Cuộc điều tra về cổ vật Syria tại Đức và sự mong manh của di sản văn hóa trong thời chiến
Cảnh sát ở miền Nam nước Đức đang điều tra một người đàn ông liên quan đến bộ sưu tập đáng ngờ gồm các cổ vật có khả năng đã bị đánh cắp từ một bảo tàng ở Syria vào năm 2015.
Theo thông báo của Cảnh sát Đức hôm 21-2, bộ sưu tập hiện vật đáng ngờ mà đối tượng sở hữu có niên đại từ thời Syria cổ đại, bao gồm 2 tấm bảng chữ hình nêm, một số bức tượng nhỏ “ushabti” - tượng sa thạch nhỏ được chôn trong lăng mộ của các pharaoh và những nhân vật quan trọng khác. Các điều tra viên ở bang Baden-Württemberg, phía Tây Nam nước Đức cho biết, đáng chú ý nhất là tấm bảng được khắc bằng một trong những hệ thống chữ viết được biết đến sớm nhất, có niên đại từ Vương quốc Ebla cổ đại (giai đoạn 2.350-2.250 trước Công nguyên) và có thể đã bị đánh cắp từ một bảo tàng ở Idlib, Syria. Người đàn ông khai đã mua số hiện vật từ một bộ sưu tập đồ cũ ở Bavaria để bán lại, nhưng cảnh sát nhận thấy lời khai không đúng. “Các cuộc điều tra cho thấy trên thực tế, hiện vật này có thể đã được nhập khẩu trái phép vào Đức… sau khi bị đánh cắp khỏi bảo tàng ở Idlib, Syria vào năm 2015”.
Idlib là một trong số ít thành phố và khu vực ở Syria mà chính phủ của Tổng thống Bashar al-Assad vẫn chưa giành được quyền kiểm soát. Phần lớn khu vực đang nằm dưới quyền kiểm soát của nhóm liên kết với tổ chức Hayat Tahrir al-Sham bị Chính phủ Syria gọi là “khủng bố”.
Di sản khảo cổ đặc biệt của Syria đã bị ảnh hưởng nặng nề kể từ khi cuộc nội chiến nổ ra vào năm 2011. Ở một đất nước mà tham nhũng và nạn buôn bán hiện vật khảo cổ là một vấn đề kinh niên, khoảng trống quyền lực hoặc sự kiểm soát của phiến quân và khủng bố ở một số khu vực đã dẫn đến bùng nổ nạn cướp bóc và khai quật bất hợp pháp. Nhóm tự xưng Nhà nước Hồi giáo (IS) đã cố tình phá hủy các hiện vật văn hóa vô giá, càng làm cho tình hình trầm trọng thêm. Nổi bật nhất, IS được cho là đã phát hiện và sau đó phá hủy một kho cổ vật gồm các bức tượng và bảng chữ nêm khi chiếm được Tal Ajaja, một trong những địa điểm quan trọng nhất của người Assyria ở Syria. Giữa bối cảnh xung đột và hỗn loạn này, hoạt động buôn bán bất hợp pháp các đồ tạo tác bị đánh cắp phát triển mạnh mẽ, xóa đi phần nào những chương quan trọng của lịch sử loài người.
Cuộc điều tra ở Đức về bản chất còn liên quan đến câu chuyện rộng hơn về cuộc khủng hoảng người tị nạn ở Syria, với việc Đức trở thành “thiên đường” cho nhiều người chạy trốn khỏi đất nước bị chiến tranh tàn phá trong năm 2015-2016. Khía cạnh chính trị - xã hội này không chỉ mở ra sự dịch chuyển của con người mà còn cả hành trình di chuyển phức tạp của di sản văn hóa. Hành vi trộm cắp và nhập khẩu bất hợp pháp các đồ tạo tác này vào Đức làm nổi lên vấn đề toàn cầu cấp bách: Việc bảo tồn di sản văn hóa trong bối cảnh xung đột và nhu cầu cấp thiết về hợp tác quốc tế để chống buôn bán trái phép tài sản văn hóa bị đánh cắp.
Khi cuộc điều tra ở Heilbronn diễn ra, nó như một lời nhắc nhở rõ ràng về sự mong manh của di sản văn hóa trong thời chiến. Việc truy vết những đồ tạo tác bị đánh cắp này, ngoài ý nghĩa pháp lý trước mắt, còn là nỗ lực đòi lại một phần lịch sử loài người, một minh chứng cho khả năng phục hồi của bản sắc văn hóa trước sự tàn phá của xung đột. Câu chuyện về những cổ vật này, từ khi được tạo ra trong cái nôi của nền văn minh cho đến cuộc hành trình đầy nguy hiểm của chúng trong thế kỷ 21, là một phần cuộc đấu tranh rộng lớn hơn để bảo tồn, nhận dạng và trả lại kỷ vật vô giá bị ảnh hưởng bởi chiến tranh.
Theo DW/BNN