Cuộc chơi quyền lực trên quỹ đạo biến không gian trở thành vùng xám
Không gian ngày càng trở thành một lĩnh vực chiến lược quan trọng nhưng cũng đầy rủi ro khi trở thành 'vùng xám' giữa hòa bình và xung đột. Việc Mỹ công bố kế hoạch Vòm Vàng đánh dấu một cuộc đua mới trên quỹ đạo, đồng thời cũng đặt ra thách thức lớn về quản trị và hợp tác quốc tế trong kỷ nguyên mới.

Trong thế kỷ 21, không gian không chỉ là nơi để khám phá và nghiên cứu khoa học, mà còn dần trở thành chiến trường tiềm tàng của các cường quốc. Ngày 20/5 vừa qua, Tổng thống Mỹ Donald Trump công bố dự án lá chắn phòng thủ tên lửa Vòm Vàng, một hệ thống phòng thủ quỹ đạo với kinh phí khoảng 175 tỷ USD, dự kiến hoàn thành vào năm 2029.
Ông Trump nhấn mạnh: “Tôi đã hứa với người dân Mỹ rằng sẽ xây dựng một lá chắn phòng thủ tên lửa tiên tiến để bảo vệ đất nước chúng ta khỏi mối đe dọa tấn công từ bên ngoài”.
Vòm Vàng được thiết kế bao gồm các cảm biến và tên lửa đánh chặn trên không gian, với khả năng lần đầu tiên đưa vũ khí lên vệ tinh. Sau khi hoàn thiện, hệ thống này sẽ có thể đánh chặn tên lửa ngay cả khi chúng được phóng từ bất kỳ đâu trên thế giới hoặc từ không gian.

Thông báo về dự án Vòm Vàng được công bố chưa đầy 4 tháng sau khi Tổng thống Trump ký sắc lệnh hành pháp chính thức khởi động quá trình phát triển hệ thống này. Kế hoạch không chỉ đánh dấu bước tiến quan trọng trong cuộc đua giành ưu thế chiến lược ngoài không gian mà còn đặt ra những thách thức lớn về an ninh và sự hợp tác quốc tế trong bối cảnh không gian ngày càng trở nên phức tạp và nhạy cảm.

Vòm Vàng không chỉ đơn thuần là một hệ thống phòng thủ tên lửa hiện đại, mà còn mang ý nghĩa biểu tượng cho việc “dựng lưới” kiểm soát không gian - một vùng xám mới, nơi các hành động không công khai nhưng lại mang tính quyết định có thể ảnh hưởng sâu sắc đến cán cân quyền lực toàn cầu.
Khác với các cuộc chiến trên mặt đất, không gian mang đến những thách thức cả về kỹ thuật lẫn chiến lược. “Vệ tinh không thể né tránh một cuộc tấn công như máy bay chiến đấu hay tàu chiến. Chúng bị giới hạn bởi các định luật vật lý, và ngay cả những điều chỉnh nhỏ nhất cũng đòi hỏi độ chính xác và năng lượng lớn”, Thiếu tướng Chance Saltzman, Chỉ huy Bộ Tư lệnh Không gian Mỹ, chia sẻ.
Chính vì thế, các cuộc đối đầu trong quỹ đạo thường diễn ra dưới hình thức tinh vi hơn, không phải bằng sức mạnh đơn thuần mà bằng sự tính toán chiến lược lâu dài. Một cuộc tập trận chiến tranh không gian gần đây, có sự tham gia của Bộ Quốc phòng, Bộ Ngoại giao, NASA và tình báo Mỹ đã cho thấy vệ tinh có thể được điều chỉnh vị trí để chặn các vị trí quỹ đạo trọng yếu của đối thủ. Các tín hiệu liên lạc có thể bị gây nhiễu tinh vi đến mức không để lại dấu vết. Đồng thời, các bước đi ngoại giao trên Trái Đất thay đổi liên minh, tiếp cận tài nguyên không gian, tạo ra thế trận mới trước khi xung đột thực sự bùng nổ.

“Chiến thắng không còn là việc áp đảo bằng lực lượng hùng hậu, mà là một cuộc chơi dài hạn, âm thầm bố trí các tài sản, tận dụng các hiệp định quốc tế về thương mại, thám hiểm và hợp tác không gian để định hình trận địa trước khi cuộc chiến bắt đầu”, ông Saltzman nhận định.
Trung Quốc được xem là một trong những quốc gia đi đầu trong việc kết hợp giữa các hoạt động dân sự và quân sự trên không gian. Cơ quan Hàng không Vũ trụ Quốc gia Trung Quốc (CNSA) quản lý nhiều chương trình vệ tinh vừa phục vụ nghiên cứu, vừa có tiềm năng hỗ trợ hoạt động quân sự. Các vệ tinh truyền thông hay quan trắc khí tượng có thể dễ dàng được sử dụng cho mục đích quân sự.
Cựu Giám đốc NASA Bill Nelson từng nhấn mạnh: “Chúng tôi tin rằng nhiều chương trình không gian dân sự của Trung Quốc thực chất là các chương trình quân sự ngụy trang”. Ông còn cảnh báo rằng, việc phân biệt rõ ràng giữa vệ tinh dân sự và quân sự của Trung Quốc ngày càng trở nên khó khăn, khiến việc theo dõi và phản ứng kịp thời trở thành thách thức lớn.

Cuộc chiến quỹ đạo không chỉ giới hạn trong các hành động mang tính vật lý như phá hủy vệ tinh đối phương. Vấn đề mảnh vụn vũ trụ, những mảnh vỡ từ các vệ tinh bị phá hủy, là mối nguy lớn cho tất cả các bên tham gia. Mỗi vụ va chạm tạo ra hàng nghìn mảnh nhỏ, có thể gây ra chuỗi phản ứng domino, được gọi là hiện tượng Kessler Syndrome, đe dọa toàn bộ hệ sinh thái quỹ đạo.
Vì vậy, chiến lược trong không gian ngày nay thiên về “phá vỡ” và “gây nhiễu” thay vì hủy diệt hoàn toàn. Các cuộc tấn công điện tử, gây nhiễu tín hiệu liên lạc, hoặc làm mù hệ thống cảm biến vệ tinh được đánh giá là các phương thức ưu tiên vì không tạo ra mảnh vụn và khó phát hiện.

Nga đã liên tục thử nghiệm các hệ thống chiến tranh điện tử trong quỹ đạo, nhằm khẳng định khả năng gây rối hoạt động vệ tinh đối phương. Các cuộc tấn công này có thể bao gồm gây nhiễu tín hiệu truyền lên hoặc truyền xuống vệ tinh, ảnh hưởng sâu rộng đến hệ thống định vị, thông tin liên lạc của đối thủ.
Một trong những công cụ quyết định trong “cuộc chơi trên quỹ đạo” hiện nay là trí tuệ nhân tạo (AI). “Chúng ta có quá nhiều dữ liệu đến mức các nhà phân tích bị quá tải. AI có khả năng thu thập, xử lý và ưu tiên dữ liệu để các nhà ra quyết định biết điều gì quan trọng nhất”, Thiếu tướng Saltzman nói.
Để đáp ứng nhu cầu đó, Lực lượng Không gian Mỹ đang phát triển R2C2 (Rapid and Resilient Command and Control) – một hệ thống phần mềm tích hợp AI có thể tự động phát hiện nguy cơ, tổ chức dữ liệu, đưa ra cảnh báo và đề xuất hành động nhanh chóng. Hệ thống này không chỉ hoạt động ở trung tâm điều hành dưới mặt đất mà còn được tích hợp vào vệ tinh, giúp phân tích hình ảnh thời gian thực, nhận diện dấu hiệu chuyển động quân sự, hoặc cảnh báo va chạm sớm.
Tương tự, Trung Quốc cũng đang đầu tư mạnh vào AI trong giám sát quỹ đạo. Theo các nhà phân tích, một số chương trình AI của Bắc Kinh đang được phát triển để theo dõi cả mảnh vụn không gian lẫn hành vi vệ tinh của các đối thủ. Điều này giúp Trung Quốc tăng khả năng tự vệ trong không gian, nhưng cũng đồng thời làm gia tăng nghi ngại về việc sử dụng AI cho mục tiêu quân sự hóa các công nghệ dân sự.

Lịch sử đã chứng minh: khi công nghệ thay đổi, hình thái chiến tranh cũng thay đổi theo. Những năm 1960–1970, Mỹ và Liên Xô chuyển công nghệ quân sự mặt đất lên không gian. Ngày nay, Mỹ và Trung Quốc – hai cường quốc vũ trụ lớn nhất thế giới – đang phát triển các năng lực chiến lược dành riêng cho không gian, không chỉ để phòng thủ mà còn để tạo hiệu ứng đòn bẩy trên mặt đất: kiểm soát liên lạc, định vị, dẫn đường vũ khí hoặc giám sát khu vực đối phương.
Đáng chú ý, lĩnh vực này không còn chỉ do các chính phủ kiểm soát. Các tập đoàn tư nhân như SpaceX, Blue Origin hay OneWeb đang giữ vai trò ngày càng lớn trong triển khai vệ tinh, cung cấp dịch vụ internet, quan sát Trái Đất và vận tải không gian. Trong nhiều trường hợp, họ trở thành lực lượng dự bị chiến lược, sẵn sàng hỗ trợ nhà nước khi cần thiết, như cách Starlink hỗ trợ Ukraine trong cuộc xung đột với Nga.
AI giờ đây không chỉ là công cụ phân tích mà đã trở thành vũ khí cạnh tranh chiến lược, khi quốc gia nào xử lý thông tin nhanh hơn, chính xác hơn sẽ có lợi thế trong kiểm soát quỹ đạo và đưa ra quyết sách. Trong bối cảnh đó, không gian không còn là nơi xa vời của viễn tưởng khoa học, mà đã trở thành “mặt trận” mới, nơi dữ liệu, thuật toán và công nghệ tiên tiến quyết định ai là người dẫn đầu.


Sự cạnh tranh giữa các quốc gia lớn trên không gian không chỉ là câu chuyện của công nghệ, mà còn là vấn đề chiến lược, chính trị và ngoại giao. Ngày nay, thế giới đang chứng kiến một cuộc chạy đua mới, không phải để lên Mặt Trăng như trong thời kỳ Chiến tranh Lạnh, mà để kiểm soát các quỹ đạo chiến lược có thể định hình cán cân quyền lực toàn cầu.
Không gian không còn là môi trường phi quân sự như trước mà đang thay đổi sâu sắc từ một khu vực tương đối hòa bình thành một “vùng tranh chấp”, nơi các cường quốc đang nhanh chóng phát triển vũ khí và năng lực để giành lợi thế trên quỹ đạo.
Tuy tiềm năng và lợi ích to lớn, nhưng vùng xám trong không gian cũng là nơi tiềm ẩn nhiều nguy cơ. Những hành động phá hoại hay nhầm lẫn có thể dẫn đến leo thang căng thẳng không mong muốn.
Không gian cần được duy trì là nơi hợp tác chứ không phải chiến trường. Chúng ta cần các quy tắc minh bạch và sự phối hợp quốc tế để ngăn chặn các hiểu lầm có thể dẫn tới xung đột. Trong bối cảnh đó, tăng cường hợp tác quốc tế, xây dựng các khung pháp lý rõ ràng và nguyên tắc ứng xử chung trở nên cấp thiết hơn bao giờ hết. Các quốc gia cần phối hợp chia sẻ thông tin, giám sát mảnh vụn và cảnh báo sớm các mối đe dọa, bảo vệ lợi ích chung không chỉ của từng quốc gia mà của toàn nhân loại.
Các hiệp ước quốc tế như Hiệp ước Không gian Vũ trụ cần được cập nhật để phản ánh thực tế công nghệ và chiến lược hiện nay. Ngoài ra, việc phát triển cơ chế đa phương nhằm hạn chế hành vi gây hấn và đảm bảo khai thác không gian vì hòa bình là hướng đi hợp lý để tránh xung đột không mong muốn.
Chỉ khi các quốc gia cùng nhau xây dựng và tuân thủ các quy tắc chung, không gian mới thực sự trở thành vùng an toàn, thúc đẩy phát triển và hòa bình toàn cầu.
Tác giả: Hoàng Phạm - Trình bày: Kiều Anh
Nguồn: West Point, Space Policy, Reuters
