'Cuộc đua chính trị' chưa kết thúc
Nếu ai đó nghĩ rằng những căng thẳng chính trị ở Tây Ban Nha sẽ kết thúc bằng cuộc tổng tuyển cử cuối tuần qua thì sẽ phải suy nghĩ lại. Kết quả sơ bộ cho thấy cuộc bỏ phiếu 'bất phân thắng bại' đang dẫn đến một Quốc hội bị chia rẽ và không có đa số cầm quyền rõ ràng.
Cái khó của lãnh đạo đảng PP
Với 99% số phiếu được kiểm, bảo đảng thủ Nhân dân (PP) của Tây Ban Nha đã giành 136 ghế tại Quốc hội. Đảng Xã hội (PSOE) cánh tả của Thủ tướng Pedro Sanchez đứng thứ hai với 122 ghế. Tiếp đó, đảng cực hữu Vox có 33 ghế trong khi đảng cực tả Sumar có 31 ghế. Tỷ lệ cử tri đi bỏ phiếu là 71,3%, cao hơn so với chỉ 66,2% hồi năm 2019. Với việc không đảng nào giành quá bán, tức 176 ghế trong tổng số 350 ghế Quốc hội, có hai khả năng có thể xảy ra là các đảng phải liên kết với nhau để lập chính phủ liên minh hoặc tổ chức bầu cử lại.
Theo Politico, đảng PP trung hữu tuy giành được nhiều phiếu bầu nhất, nhưng gần như không có đủ ghế để thành lập Chính phủ riêng, hoặc thậm chí với đảng Vox cực hữu, đối tác liên minh ưa thích của đảng này. Nhà lãnh đạo bảo thủ Alberto Núnẽz Feijóo của PP mới đây cho biết, ông sẽ cố gắng thành lập Chính phủ thiểu số vì “không ai muốn phong tỏa Tây Ban Nha”. Ông Feijóo lập luận rằng, xứ sở bò tót luôn nằm dưới sự điều hành của nhà lãnh đạo thuộc đảng giành được nhiều phiếu bầu nhất và khẳng định Chính phủ tương lai cần phải “phù hợp với chiến thắng bầu cử”.
Nhưng ở các nền dân chủ nghị viện như Tây Ban Nha, người đứng đầu Chính phủ không nhất thiết phải là người giành được nhiều phiếu bầu nhất trong cuộc bầu cử, mà là người có thể bảo đảm sự ủng hộ của phần lớn các nghị sĩ. Hiện tại, ông Feijóo chưa nhận được sự ủng hộ cần thiết để việc ứng cử Thủ tướng trở nên khả thi.
Cơ hội của Thủ tướng Sanchez đương nhiệm: khả thi nhưng phức tạp
Trong khi đó, nhà lãnh đạo đảng (PSOE) cánh tả cầm quyền và Thủ tướng đương nhiệm Pedro Sanchez có con đường khả thi, mặc dù cực kỳ phức tạp, để dẫn đến chiến thắng. Đảng PSOE của Thủ tướng Sanchez và đối tác ưa thích - liên minh Sumar cánh tả của Bộ trưởng Lao động Yolanda Díaz, kiểm soát 153 ghế trong Quốc hội. Mặc dù các đồng minh cánh tả khó có thể giành được sự ủng hộ của 176 nghị sĩ cần thiết để ông Sanchez được xác nhận là Thủ tướng trong lần đầu tiên Quốc hội mới bỏ phiếu về vấn đề này, nhưng họ có thể nỗ lực tại vòng bỏ phiếu thứ hai, trong đó ứng cử viên đứng đầu Chính phủ mới phải nhận được nhiều tán thành hơn phản đối. Do đó, ông Sanchez sẽ phải nhanh chóng hành động để chứng minh nỗ lực duy trì quyền lực của mình.
Theo lịch trình, Quốc hội Tây Ban Nha sẽ được triệu tập lại ngày 17.8 tới, khi các nghị sĩ mới sẽ tuyên thệ nhậm chức. Nhưng một khi Quốc hội họp trở lại, ông Sanchez sẽ phải vượt qua rào cản ban đầu của Hoàng gia. Trong những ngày sau khi bắt đầu phiên họp Quốc hội mới, vua Felipe VI của Tây Ban Nha sẽ triệu tập lãnh đạo của các nhóm chính trị để tham vấn tại Cung điện Zarzuela và hỏi ý kiến họ về người có khả năng nhận được nhiều ủng hộ nhất để thành lập Chính phủ.
Ông Feijóo sẽ phải nhanh chóng lấy được nhiều nhất sự ủng hộ, ông nói, với tư cách là lãnh đạo của đảng nhận được nhiều phiếu bầu nhất, ông nên được chỉ định là ứng cử viên cho chức Thủ tướng tiếp theo. Tuy nhiên, ông Pablo Simon, nhà khoa học chính trị tại Trường Đại học Carlos III của Madrid cho biết, Thủ tướng Tây Ban Nha thực sự luôn là chính trị gia thuộc đảng giành được nhiều phiếu bầu nhất trong cuộc bầu cử, trách nhiệm của Nhà vua là giao việc thành lập Chính phủ mới cho bất kỳ nhà lãnh đạo nào có thể chứng minh họ có đủ ủng hộ để vượt qua các cuộc bỏ phiếu quan trọng trong Quốc hội Tây Ban Nha.
Theo ông Pablo Simon, Nhà vua sẽ thận trọng và tuân theo các quy tắc được quy định trong Hiến pháp, nói cách khác, Nhà vua sẽ yêu cầu thành lập Chính phủ từ người có khả năng ứng cử. Vì vậy, ông Sanchez sẽ cần bảo đảm rằng khi xuất hiện tại Cung điện Zarzuela, ông sẽ có trong tay danh sách những người ủng hộ thuyết phục, cho thấy một số nhà lãnh đạo đảng khác sẵn sàng ủng hộ việc ứng cử của ông.
Nếu ông Sanchez thành công và được Nhà vua chỉ định là ứng cử viên trở thành Thủ tướng tiếp theo của Tây Ban Nha, ông sẽ có vài tuần để đàm phán với những người ủng hộ tiềm năng. Năm 2019, ông từng cố gắng thành lập chính phủ liên minh cánh tả đầu tiên của Tây Ban Nha bằng cách đạt được thỏa thuận với các đảng trong khu vực ủng hộ việc ông trở thành Thủ tướng để đổi lấy những nhượng bộ dưới dạng cơ sở hạ tầng như đường sắt hoặc bệnh viện mới.
Nhưng trong các cuộc bầu cử có tính đặt cược cao đó, các cử tri đã chọn ủng hộ các đảng lớn hơn và những đảng nhỏ hơn như phong trào công dân Teruel Existe - vốn là chìa khóa dẫn đến chiến thắng của ông Sanchez vào năm 2019 - đã mất ghế trong Quốc hội. Lần này, ông Sanchez sẽ cần các nhóm ly khai xứ Basque và Catalan như EH Bildu và Cánh tả Cộng hòa Catalonia bỏ phiếu ủng hộ việc ứng cử Thủ tướng của ông. Ngoài ra, ông cũng sẽ cần thuyết phục Junts - đảng do cựu Thủ hiến Catalan Carles Puigdemont thành lập - không bỏ phiếu chống lại ông.
Mặc dù Chính phủ liên minh cánh tả của ông Sanchez đã tìm cách hàn gắn quan hệ và có cách tiếp cận mềm mỏng hơn với những người ly khai xứ Catalan trong suốt 4 năm qua, nhưng các mối quan hệ này hoàn toàn không phải là lý tưởng. Ông Puigdemont đang sống lưu vong tại Bỉ sau cuộc trưng cầu dân ý về độc lập của xứ Catalan năm 2017. Chính trị gia này, hiện là thành viên của Nghị viện châu Âu, gần đây đã bị một tòa án hàng đầu của EU tước bỏ quyền miễn trừ pháp lý, mở đường cho việc dẫn độ ông sang Tây Ban Nha.
Cuối tuần qua, ứng cử viên của Junts, Míriam Nogueras nói với báo chí rằng, đảng của bà đã “hiểu kết quả” và sẽ “tận dụng cơ hội”. Nhưng bà báo hiệu các cuộc đàm phán với đảng PSOE sẽ không dễ dàng và một kết quả tích cực không có nghĩa là chắc chắn.
Nếu ông Sanchez được yêu cầu thành lập Chính phủ nhưng không giành được sự ủng hộ cần thiết trong Quốc hội, Tây Ban Nha sẽ tiến hành một cuộc bầu cử mới. Nhà vua có nghĩa vụ phải giải tán cơ quan lập pháp hai tháng sau cuộc bầu cử đầu tiên thất bại và một cuộc bầu cử mới phải được tổ chức 54 ngày sau khi cơ quan lập pháp kết thúc. Vì vậy, cử tri Tây Ban Nha có khả năng sẽ đi bỏ phiếu lại vào cuối năm nay hoặc nhiều khả năng là vào đầu năm 2024.
Trong quãng thời gian dài đó, ông Sanchez sẽ tiếp tục là Thủ tướng tạm quyền với quyền hạn hạn chế: không có luật mới nào có thể được thông qua trừ trường hợp khẩn cấp. Trong khi ông Sanchez đang trên đà trở thành Thủ tướng của Tây Ban Nha trong tương lai gần, thì tương lai của lãnh đạo đảng PP Feijóo lại ít rõ ràng hơn. Mặc dù thuộc đảng giành được nhiều phiếu bầu nhất, ông có thể đã không hoàn thành sứ mệnh của mình.
Những tuần tới sẽ rất quan trọng đối với chính trị Tây Ban Nha, khi đất nước này đang cố gắng thành lập một Chính phủ ổn định. Người dân ở đây đang tập trung vào các nhà lãnh đạo chính trị khi họ đang cố gắng sắp xếp để lèo lái Tây Ban Nha theo hướng rõ ràng và thống nhất.