Cuộc chiến vaccine ngừa Covid-19 giữa Anh - EU tăng nhiệt
Hãng AstraZeneca đang bị kẹt trong cuộc chiến ngày càng nóng giữa Anh và EU liên quan đến vaccine ngừa Covid-19.
Lý do EU liên tục cảnh báo sẽ cấm xuất khẩu vaccine Covid-19 sang Anh
Việc Liên minh châu Âu đưa ra đe dọa cấm xuất khẩu vaccine AstraZeneca được sản xuất tại các nước EU sang Anh đang ngày càng nhận được sự ủng hộ của nhiều nước châu Âu. Các nguyên thủ và thủ tướng như Tổng thống Pháp Emmanuel Macron, Thủ tướng Đức Angela Merkel và Thủ tướng Italy, Mario Draghi đều đã công khai lên tiếng không chỉ ủng hộ việc Ủy ban châu Âu cấm xuất khẩu vaccine AstraZeneca mà còn yêu cầu châu Âu xem xét các biện pháp pháp lý nhằm vào các quan chức lãnh đạo của AstraZeneca.
Lập luận của Liên minh châu Âu rất nhất quán, đó là khối này không chấp nhận việc AstraZeneca một mặt liên tục trì hoãn và cắt giảm số lượng vaccine đã cam kết giao cho EU nhưng mặt khác lại tiếp tục xuất khẩu các lô hàng vaccine được sản xuất tại các nhà máy đặt tại EU sang các nước thứ ba. Hồi tháng 1/2021, AstraZeneca đã thông báo là hãng này chỉ có thể giao được cho EU 31 triệu liều vaccine trong quý I năm nay, thay vì 80 triệu liều như cam kết ban đầu, do trục trặc trong dây chuyền sản xuất. Tuy nhiên, phía EU đưa ra thắc mắc là cho đến nay khối này chưa nhận được bất cứ liều vaccine nào do AstraZeneca sản xuất tại hai nhà máy của hãng đặt tại Anh, dù phía EU đã xuất khẩu 10 triệu liều vaccine sản xuất tại EU sang Anh trong 6 tuần qua.
Do đó, phía EU yêu cầu phía Anh chia sẻ lại vaccine AstraZeneca, nếu không khối này sẽ cấm toàn bộ việc xuất khẩu vaccine AstraZeneca được sản xuất tại châu Âu sang Anh. Mấu chốt của cuộc chiến vaccine hiện nay giữa EU với Anh và các nước khác nằm ở việc thiếu hụt nguồn vaccine do AstraZeneca cung cấp, và phía EU cho rằng họ đang bị đối xử thiếu công bằng, cho rằng AstraZeneca đã ưu tiên cung cấp vaccine cho Anh và phía Anh không chịu chia sẻ. Tuy nhiên, phía hãng dược AstraZeneca cũng nhiều lần phản bác, cho rằng họ đã thực hiện hợp đồng với EU nhanh hơn nhiều so với các đối tác khác, đồng thời trong hợp đồng đã ký với EU hồi tháng 9/2020 cũng không có điều khoản nào bắt buộc AstraZeneca phải giao hàng cho EU trước tiên.
Khả năng EU sẽ áp đặt lệnh cấm xuất khẩu vaccine Covid-19 và tác động lên quan hệ Anh-EU
Các nước châu Âu hiện nay đang trong tình huống dịch Covid-19 vô cùng nghiêm trọng bởi làn sóng dịch thứ ba do các biến chủng virus Sars-CoV-2 gây ra. Các nước Đức, Pháp, Italy đều đã phải tái phong tỏa phần lớn lãnh thổ từ nhiều ngày qua để ngăn chặn dịch. Chiến dịch tiêm vaccine ngừa Covid-19 là lối thoát duy nhất của các nước châu Âu nhưng từ hơn 3 tháng qua, chiến dịch này tại châu Âu thất bại thảm hại nếu so với Anh. Trong khi nước Anh đã tiêm được cho hơn 50% dân số trưởng thành thì tại châu Âu, con số này mới chỉ ở mức khoảng 10%. Sự chậm trễ này đang tạo sức ép cực lớn cho chính phủ các nước và bắt đầu khiến các chính phủ cầm quyền phải trả giá. Như tại Đức, đảng cầm quyền CDU của Thủ tướng Angela Merkel đã thất bại nặng tại hai cuộc bầu cử bang đầu tiên trong năm nay, với một phần lớn nguyên nhân là việc xử lý đại dịch Covid-19 và chiến dịch tiêm vaccine trì trệ. Tại Pháp, chính phủ Pháp cũng bị cho là đã thất bại với chiến lược tiêm vaccine để mở cửa kinh tế và đã buộc phải phong tỏa 1/3 dân số, trong đó có vùng thủ đô Paris quan trọng nhất, trong vòng 1 tháng.
Vì thế, chiến dịch tiêm vaccine ngừa Covid-19 càng trở nên có ý nghĩa sống còn với các nước châu Âu và châu Âu hoàn toàn có thể áp đặt lệnh cấm xuất khẩu ngay lập tức với vaccine AstraZeneca nếu như tình hình không cải thiện. Các lãnh đạo EU sẽ thảo luận chi tiết phương án này tại Thượng đỉnh khối vào 25 và 26/3 này.
Nếu EU cấm xuất khẩu vaccine AstraZeneca thì điều này sẽ tạo ra một căng thẳng ngoại giao lớn giữa EU và Anh và càng làm xấu đi mối quan hệ vốn đang rất trục trặc giữa hai bên liên quan đến việc EU tố cáo Anh vi phạm thỏa thuận Brexit tại Bắc Ireland. Đối với phía Anh, nếu nguồn cung vaccine AstraZeneca từ EU bị gián đoạn thì chiến dịch tiêm chủng của nước này chắc chắn sẽ bị đình trệ và nước Anh có nguy cơ đánh mất các thành quả vừa đạt được một khi làn sóng dịch Covid-19 quay trở lại.
Có một chi tiết cần lưu ý, đó là các nước EU và Anh thực hiện chiến lược tiêm vaccine khác nhau. Hầu hết các nước EU chú trọng việc tiêm vaccine cho các thành phần dân cư dễ bị tổn thương trước, như nhân viên y tế, người già trên 70 tuổi, trong khi Anh lại chú trọng số lượng, tiêm được càng nhiều càng tốt. Vì thế, đã có tới một nửa dân số trưởng thành của Anh được tiêm ít nhất 1 mũi vaccine, mà đa số là của AstraZeneca. Do đó, khi nguồn cung từ châu Âu bị gián đoạn, rất nhiều người sẽ chậm được tiêm mũi tiêm thứ hai và trong thời gian đó, hiệu quả bảo vệ của vaccine sẽ suy giảm và nguy cơ dịch Covid-19 bùng phát trở lại với các biến chủng là hoàn toàn có thể.
Astra Zeneca có đủ năng lực để xử lý thế kẹt giữa Anh và EU?
Hiện nay cả Anh và EU đều đang nỗ lực đàm phán cấp cao để giảm căng thẳng. Hôm 21/03, Thủ tướng Anh Boris Johnson đã hội đàm với Tổng thống Pháp Emmanuel Macron và Thủ tướng Đức Angela Merkel và Thủ tướng Hà Lan, Mark Rutte về việc chia sẻ vaccine. Ngoại trưởng Anh Dominic Raab cũng thảo luận với các đồng cấp châu Âu bên lề Hội nghị Ngoại trưởng NATO.
Một trong các giải pháp đang được đề cập là Anh đề nghị chia sẻ với EU các lô vaccine AstraZeneca được sản xuất tại một nhà máy ở Hà Lan, dù đây là các lô được dự tính xuất khẩu sang Anh. Tuy nhiên, với nhu cầu vaccine rất lớn hiện nay của các nước EU thì chắc chắn đề xuất này là chưa đủ nên hai bên sẽ phải tìm kiếm thêm các giải pháp khác, đặc biệt là khi có nhiều đánh giá cho rằng năng lực sản xuất của AstraZeneca tại châu Âu khó có thể tăng đột biến trong thời gian ngắn. Phía Anh đang thúc đẩy việc nhanh chóng sản xuất vaccine AstraZeneca tại Ấn Độ còn EU thì bắt đầu phải tìm kiếm các nguồn cung vaccine từ các hãng dược phẩm khác.
Trên thực tế, trước sự chậm trễ của chiến dịch điều phối vaccine của Ủy ban châu Âu, nhiều nước thành viên EU đã tự hành động. Áo và Đan Mạch đã ký thỏa thuận phát triển vaccine riêng với Israel. Hungary đã phê duyệt sử dụng vaccine Sputnik V của Nga từ tháng trước và sắp tới có thể phê duyệt cả vaccine của Trung Quốc. Cả Ủy ban châu Âu lẫn một số quốc gia thành viên bắt đầu phải gạt bỏ định kiến, xóa bỏ các rào cản chính trị để chấp nhận vaccine Sputnik V của Nga, vốn đã được kiểm chứng có hiệu quả rất cao. Italy sẽ hợp tác sản xuất vaccine Sputnik V của Nga tại nước này từ tháng 7/2021 và phía Pháp cũng đang có ý định tương tự./.