Cuộc đua taxi bay trên bầu trời mở

Taxi bay, hay còn gọi là eVTOL (electric vertical take-off and landing) như một giải pháp đầy hứa hẹn để giải quyết tắc nghẽn giao thông đô thị cùng khả năng di chuyển nhanh chóng và không gây ô nhiễm. Với cuộc đua của nhiều công ty công nghệ hàng đầu trên thế giới, taxi bay đang dần được hiện thực hóa.

Taxi bay sẽ giải quyết nhiều vấn đề

Ôtô bay, taxi bay đang nổi lên như giải pháp trong tương lai giúp giải quyết tắc nghẽn giao thông, chúng được gọi với cái tên eVTOL (electric vertical take-off and landing). Taxi bay hay eVTOL hiểu đầy đủ là phương tiện cất hạ cánh thẳng đứng bằng điện, có thể được sử dụng làm taxi hàng không, phương tiện vận chuyển hàng hóa, cứu hộ, cứu nạn, ứng phó y tế cũng như phương tiện cá nhân… Giống như tên gọi, các phương tiện eVTOL cất hạ cánh thẳng đứng giống như máy bay trực thăng thường làm và bay như máy bay truyền thống.

Máy bay cất cánh và hạ cánh thẳng đứng bằng điện (eVTOL) có thể hoạt động như một dịch vụ taxi hàng không.

Máy bay cất cánh và hạ cánh thẳng đứng bằng điện (eVTOL) có thể hoạt động như một dịch vụ taxi hàng không.

Năm 1886, Carl Benz phác thảo ra ý tưởng một phương tiện chạy bằng động cơ xăng. Từ đó chiếc ôtô đầu tiên ra đời. Đến nay, cấu trúc, thiết kế của ôtô liên tục được thay đổi để trở nên an toàn và hợp thời hơn. Nhưng ôtô chỉ có thể hoạt động dưới mặt đất. Đến năm 1903, một phương tiện bay đã được thử nghiệm, mở ra phương thức di chuyển mới. Đó là tiền thân của máy bay hiện đại. Suốt thế kỷ 20, máy bay và ôtô chủ yếu được phát triển riêng rẽ, nhưng một số ý tưởng kết hợp giữa hai loại phương tiện này tên là ôtô bay đã được nghiên cứu.

Nguyên mẫu ôtô bay ra đời năm 1946, vốn được phát triển cho một dự án quân sự bí mật của Mỹ cuối những năm 1950. Không còn là viễn cảnh khoa học viễn tưởng, công nghệ này đang tiến gần hơn tới hiện thực khi các công ty công nghệ hàng đầu như tại Mỹ dẫn đầu cuộc đua phát triển eVTOL.

Theo AP, taxi bay (eVTOL) là loại máy bay cất và hạ cánh thẳng đứng bằng điện, nó có thể bay với tốc độ lên đến 200 dặm (322 km) một giờ, với phạm vi khoảng 100 dặm (161 km). Suốt quá trình vận hành, những chiếc eVTOL không gây ra tiếng ồn quá mức như trực thăng chạy bằng nhiên liệu và máy bay nhỏ. Bởi, thay vì sử dụng cánh quạt lớn, taxi bay thường dùng những cánh quạt nhỏ giúp chúng hoạt động tạo ra ít tiếng ồn hơn, nhỏ gọn và phù hợp khi hoạt động trong các khu vực dân cư - nơi trực thăng thường bị cấm. Chính vì vậy, điểm cộng của loại phương tiện này là không phát thải, giúp giảm tắc nghẽn giao thông, đẩy nhanh quá trình đi lại. Chúng cũng được đề xuất để hoạt động như các "shipper giao hàng", di chuyển giữa các sân bay hoặc thay thế dịch vụ xe cứu thương.

Theo Washington Post, giáo sư kỹ thuật cơ khí và hàng không vũ trụ tại Đại học California - Seongkyu Lee nhận định: “Taxi bay sẽ thay đổi cách mọi người di chuyển trong khu vực đô thị. Tuy nhiên đến nay, chưa có cuộc thảo luận nghiêm túc nào được diễn ra về nội dung dùng taxi bay như phương tiện cá nhân, hoạt động giống xe gia đình”.

Cũng theo trang này, Cục Hàng không Mỹ (FAA) đã công nhận taxi bay cũng như hoàn thiện các quy tắc đào tạo, cấp chứng chỉ phi công cho loại máy bay này. Trong thông báo vào cuối tháng 10/2024, FAA cho biết việc cấp chứng chỉ và hoàn thiện quy tắc đào tạo là bước quan trọng cuối cùng nhưng cần thiết để đưa taxi bay vào hoạt động an toàn. Cục cũng cho biết taxi bay sẽ "sớm xuất hiện trên bầu trời" nước Mỹ. Theo đó, hiện tại, hầu hết taxi bay tại Mỹ đều do phi công điều khiển, tuy nhiên các kỹ sư và chuyên gia đưa ra dự kiến, trong tương lai chúng sẽ là loại máy bay tự lái.

Joby Aviation - một trong những nhà phát triển taxi bay hàng đầu ở Mỹ, trụ sở tại bang California, đã ký hợp đồng trị giá 131 triệu USD với không quân Mỹ. Hãng dự kiến ra mắt dịch vụ đi chung xe đầu tiên tại UAE vào 2026 và hoạt động trong Thế vận hội mùa hè 2028 tại Los Angeles. Taxi bay của hãng này có đạt vận tốc hơn 320 km/h, quãng đường bay tối thiểu cần sạc pin là 160 km. Loại máy bay tầm thấp này có thể bay cao hơn 3 km so với mực nước biển, thấp hơn nhiều so với một số loại máy bay trực thăng.

“Chúng tôi muốn biến những chuyến đi hiện tại kéo dài một, hai giờ thành những chuyến đi chỉ mất 5 phút bằng eVTOL”, JoeBen Bevirt - CEO Joby Aviation - công ty khởi nghiệp chuyên sản xuất taxi bay điện có trụ sở tại California (Mỹ) chia sẻ với AP. Theo tính toán của Joby Aviation, nhờ việc tốc độ bay của eVTOL không bị cản trở, nên nó có thể vận chuyển tối đa 4 hành khách của Hãng hàng không Delta Air Lines cùng một lúc, từ các sân bay ở khu vực New York đến Manhattan trong khoảng 10 phút hoặc ít hơn. Các chuyên gia tin tưởng rằng, trong tương lai, công nghệ phát triển sẽ giúp taxi bay chở nhiều hành khách hơn, giảm thời gian mỗi lần sạc.

Theo FAA, chứng nhận bay của taxi bay tương tự trực thăng, chúng được đáp tại các sân bay trực thăng và dân dụng. Hiện tại, Mỹ có hơn 5.000 sân bay dân dụng. Hãng Joby kỳ vọng có thể bắt đầu định giá dịch vụ taxi bay tương đương Uber Black (dịch vụ dùng xe cao cấp). Một số công ty khác tại Mỹ cũng đang phát triển taxi bay, bao gồm: Joby, Archer Aviation và Wisk Aero. Cụ thể, Wisk Aero - công ty chế tạo taxi bay chạy điện của “gã khổng lồ” Boeing và Larry Page (người đồng sáng lập Google) cũng đang đi đầu trong cuộc đua đưa taxi bay ra thị trường Mỹ. Archer Aviation - một công ty có trụ sở tại Thung lũng Silicon Mỹ được hãng sản xuất ôtô Stellantis và United Airlines hậu thuẫn đã thử nghiệm thành công eTVOL của riêng mình.

Archer Aviation đã đạt được thỏa thuận bán 200 taxi bay của mình cho Hãng hàng không United Airlines, trị giá của đơn hàng này có thể lên tới 1 tỷ USD, chưa bao gồm các tùy chọn nâng cấp.

Đặc biệt, sau khi Cục Hàng không liên bang Mỹ (FAA) công bố quy định mới đối với loại máy bay cất cánh và hạ cánh theo phương thẳng đứng "powered-lift" vào 22/10/2024, ngành taxi bay đã chính thức được mở lối để hoạt động trên bầu trời. Ngoài Mỹ, Trung Quốc cũng đang nỗ lực biến taxi bay thành hiện thực. Cụ thể, vào hồi tháng 6/2024, EHang, nhà sản xuất taxi bay eVTOL, cho biết công ty đầu tư du lịch sinh thái Taiyuan Xishan đã đặt hàng mua 50 máy bay không người lái EH216-S với giá 113 triệu tệ (gần 16 triệu USD) để chở du khách.

Tiếp đó, Taiyuan Xishan, công ty thuộc nhà nước ở Sơn Đông, thủ phủ tỉnh Sơn Tây, ký thêm thỏa thuận mua 450 taxi bay trong hai năm tiếp theo để thúc đẩy du lịch và các ngành công nghiệp liên quan. Đến tháng 10/2024, công ty EHang đã được cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện bay từ Cục Hàng không dân dụng Trung Quốc, cho máy bay không người lái EH216-S chở hai hành khách. Thỏa thuận mua bán này được đưa ra ngay sau khi chính phủ hoạch định kế hoạch thúc đẩy chi tiêu trong du lịch nhằm kích cầu nền kinh tế tiêu dùng quốc gia.

eVTOL do Joby Aviation chế tạo có thể vận chuyển tối đa 4 hành khách.

eVTOL do Joby Aviation chế tạo có thể vận chuyển tối đa 4 hành khách.

Ủy ban Phát triển và Cải cách Trung Quốc cho biết các tổ chức, doanh nghiệp trong lĩnh vực văn hóa, du lịch nên được khuyến khích sử dụng nguồn quỹ riêng để chủ động nâng cấp thiết bị, cải thiện chất lượng dịch vụ. Không chỉ có Mỹ hay Trung Quốc, một số quốc gia khác trên thế giới cũng đang nghiên cứu, phát triển taxi bay. Tại Đức, Volocopter và Lilium GmbH đang nghiên cứu các loại máy bay tương tự. Ngoài ra, Vertical Aerospace ở Anh hay Eve Air Mobility ở Brazil cũng đang phát triển mô hình này… Đặc biệt, các tập đoàn lớn của Hàn Quốc cũng đã hợp tác với các nhà sản xuất của Mỹ về lĩnh vực này. Chính phủ Hàn dự kiến chỉ định đảo Jeju - điểm du lịch nổi tiếng sẽ là nơi thử nghiệm dịch vụ taxi bay.

Tại Việt Nam, vào tháng 10/2024, UBND Bình Định đề xuất Bộ Giao thông - Vận tải xem xét, báo cáo và kiến nghị Thủ tướng cho chủ trương xây dựng đề án thí điểm taxi bay. Bình Định đánh giá taxi bay eVTOL độc đáo, đột phá và tăng trải nghiệm du khách, là phương tiện vận chuyển lý tưởng để khách tham quan, du lịch có thể quan sát, ngắm nhìn vẻ đẹp thiên nhiên từ trên cao.

Vẫn còn nhiều rào cản

Taxi bay nhận được sự ủng hộ không chỉ nhờ giải pháp cho ùn tắc giao thông mà đây là phương tiện sử dụng năng lượng xanh, thay thế sạch hơn cho máy bay phản lực đốt nhiên liệu hóa thạch để chở khách. Mặc dù vậy, để mô hình này được phát triển rộng rãi vẫn còn gặp không ít khó khăn. Bởi trên thực tế, đến nay taxi bay là loại hình vận tải hoàn toàn mới trên toàn cầu. Liên quan lĩnh vực hàng không, thế giới có những tiêu chuẩn chung vô cùng khắt khe, vì phương tiện bay, nhất là phương tiện bay chở người; phải đáp ứng những thiết kế kỹ thuật nghiêm ngặt, phòng tránh tối đa những sự cố xảy ra gây hệ lụy cho cả không trung và mặt đất.

Hành trình đưa taxi bay lên bầu trời còn nhiều khó khăn.

Hành trình đưa taxi bay lên bầu trời còn nhiều khó khăn.

Theo báo cáo từ tháng 3/2024 của các chuyên gia an toàn hàng không thuộc Công ty Ebeni (Anh) đã đưa ra các lo ngại. Họ nhận xét: “Pin lithium-ion có thể bắt lửa, đặc biệt là sau khi bị hư hỏng hoặc tốc độ sạc cao. Hoạt động ở độ cao thấp và trong khu vực đô thị cũng có nghĩa khả năng va chạm với chim ngày càng cao. Vì vậy các nhà sản xuất phải cân nhắc đến tác động của hư hỏng, đặc biệt là chung quanh pin và các bộ phận nâng đẩy”. Thêm vào đó, với chi phí sản xuất vẫn còn đắt đỏ (một số mẫu hơn 1 triệu USD), khó có khả năng hành khách bình thường có thể chi trả cho taxi bay. Có nhiều ý kiến cho rằng, loại taxi bay này chỉ thích hợp cho những người có thu nhập cao. Hai rào cản chính để các hãng sản xuất taxi bay và những công ty vận hành loại phương tiện này vượt qua để giành được sự tin tưởng của hành khách, cũng như nhận được sự chấp thuận hoàn toàn từ các cơ quan quản lý về an toàn hàng không.

Tại Mỹ, taxi bay được nhận định là vẫn còn nhiều rào cản trước khi các chuyến taxi bay thương mại được cấp chở khách. Do đó, nhiều khả năng Dubai có thể là nơi đầu tiên khai thác thương mại eVTOL vào cuối năm 2025, trước cả Mỹ và Trung Quốc. “Đây là công việc khó khăn để phát triển một loại phương tiện hoàn toàn mới như eVTOL”, Adam Lim - Giám đốc của Alton Aviation, công ty theo dõi sự phát triển của ngành taxi bay - cho biết.

Lim cũng nói thêm rằng, hành trình đưa taxi bay lên bầu trời giống như quá trình bò, đi, chạy của con người và hiện tại ngành này đang ở mức bò và 2 - 3 năm tới sẽ đi, rồi đến chạy. Giá taxi bay chắc chắn sẽ cao hơn đáng kể so với chi phí đi taxi sân bay bình thường. Sự khác biệt ở đây là eVTOL có thể vận chuyển số lượng hành khách nhiều hơn, và nhanh hơn rất nhiều so với các phương tiện mặt đất hay bị kẹt xe khi đi theo cả hai chiều.

Được biết, cả Joby Aviation và Archer Aviation đều đã lên sàn chứng khoán Mỹ từ năm 2021, thông qua thỏa thuận sáp nhập. Điều này giúp các công ty có thêm nguồn huy động vốn và thu hút nhân tài công nghệ. Tuy nhiên, không có thỏa thuận hay tiến bộ công nghệ nào ngăn chặn được tình trạng thua lỗ chồng chất tại các công ty chế tạo eVTOL.

Minh chứng là kể từ khi thành lập năm 2009 đến nay, Joby Aviation đã chịu khoản lỗ 1,6 tỷ USD; còn Archer "tích lũy" khoản lỗ gần 1,5 tỷ USD kể từ khi ra đời năm 2018. Điều này khiến hai công ty được định giá khá thấp trên thị trường công nghệ, trong đó Joby ở mức khoảng 7 tỷ USD và Archer là 6 tỷ USD. Do đó, cả hai công ty đều đang cố gắng tạo ra doanh thu bằng cách mời gọi quân đội Mỹ mua eTVOL để giao hàng và thực hiện các nhiệm vụ tầm ngắn.

CEO của Joby là Bevirt vẫn tin tưởng rằng eVTOL sẽ thay đổi cách thế giới di chuyển, bởi việc ngắm nhìn thế giới từ trên không sẽ tuyệt hơn là ngồi trong những chiếc xe bị tắc đường. “Bạn sẽ thấy những xa lộ trên bầu trời,” Adam Goldstein - Tổng Giám đốc điều hành Archer Aviation - nói và bày tỏ tham vọng sẽ có hàng trăm, hàng nghìn eVTOL ở nhiều thành phố, eVTOL sẽ thay đổi quy hoạch các thành phố.

Hồng Giang

Nguồn ANTG: https://antg.cand.com.vn/khoa-hoc-ky-thuat-hinh-su/cuoc-dua-taxi-bay-tren-bau-troi-mo-i758646/