Cuộc đua tìm nơi lưu trữ CO2

Hoạt động lưu trữ CO2 đang trở thành nguồn thu nhiều tỉ USD tiềm năng cho các công ty dầu khí.

Tại châu Á, Indonesia và Malaysia nằm trong số ít nơi CO2 có thể được lưu trữ hiệu quả dưới lòng đất. Theo hãng tin Bloomberg hôm 28-3, Giám đốc điều hành công ty dầu mỏ và khí đốt Exxon Mobil (Mỹ) Darren Woods cho biết đã giành được quyền lưu trữ CO2 độc quyền ở Indonesia và Malaysia.

Công ty dầu khí đa quốc gia Shell (Anh) cũng ký kết thỏa thuận thăm dò các địa điểm lưu trữ tiềm năng với công ty dầu khí quốc gia Malaysia Petronas. Tập đoàn năng lượng Chevron (Mỹ) đang nghiên cứu một dự án tại Indonesia trong khi Tập đoàn dầu khí TotalEnergies SE (Pháp) cũng tìm hiểu tiềm năng lưu trữ trong khu vực.

Thiết bị được sử dụng để thu giữ khí thải CO2 tại một nhà máy thuộc sở hữu của công ty năng lượng NRG Energy ở bang Texas - Mỹ Ảnh: REUTERS

Thiết bị được sử dụng để thu giữ khí thải CO2 tại một nhà máy thuộc sở hữu của công ty năng lượng NRG Energy ở bang Texas - Mỹ Ảnh: REUTERS

Chuyên gia Lein Mann Bergsmark, người đứng đầu bộ phận nghiên cứu thu hồi, sử dụng và lưu trữ carbon thuộc Công ty tư vấn Rystad Energy (Na Uy), nhận định ngày càng có nhiều công ty dầu khí chạy đua tìm kiếm địa điểm hoặc quyền lưu trữ CO2 trên toàn cầu, bước cuối cùng trong quy trình CCS (thu hồi và lưu trữ CO2).

Đây là công nghệ được thiết kế để hút CO2 ra khỏi khí quyển và chôn nó dưới lòng đất vĩnh viễn, về mặt lý thuyết là vô hiệu hóa tác động của chúng đối với biến đổi khí hậu.

Đối với các công ty dầu mỏ, việc triển khai rộng rãi CCS không chỉ giúp ích trong cuộc chiến chống biến đổi khí hậu. Họ còn kiếm được thu nhập nhờ cho các công ty khác thuê lại các bể lưu trữ CO2 này. Rystad Energy ước tính việc vận chuyển và lưu trữ CO2 ở Đông Nam Á có thể tạo ra khoảng 16 tỉ USD doanh thu/năm vào năm 2050.

Theo Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA), hơn 1 tỉ tấn CO2 cần được chôn lấp mỗi năm vào cuối thập kỷ này nhằm đáp ứng các mục tiêu về khí hậu toàn cầu. Tuy nhiên, thế giới hiện chỉ mới có vài chục địa điểm lưu trữ được 4% lượng CO2 nói trên.

Một trong những trở ngại của công nghệ này là chi phí. Việc thu hồi và lưu trữ 1 tấn CO2 có thể tốn đến hơn 1.000 USD. Một thách thức khác là tìm được nơi có cấu trúc địa chất phù hợp cho việc lưu trữ CO2.

Xuân Mai

Nguồn NLĐ: https://nld.com.vn/cuoc-dua-tim-noi-luu-tru-co2-196240328220828313.htm