng này. Khu vực này đã vượt Mỹ và Liên minh Châu Âu (EU) để trở thành thị trường xuất khẩu lớn nhất của Trung Quốc. Cùng với đó là việc cải thiện năng lực sản xuất trong nhiều ngành công nghiệp, từ xe điện đến điện tử tiêu dùng, nhờ vào sự hỗ trợ từ các khoản đầu tư của Trung Quốc.

Bên cạnh đó, ông Frederic Neumann cho rằng chính sách thiên về giảm nhập khẩu của Mỹ dưới thời ông Trump có thể vô tình tạo động lực cho Châu Á thay đổi mô hình tăng trưởng, vốn trước đây phụ thuộc nhiều vào xuất khẩu sang Mỹ. Việc "tách rời" không đồng nghĩa với việc rút lui khỏi thương mại hay quay lưng lại với Mỹ, vốn là một đối tác thương mại quan trọng, mà là cơ hội để Châu Á thúc đẩy những động lực tăng trưởng mới.

HAI TRỤ CỘT TĂNG TRƯỞNG CHÍNH

Theo ông Frederic Neumann, có hai trụ cột chính trong chiến lược tập trung tăng trưởng nội khối của Châu Á.

“Trước hết, khu vực này cần giải quyết sự mất cân đối giữa tiết kiệm và đầu tư. Mặc dù tiết kiệm là một đức tính tốt, nhưng việc tích lũy vốn quá mức mà không thể chuyển sang đầu tư hiệu quả sẽ kìm hãm tăng trưởng”, ông Frederic Neumann nhận định.

Ông Frederic Neumann, Chuyên gia Kinh tế trưởng Khối Nghiên cứu Kinh tế châu Á - Thái Bình Dương, Ngân hàng HSBC

“Châu Á cũng có thể tăng cường thương mại và đầu tư nội khối với việc tận dụng, mở rộng các hiệp định, bổ sung thêm khu vực Nam Á sẽ giúp đánh dấu một bước tiến quan trọng, giúp xây dựng khả năng thích ứng khu vực mạnh mẽ hơn”.

Mặt khác, gia tăng đầu tư có thể giúp cân bằng lượng nguồn vốn tiết kiệm dôi dư, nhưng sẽ kém hiệu quả nếu các cơ hội đầu tư sinh lời đã cạn kiệt. Đầu tư nhiều hơn cũng đồng nghĩa với việc sản xuất nhiều hàng hóa hơn mà cuối cùng sẽ cần phải tìm đầu ra tiêu thụ.

Chuyên gia kinh tế Frederic Neumann cho rằng giải pháp cho vấn đề này nằm ở việc thúc đẩy tiêu dùng nội địa. Khi nhu cầu tiêu dùng trong khu vực tăng lên, Châu Á sẽ không chỉ giảm phụ thuộc vào thị trường nước ngoài, mà còn góp phần nâng cao tiêu chuẩn sống của các hộ gia đình.

“Tuy nhiên, các hộ gia đình Châu Á, vốn có thói quen tiết kiệm cao, sẽ cần được khuyến khích gia tăng chi tiêu. Các nhà hoạch định chính sách có thể hỗ trợ quá trình này bằng cách tăng thu nhập và nâng cao phúc lợi xã hội toàn dân”, ông Frederic Neumann khuyến nghị.

Bên cạnh đó, ngay cả khi không thể giảm ngay lượng tiết kiệm dư thừa ở một số khu vực, Châu Á vẫn có thể tái phân bổ vốn hiệu quả từ các nền kinh tế có tỷ lệ tiết kiệm cao như Trung Quốc đại lục, Hàn Quốc, Malaysia, Singapore và Nhật Bản sang các thị trường cần nhiều vốn đầu tư hơn, chẳng hạn như Ấn Độ, Indonesia, Philippines và Bangladesh. “Đây là lúc trụ cột thứ hai trong chiến lược “tách rời” của Châu Á phát huy tác dụng”, ông Frederic Neumann nhận định.

Mặc dù dòng vốn đầu tư và các chuỗi cung ứng đã được hình thành chéo trong khu vực, phần lớn vẫn tập trung vào việc phục vụ các thị trường phương Tây. Thay vì tiếp tục xuất khẩu đến thị trường Mỹ hay Châu Âu, nơi các rào cản thương mại ngày càng gia tăng, Châu Á có thể mở rộng thị trường trong chính nội khối thông qua hoạt động đẩy mạnh hội nhập khu vực.

Đồng thời, Chuyên gia Kinh tế trưởng Khối Nghiên cứu Kinh tế châu Á - Thái Bình Dương, Ngân hàng HSBC, cho biết Châu Á cũng có thể tăng cường thương mại và đầu tư nội khối với việc tận dụng các hiệp định thương mại như: Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực (RCEP), với các thành viên ASEAN và Đông Bắc Á, hay Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ Xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), với sự tham gia của 11 nền kinh tế từ Châu Á và Châu Mỹ.

Minh Huy

Nguồn VnEconomy: https://vneconomy.vn/thuong-chien-my-trung-co-hoi-nao-cho-chau-a.htm