Cuộc điện đàm làm 'dậy sóng' đôi bờ Đại Tây Dương

Cuộc điện đàm giữa Tổng thống Nga Vladimir Putin và Tổng thống Mỹ Donald Trump báo hiệu rằng các cuộc thảo luận về lệnh ngừng bắn ở Ukraine có thể sớm diễn ra.

Tổng thống Mỹ Donald Trump hôm 12/2 cho biết, ông mong đợi sẽ gặp người đồng cấp Nga Vladimir Putin tại Ả Rập Xê-út trong cuộc họp đầu tiên của hai nhà lãnh đạo kể từ khi vị chính trị gia Đảng Cộng hòa nhậm chức.

Bình luận được ông Trump đưa ra sau cuộc điện đàm kéo dài gần 90 phút với ông Putin, trong đó hai bên thảo luận về việc chấm dứt cuộc xung đột quân sự giữa Nga và Ukraine.

"Cuối cùng chúng tôi mong đợi được gặp nhau. Trên thực tế, chúng tôi mong đợi rằng ông ấy sẽ đến đây, và tôi sẽ đến đó, và chúng tôi cũng sẽ gặp nhau lần đầu tiên tại Ả Rập Xê-út. Chúng tôi sẽ gặp nhau tại Ả Rập Xê-út, để xem liệu chúng tôi có thể hoàn thành được điều gì đó hay không", ông Trump nói với các phóng viên tại Phòng Bầu dục.

Tổng thống Mỹ Donald Trump (trái) và Tổng thống Nga Vladimir Putin. Ảnh: ITV

Tổng thống Mỹ Donald Trump (trái) và Tổng thống Nga Vladimir Putin. Ảnh: ITV

Thời gian diễn ra cuộc gặp "chưa được ấn định" nhưng sẽ diễn ra trong "tương lai không xa", ông Trump nói thêm. Nhà lãnh đạo Mỹ gợi ý rằng cuộc họp sẽ có sự tham gia của Thái tử Ả Rập Xê-út Mohammed bin Salman (MBS). "Chúng tôi biết thái tử, và tôi nghĩ đó sẽ là một nơi rất tốt để gặp mặt", ông Trump nói.

Người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov hôm 12/2 cho biết rằng ông Putin đã mời ông Trump và các quan chức trong chính quyền của ông ấy đến thăm Moscow để thảo luận về Ukraine.

"Tổng thống Nga đã mời Tổng thống Mỹ đến thăm Moscow và bày tỏ sự sẵn sàng tiếp đón các quan chức Mỹ tại Nga để thảo luận những lĩnh vực mà cả hai bên cùng quan tâm, bao gồm giải quyết vấn đề Ukraine", ông Peskov cho biết.

Cuộc điện đàm giữa người đứng đầu Điện Kremlin và ông chủ mới của Nhà Trắng đánh dấu sự kết thúc cho nỗ lực kéo dài 3 năm của Washington nhằm cô lập Nga và ông Putin, báo hiệu rằng các cuộc thảo luận về lệnh ngừng bắn có thể sớm diễn ra – và Ukraine sẽ tham gia đàm phán dưới áp lực từ bên ủng hộ quân sự lớn nhất của mình.

Ngay sau cuộc điện đàm với ông Putin, ông Trump đã có cuộc trò chuyện kéo dài khoảng một giờ với Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky, Văn phòng của ông Zelensky cho biết.

"Tôi đã có một cuộc trò chuyện có ý nghĩa với @POTUS (Tổng thống Mỹ). Chúng tôi… đã nói về các cơ hội để đạt được hòa bình, thảo luận về sự sẵn sàng hợp tác của chúng tôi… và năng lực công nghệ của Ukraine… bao gồm máy bay không người lái và các ngành công nghiệp tiên tiến khác", ông Zelensky viết trên X/Twitter.

Tổng thống Mỹ cũng tuyên bố các cuộc đàm phán hòa bình sẽ bắt đầu "ngay lập tức" và Ukraine có thể sẽ không lấy lại được các vùng lãnh thổ của mình, làm "dậy sóng" ở cả đôi bờ Đại Tây Dương.

Ông Trump cũng nói với các phóng viên rằng ông đồng ý với Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Pete Hegseth, người trước đó đã phát biểu tại một hội nghị của NATO hôm 12/2 rằng không có khả năng Ukraine gia nhập liên minh quân sự này.

"Tôi nghĩ điều đó có lẽ đúng", ông Trump nói.

Trước đó tại cuộc họp quốc phòng ở Brussels, ông Hegseth đã chỉ ra rằng châu Âu nên đảm nhận hầu hết các trách nhiệm tài chính và quân sự để bảo vệ Ukraine. Ông cũng nhấn mạnh rằng Mỹ không tin rằng tư cách thành viên NATO của Ukraine là kết quả thực tế của một giải pháp đàm phán, và việc khôi phục biên giới của Ukraine về trước năm 2014 là "không thực tế".

Phản ứng trước các bình luận của Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ, Thủ tướng Canada Justin Trudeau hôm 12/2 cho biết rằng Ukraine phải quyết định cách kết thúc cuộc chiến với Nga.

"Chỉ có người Ukraine mới có thể quyết định điều gì là chấp nhận được đối với họ như một kết quả của bất kỳ cuộc đàm phán hòa bình nào", ông Trudeau nói với các phóng viên hôm 12/2 tại Brussels khi kết thúc chuyến thăm châu Âu nhằm mục đích làm sâu sắc thêm mối quan hệ thương mại và quốc phòng của Canada với châu lục này.

Về phần mình, các cường quốc hàng đầu châu Âu đã nhanh chóng lên tiếng, yêu cầu rằng họ phải tham gia vào bất kỳ cuộc đàm phán nào trong tương lai về số phận của Ukraine.

"Mục tiêu chung của chúng tôi là đưa Ukraine vào vị thế mạnh mẽ. Ukraine và châu Âu phải tham gia vào bất kỳ cuộc đàm phán nào", một tuyên bố chung của 7 quốc gia thành viên EU và Ủy ban châu Âu (EC) cho biết.

"Ukraine cần được cung cấp các đảm bảo an ninh mạnh mẽ. Hòa bình ở Ukraine là điều kiện cần thiết cho một nền an ninh xuyên Đại Tây Dương vững mạnh", tuyên bố cho biết, đồng thời nói thêm rằng các cường quốc châu Âu mong muốn thảo luận về con đường phía trước với Mỹ.

Các Bộ trưởng Ngoại giao từ Pháp, Vương quốc Anh, Đức, Ba Lan, Italy, Tây Ban Nha và Ủy ban châu Âu đã gặp Bộ trưởng Ngoại giao Ukraine tại Paris hôm 12/2.

Cuộc họp được lên lịch từ nhiều tuần trước, nhằm mục đích phác thảo chiến lược phòng thủ của khối, thảo luận về cách củng cố Ukraine, lập kế hoạch cho các cuộc đàm phán hòa bình trong tương lai và thảo luận về cách tiếp cận các cuộc đàm phán với chính quyền Mỹ khi họ gặp nhau tại một hội nghị an ninh ở Munich vào cuối tuần này.

Nhưng các nội dung này đã bị "trật bánh" sau khi tân Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ đưa ra những tuyên bố công khai thẳng thắn nhất từ chính quyền Trump về cách tiếp cận của họ đối với cuộc chiến kéo dài gần 3 năm giữa Ukraine và Nga.

Ngoại trưởng Pháp Jean-Noel Barrot, Ngoại trưởng Đức Annalena Baerbock và Ngoại trưởng Tây Ban Nha Jose Manuel Albares đều nhất trí rằng không thể đưa ra quyết định nào "nếu không có Ukraine", trong khi Ngoại trưởng Ba Lan Radoslaw Sikorski nhắc lại nhu cầu tăng cường hỗ trợ cho Ukraine.

Liên Hợp Quốc hoan nghênh các nỗ lực

Liên Hợp Quốc hoan nghênh mọi nỗ lực giải quyết xung đột Ukraine-Nga và coi cuộc điện đàm giữa các nhà lãnh đạo Mỹ và Nga là một "điều tích cực", một phát ngôn viên của Liên Hợp Quốc cho biết hôm thứ Tư.

"Điều chúng tôi đánh giá cao là bất kỳ nỗ lực nào nhằm giải quyết cuộc chiến ở Ukraine có sự tham gia của cả phía Nga và Ukraine. Và rõ ràng là, nếu cả hai bên đều sẵn sàng tham gia vào một tiến trình, thì đó sẽ là một diễn biến đáng hoan nghênh", ông Farhan Haq, phó phát ngôn viên của Tổng thư ký Liên Hợp Quốc Antonio Guterres, cho biết.

"Do tầm quan trọng của Mỹ và Liên bang Nga, Liên Hợp Quốc hoan nghênh mọi nỗ lực giải quyết các vấn đề thông qua liên lạc thường xuyên", vị phát ngôn viên cho biết tại một cuộc họp báo hàng ngày, đồng thời gọi cuộc điện đàm giữa ông Putin và ông Trump là "một điều tích cực".

Khi được hỏi liệu Liên Hợp Quốc có tham gia vào các cuộc đàm phán hay không, ông Haq cho biết: "Chúng tôi sẽ phải xem chúng tôi sẽ phải đóng vai trò gì. Rõ ràng là, như chúng tôi đã nói nhiều lần trong 3 năm qua, Liên Hợp Quốc sẵn sàng đóng vai trò trung gian nếu được các bên yêu cầu".

Minh Đức (Theo Politico EU, CGTN, AsiaOne)

Nguồn Người Đưa Tin: https://nguoiduatin.vn/cuoc-dien-dam-lam-day-song-doi-bo-dai-tay-duong-204250213112027989.htm