Cuộc đua phát triển loại vaccine chống mọi loại coronavirus

Loài người đang mơ tới một mũi tiêm có thể bảo vệ trước mọi biến thể, đột biến của coronavirus, thậm chí cả những đột biến trong tương lai. Tuy nhiên, điều đó chẳng hề dễ dàng.

Vaccine coronavirus phổ biến - Tương lai còn xa?

Vaccine coronavirus phổ biến

Hạ tuần tháng 10/2021, Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Mỹ (CDC) cho phép hầu hết dân số nước này được tiêm mũi vaccine COVID-19. Hai ngày sau, Chính phủ Anh thông báo về sự xuất hiện của Delta-plus, một biến thể mới chiếm 6% các trường hợp mắc COVID-19 mới ở Anh, thậm chí nó lây nhiễm nhiều hơn so với biến thể Delta.

Dịch bệnh với những đợt tấn công liên tiếp này khiến các nhà khoa học đặt câu hỏi: Chúng ta có thể làm gì để khiến tình trạng này dừng lại?. Phiên bản SARS-CoV-2 hiện nay, hoặc biến thể được cho là có thể thoát khỏi sự bảo vệ của vaccine hiện có ... có thể xuất hiện và gây ra đại dịch mới.

Một số bài báo và báo cáo được xuất bản trong 6 tháng qua đề xuất một loại "vaccine coronavirus phổ biến" có thể bảo vệ chống lại toàn bộ họ virus này. Tuy nhiên, đó là một dự án phức tạp, và chưa có nhóm khoa học nào tới gần mục tiêu.

Các loại vaccine phổ biến chống lại các bệnh biến đổi gen, tái phát khác — đặc biệt là bệnh cúm — đã được theo đuổi nhưng không thành công trong nhiều năm qua.

SARS-CoV-2 là loại coronavirus thứ ba gây ra đại dịch lớn nhất cho con người trong vòng hai thập kỷ qua, sau dịch SARS vào năm 2003 và dịch MERS vào năm 2012. Lịch sử dịch tễ cho thấy đã có những đợt nhiễm coronavirus trong thế kỷ 19, 20 và có thể qua hàng thiên niên kỷ. Có thể hàng nghìn coronavirus chưa được xác định đang ẩn náu trong dơi, động vật hoang dã và động vật thuần hóa, sẵn sàng gây ra các đợt dịch bệnh tiếp theo.

Nhà nghiên cứu miễn dịch học về virus Pablo Penaloza-MacMaster thuộc ĐH Northwestern (Anh) cho biết: "Chúng tôi muốn sẵn sàng cho đại dịch tiếp theo và cách để làm điều đó là chuẩn bị."

Thách thức lớn

Để tạo ra một loại vaccine chống lại nhiều loại, chủng hoặc biến thể của virus, các nhà nghiên cứu phải tìm ra một số đặc điểm mà tất cả chúng đều có chung và hệ thống miễn dịch của con người phản ứng. Sau đó, các nhà khoa học phải kết hợp tính năng đó vào vaccine.

Cụ thể, với bệnh cúm, việc tìm kiếm một loại vaccine cúm phổ biến hiện đang được chuyển theo hướng đưa sự chú ý của hệ thống miễn dịch chuyển từ phần bề mặt nhiều biến đổi của protein sang phần gốc ít biến đổi hơn. Nghiên cứu này vẫn được coi là hứa hẹn trong vài thập kỷ tới nhưng vẫn chưa xác định được thời điểm thành công. Vaccine cúm phổ biến đầu tiên được thử nghiệm Giai đoạn III vào năm 2018, song đã thất bại trong cuộc thử nghiệm hai năm sau đó.

Nhà nghiên cứu miễn dịch học David Martinez thuộc Đại học Bắc Carolina nhận định: "Tôi nghĩ rằng triển vọng về một loại vaccine phổ biến chống coronavirus có thể dễ dàng đạt được hơn".

Các nhà nghiên cứu từ Đậi học (ĐH) UNC, ĐH Duke và ĐH Pennsylvania (Mỹ) đã tạo ra một loại vaccine mRNA chimeric và đã chứng minh — ở chuột — rằng công thức này có thể tạo ra sự bảo vệ chéo chống lại nhiều virus cùng họ.

Một nhóm các nhà khoa học do Viện Nghiên cứu Quân đội Walter Reed (Mỹ) dẫn đầu vừa công bố một phương pháp tiếp cận hạt nano tương tự vào tháng 9/2021, và đang thử nghiệm trên khỉ.

Cũng giống như những nỗ lực chế tạo vaccine cúm phổ thông, các nhà nghiên cứu theo đuổi một loại vaccine phổ biến cho coronavirus phải cân bằng giữa các yếu tố sinh miễn dịch và yếu tố gây phản ứng của vaccine.

Hầu hết tất cả những nỗ lực trên mới chỉ là bằng chứng cho khái niệm vaccine coronavirus phổ thông- đầy hứa hẹn, vẫn còn rất nhiều việc cần làm.

Để tiến gần hơn đến một loại vaccine coronavirus phổ thông mới dành cho người, các nhà nghiên cứu cần phải đối mặt với một số câu hỏi như liệu mục tiêu của vaccine có phải là ngăn ngừa tất cả nguy cơ nhiễm trùng và lây truyền hay không, hay chỉ nguy cơ bệnh nặng và tử vong.

Các nhà khoa học cũng sẽ phải dự đoán nhánh nào của họ coronavirus có thể gây ra mối đe dọa tiếp theo và xác định xem liệu khả năng bảo vệ của vaccine có thể kéo dài đến mức đó hay không.

Có rất nhiều loại virus có khả năng lây lan sang người và gây ra các đợt dịch bệnh bùng phát rộng lớn. Vì vậy, cần sự quan tâm để phát triển các biện pháp đối phó y tế chống lại các đợt dịch và các bệnh truyền nhiễm khác.

Hà Anh (Theo Wired)

Nguồn SK&ĐS: https://suckhoedoisong.vn//cuoc-dua-phat-trien-loai-vaccine-chong-moi-loai-coronavirus-169211103141845405.htm