Cuộc đua khai thác đất hiếm ngày càng 'nóng'
Trung Quốc hiện thống trị thế giới về đất hiếm khi chiếm tới 90% sản lượng...

Hoạt động tại mỏ đất hiếm của MP Materials ở Mountain Pass, California - Ảnh: Reuters
Công ty đất hiếm MP Materials mới đây ký biên bản ghi nhớ với công ty khai khoáng Maaden của Saudi Arabia để hợp tác “khai phá” phát triển ngành công nghiệp đất hiếm tại Saudi Arabia.
Biên bản ghi nhớ được ký kết vào ngày 14/5 trong bối cảnh công ty khai thác đất hiếm hàng đầu của Trung Quốc Shenghe Resources - một nhà đầu tư chiến lược của MP - cũng vừa thông báo sẽ mua lại công ty khai thác Peak Rare Earths của Australia.
Hai diễn biến trên cho thấy sức nóng ngày một gia tăng trên đường đua tìm kiếm nguồn cung đất hiếm, khi mà Trung Quốc đang nỗ lực đảm bảo nguyên liệu đất hiếm cho các ngành công nghiệp chủ chốt của mình, còn các quốc gia khác nỗ lực tìm kiếm nguồn cung thay thế cho đất hiếm Trung Quốc.
Thỏa thuận giữa MP-Maaden được ký kết bên lề Diễn đàn đầu tư Mỹ-Saudi 2025 - sự kiện có sự tham dự của Tổng thống Mỹ Donald Trump. Nhà Trắng cho biết sau các cuộc đàm phán trong chuyên thăm của ông Trump, Saudi Arabia đã đồng ý đầu tư 600 tỷ USD vào Mỹ.
Trong thông cáo chung, MP và Maaden cho biết hai bên “đặt mục tiêu tìm kiếm các cơ hội để cùng phát triển chuỗi cung ứng đất hiếm tích hợp theo chiều dọc tại Saudi Arabia", bao gồm khai thác, phân tách, tinh chế và sản xuất nam châm.
Đất hiếm là 17 nguyên tố được sử dụng trong nhiều công nghệ hiện đại, bao gồm nam châm mạnh dùng trong xe điện, tua bin gió và hệ thống phòng thủ như bộ truyền động trên tên lửa và động cơ nhỏ cung cấp năng lượng cho máy bay không người lái. MP hiện vận hành Mountain Pass, mỏ đất hiếm duy nhất tại Mỹ.
Ông James Litinsky, CEO MP, cho biết biên bản ghi nhớ hợp tác giữa hai bên là “bước đầu tiên quan trọng hướng tới việc tái cân bằng chuỗi cung ứng toàn cầu ở thời điểm tăng trưởng bước ngoặt nhờ các công nghệ mới nổi”.
Về phần mình, ông Bob Wilt, CEO của Maaden, cho biết công ty muốn tạo ra một “trung tâm” đất hiếm để hỗ trợ các ngành sản xuất công nghệ cao tại Saudi Arabia. Hiện tại, quốc gia Trung Đông nỗ lực đa dạng hóa nền kinh tế khỏi dầu mỏ.
“Trong bối cảnh chúng tôi đang thúc đẩy xây dựng ngành khai khoáng trở thành trụ cột thứ ba của nền kinh tế Saudi Arabia, đây là một bước không thể thiếu trong việc thăm dò và phát triển khoáng sản nhằm thúc đẩy tăng trưởng kinh tế và công nghiệp cho Vương quốc này", ông Wilt phát biểu.
Theo tờ báo Nikkei Asia, Trung Quốc hiện thống trị thế giới về đất hiếm khi chiếm tới 90% sản lượng. Với một số kim loại đất hiếm nặng như dysprosi và terbi, thị phần của nước này lên tới 99%. Đây là hai nguyên tố quan trọng cho sản xuất công nghệ năng lượng sạch, thiết bị quân sự và các ngành công nghiệp công nghệ cao khác.
Trung Quốc hiện cũng chiếm hơn 90% nam châm đất hiếm toàn cầu, thống trị khâu chế biến và tinh chế vật liệu này. Đây là một lợi thế của Bắc Kinh trong bối cảnh căng thẳng thương mại với Mỹ.
Vào ngày 4/4, Trung Quốc áp đặt lệnh cấm xuất khẩu với 7 kim loại đất hiếm nặng có thể dùng trong cả lĩnh vực dân sự và quân sự, một động thái gần như đóng băng hoạt động xuất khẩu nam châm của nước này. Thỏa thuận đình chiến thương mại giữa hai nước gần đây làm dấy lên hy vọng rằng việc cấp phép xuất khẩu sẽ nhanh chóng được khôi phục. Bắc Kinh ngày 14/5 thông báo dỡ bỏ lệnh cấm xuất khẩu đất hiếm cho 28 công ty Mỹ trong vòng 90 ngày.
Giá cổ phiếu MP Materials đã tăng 1,5% trong phiên giao dịch ngày 14/5 sau thông báo hợp tác với công ty Saudi Arabia, sau thời gian dài khó khăn với mức lỗ ròng quý 1 là 22,6 triệu USD do chi phí tăng.
Trong khi đó, Shenghe là một trong những công ty quan trọng nhất thế giới về đất hiếm. Vào cuối ngày 14/5, công ty này thông báo sẽ mua lại 100% công ty Peak Rare Earths - hiện niêm yết tại Australia với giá gần 97 triệu USD.
Peak Rare Earths hiện đang vận hành mỏ khoáng sản Ngualla, nơi khai thác tại bastnaesite - một khoáng chất chứa đất hiếm - tại Tanzania.
Năm ngoái, Shenghe cũng mua lại công ty khai khoáng Strandline Resources UK với giá gần 28 triệu USD từ Strandline Resources - một công ty hiện niêm yết tại Australia. Thương vụ này mang lại cho công ty Trung Quốc quyền kiểm soát 84% cổ phần tại dự án đất hiếm Nyati Mineral Sands ở Tanzania.
Nguồn VnEconomy: https://vneconomy.vn/cuoc-dua-khai-thac-dat-hiem-ngay-cang-nong.htm