Cuộc đua tiền điện tử trên toàn cầu đã được kích hoạt?
Tiền điện tử đang hứa hẹn sẽ đóng vai trò trung tâm trong chính sách kinh tế của ông Donald Trump trong nhiệm kỳ Tổng thống Mỹ lần thứ hai.
Trang mạng The Conversation vừa đăng bài phân tích về khả năng ông Donald Trump sẽ kích hoạt một cuộc chạy đua vũ trang về tiền điện tử, khiến trật tự kinh tế toàn cầu có thể bị định hình lại bằng kế hoạch dự trữ bitcoin chiến lược của Mỹ.
Theo bài viết, tiền điện tử đang hứa hẹn sẽ đóng vai trò trung tâm trong chính sách kinh tế của ông Trump trong nhiệm kỳ Tổng thống Mỹ lần thứ hai. Có thể thấy đề xuất gây tranh cãi nhất của ông Trump là việc tạo ra một quỹ dự trữ bitcoin chiến lược (SBR). Điều này sẽ liên quan đến việc Mỹ mua một lượng lớn tiền điện tử trong những năm tới để làm dự trữ, tương tự như với kho dự trữ dầu mỏ chiến lược quốc gia.
Nhưng đã có cuộc tranh luận giữa những người ủng hộ kế hoạch này và những người hoài nghi như Chủ tịch Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) Jerome Powell. Các câu hỏi lớn về chính trị đang tập trung vào việc SBR sẽ như thế nào và liệu ông Trump có thể thực hiện được đề xuất này hay không.
Mặc dù vậy, vẫn có khả năng sẽ có một ý tưởng lớn hơn đang diễn ra – một sự thay đổi đáng kể trong trật tự kinh tế toàn cầu, nơi những nhân tố mới và hình thức tiền tệ mới bắt đầu đóng một vai trò ngày càng lớn hơn.
Người ủng hộ chính của SBR, Thượng nghị sĩ đảng Cộng hòa Cynthia Lummis, đã đề xuất rằng Mỹ nên mua 200.000 bitcoin mỗi năm trong vòng 5 năm tới. Nhưng bước đi đầu tiên có nhiều khả năng hơn là đưa 207.000 bitcoin mà Mỹ đã nắm giữ vào kho dự trữ của Bộ Tài chính nước này. Bất kỳ giao dịch mua bitcoin lớn nào khác đều sẽ cần phải thay đổi luật và phải nhận được sự chấp thuận của Bộ Tài chính Mỹ, nơi đang phản đối kế hoạch trên.
Về câu hỏi liệu ông Trump có thể thực hiện cam kết của mình hay không sẽ phụ thuộc vào việc SBR ở cấp liên bang có giành đủ được số phiếu của Hạ viện hay không. Hiện đã có 13 bang của Mỹ đang tích cực xem xét hoặc đã đề xuất luật để thành lập SBR.
Về mặt kinh tế, một trong những lập luận chính là liệu SBR có thể hoạt động như một hàng rào bảo vệ quốc gia khỏi lạm phát và mất giá tiền tệ? Trong khi các loại tiền tệ thông thường có thể được các ngân hàng trung ương in theo ý muốn, khiến giá trị của chúng giảm xuống, thì có một nguồn cung bitcoin cố định (số lượng lưu hành không thể vượt quá 21 triệu đồng), có khả năng sẽ hạn chế được sự mất giá của nó.
Vì vậy, những người ủng hộ cho rằng SBR có thể hoạt động như một kho dự trữ tài sản tương đối an toàn theo cách tương tự như việc dự trữ vàng hiện nay. Chính vì lý do này mà bitcoin được dán nhãn là "vàng kỹ thuật số".
Một lập luận phổ biến khác là giá trị tiền tệ của SBR có thể tăng nhanh và do đó giúp Mỹ trả hết nợ quốc gia. Nhưng đây mới là lập luận mang tính lý thuyết và chưa được kiểm chứng, cơ chế chính xác của nó vẫn chưa rõ ràng. Mặt khác, một số nhà phân tích lo ngại rằng SBR có thể làm suy yếu niềm tin vào đồng USD, dẫn đến bất ổn tài chính. Ví dụ: Nếu bitcoin được chấp nhận rộng rãi như một loại tiền tệ dự trữ toàn cầu, nó có thể làm mất ổn định vị thế của đồng USD là loại tiền tệ dự trữ chính của thế giới.
Tất nhiên, bất kỳ sự bất ổn nào như vậy có thể được gia tăng bởi sự biến động giá lịch sử của bitcoin. Ví dụ, bitcoin đã tăng vọt từ khoảng 3.800 USD vào đầu năm 2019 lên gần 68.000 USD trong tháng 11/2021. Sau đó, nó mất gần một nửa giá trị vào cuối tháng 1/2022, giảm xuống còn khoảng 35.000 USD. Nhưng hiện nay bitcoin đã ở mức trên 95.000 USD.
Tuy nhiên, vượt ra ngoài những lo ngại này, SBR còn làm nổi bật một sự thay đổi cơ bản hơn, mang tính định hình kỷ nguyên. Để hiểu được sự thay đổi này, cần phải đặt sự tăng giá của đồng tiền này trong bối cảnh lịch sử. Trật tự hậu Thế chiến thứ 2 ban đầu được xây dựng xung quanh hệ thống do đồng USD thống trị - với đồng USD được neo vào vàng và một loạt các loại tiền tệ khác được neo theo đồng USD. Điều này mang lại sự ổn định và niềm tin vào giá trị của đồng USD.
Hệ thống tỷ giá cố định đã bị bãi bỏ trong những năm 1970, nhưng sự thống trị của Mỹ vẫn được duy trì thông qua hệ thống đồng USD dầu mỏ, trong đó dầu được định giá bằng USD. Vai trò của USD là đồng tiền dự trữ của thế giới và ảnh hưởng của Mỹ trong các tổ chức quốc tế như Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) và Ngân hàng Thế giới (WB) đã củng cố cho sự thống trị này.
Nhưng đang có ba xu hướng chồng chéo đe dọa đánh bật sự thống trị của đồng USD trong 2 thập kỷ qua. Thứ nhất, sự trỗi dậy của các nền kinh tế mới nổi như Brazil, Nga, Ấn Độ, Trung Quốc, Nam Phi và các nước khác (BRICS+) đang tạo ra một hệ thống toàn cầu đa cực hơn. Điều này đang thách thức vị thế siêu cường của Mỹ và định hình lại bối cảnh địa chính trị. Các quốc gia này đang tăng cường vai trò lãnh đạo toàn cầu của họ nhờ sự tăng trưởng kinh tế nhanh chóng.
Thứ hai, sự phi tập trung của hệ thống tài chính và sự gia tăng của “đồng tiền tư nhân”, đặc biệt là để ứng phó với cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2007-2008. Tiền tư nhân ám chỉ bất kỳ mã thông báo nào được sử dụng như tiền nhưng không được hỗ trợ hoặc kiểm soát bởi một quốc gia hoặc ngân hàng trung ương. Theo nghĩa này, tiền điện tử – hoạt động độc lập với cơ chế cung cấp tiền của ngân hàng trung ương và kho bạc – là tiền tư nhân nguyên mẫu.
Bên cạnh sự chuyển dịch sang tiền tư nhân còn có xu hướng thứ ba. Đây là nơi các chính phủ trao cho các tác nhân tư nhân như các nhà cung cấp tiền điện tử và sàn giao dịch quyền kiểm soát đáng kể (“quyền lực cơ sở hạ tầng”) nhằm đạt được các mục tiêu chính sách công thông qua sử dụng các công cụ và dịch vụ tài chính do các tác nhân này cung cấp. Đây là một thay đổi lớn so với trật tự cũ, nơi chính phủ có thẩm quyền trực tiếp hơn.
Các báo cáo cho biết ông Trump đã đưa tiền điện tử trở thành chỉ dấu ưu tiên cho bước tiếp theo trong thay đổi này. Sự cân bằng quyền lực đang dịch chuyển khỏi các chính quyền bang và hướng tới các công ty nắm giữ tiền điện tử, các sàn giao dịch tiền điện tử và chủ sở hữu các quỹ tiền điện tử được giao dịch.
Đây có thể là thời điểm mang tính bước ngoặt. Nếu Mỹ, một cường quốc kinh tế hàng đầu khác (như Trung Quốc), hay một loạt các nền kinh tế mới nổi lớn hơn trở thành người nắm giữ khối bitcoin hoặc các loại tiền điện tử lớn khác, điều này có thể gây ra sự xuất hiện của một "cuộc chạy đua vũ trang" tiền điện tử trên quy mô toàn cầu. Nó sẽ chứng kiến hết quốc gia này đến quốc gia khác vội vã tăng cường dự trữ của họ.
Đã có thông tin rằng các quốc gia, bao gồm Nhật Bản, Nga và Trung Quốc, đang tích lũy bitcoin trước khi Mỹ có thể công bố SBR. Và ông Trump thậm chí còn ám chỉ rằng ông có thể bãi bỏ một quy tắc về tiền điện tử gây tranh cãi cho phép các ngân hàng nắm giữ nhiều bitcoin hơn.
Những xu hướng này có khả năng định hình lại trật tự kinh tế toàn cầu, bằng cách đưa đồng tiền tư nhân và sức mạnh cơ sở hạ tầng của các tác nhân tư nhân vào một lĩnh vực vốn do các quốc gia hàng đầu và đồng tiền quốc gia của họ thống trị. Tham vọng của ông Trump về SBR sẽ nhấn mạnh vai trò ngày càng tăng của đồng tiền tư nhân trong nền kinh tế thế giới. Nhưng những thay đổi này trong trật tự toàn cầu đã diễn ra bất kể kế hoạch của nhà lãnh đạo Mỹ về đồng bitcoin có được thực hiện hay không.
Nguồn Bnews: https://bnews.vn/cuoc-dua-tien-dien-tu-tren-toan-cau-da-duoc-kich-hoat/360773.html