Cuộc hội ngộ của những thanh niên xung phong mở đường Hạnh phúc
Thu về, tiết trời cực Bắc chan hòa, dịu nhẹ trong nắng mai; tôi có dịp được chứng kiến giây phút hội ngộ đầy xúc động của những thanh niên xung phong (TNXP). 60 năm trước, họ là những chàng trai, cô gái đem bầu nhiệt huyết của tuổi mười tám, đôi mươi, góp sức mở đường Hạnh phúc, bắc nhịp cầu no ấm cho đồng bào các dân tộc 4 huyện vùng cao Hà Giang.
Cuộc gặp lần này, có những cựu TNXP đã 80 tuổi, mái tóc bạc phơ, vượt qua quãng đường dài hàng trăm cây số để trở về thăm lại con đường Hạnh phúc. Dẫu biết, thời gian có thể làm cho đôi mắt mờ đi, đôi chân chậm lại, nhưng mỗi khi nhắc đến đường Hạnh phúc - con đường huyền thoại, đầy chất bi hùng và lãng mạn với những địa danh nổi tiếng, như: Cổng trời Quản Bạ, núi Cô Tiên, đệ nhất kỳ quan Mã Pì Lèng… những TNXP năm xưa không giấu được cảm xúc bồi hồi, lắng đọng của một thời thanh xuân.
… Đất nước bước vào đổi mới, thực hiện chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước đưa miền núi tiến kịp miền xuôi, đẩy lùi khó khăn, đói nghèo cho 4 huyện Quản Bạ, Yên Minh, Đồng Văn, Mèo Vạc, đưa ánh sáng văn minh đến những bản làng xa xôi, heo hút, nhiệm vụ đặt ra là phải mở đường. Nghe theo lời dạy của Bác, thanh niên Chiến khu Việt Bắc gồm 6 tỉnh: Cao Bằng, Bắc Kạn, Lạng Sơn, Thái Nguyên, Tuyên Quang, Hà Giang và 2 tỉnh đồng bằng Nam Định, Hải Dương đã tình nguyện xung phong lên mảnh đất địa đầu Tổ quốc, mở đường xe ô tô đi từ thị xã Hà Giang lên huyện Đồng Văn. Ngày 10.9.1959 con đường chính thức được khởi công, viết lên những trang sử rất đỗi tự hào và đáng trân trọng của lớp TNXP ngày ấy.
Bà Hoàng Thị Sao, Hội Cựu TNXP tỉnh Cao Bằng kể lại: “Năm 1959, khi bắt đầu thi công đường thì tôi đã có mặt ở Hà Giang. Sau hơn 1 năm vất vả, vật lộn với đất đá, đoạn đường đầu tiên từ Hà Giang vượt qua dốc Pắc Sum quanh co, đến Cổng trời Quản Bạ vực sâu, vách đứng rồi đến Tráng Kìm dài 60 km được thông đường, mang niềm vui cho những TNXP tiếp tục trong chuyến hành trình mở đường. Một thời gian sau, tôi được làm cấp dưỡng, nấu cơm gánh đi chia cho các đồng chí trong công trường. Cũng trùng hợp như tên gọi con đường Hạnh phúc, ở đó, tôi tìm thấy tình yêu của mình là ông Đàm Ngọc Lang. Hôm nay, cả 2 chúng tôi về đây dự buổi gặp mặt cựu TNXP nhân dịp 60 năm Ngày khởi công mở đường để ôn lại kỷ niệm xưa, tôi thấy lòng mình thật vui”.
Càng lên cao, càng đi xa thì càng gian nan, vất vả, đó là tâm sự của ông Nguyễn Văn Toan, Hội Cựu TNXP tỉnh Nam Định, người tham gia Đội thanh niên “Dũng cảm” thi công mở đoạn đường Mã Pì Lèng. Trong 6 tháng, ông treo mình trên vách đá, phía dưới là vực sâu thăm thẳm xuống tận sông Nho Quế, người yếu tim, mắt kém chỉ đứng nhìn đã chóng mặt chứ chưa nói là phải say sưa như những con mối bám vào đá mà đục, cạy từng viên đá. Có lẽ, trong lịch sử nước ta, không có công trường phá đá mở đường nào gian truân như thế. Ông Toan chia sẻ: “Công trường đã sắm sẵn cho anh em Đội “Dũng cảm” gỗ ván, mỗi sáng đi làm được làm lễ truy điệu một lần. Đây là lần thứ 2 ông về thăm con đường Hạnh phúc, bây giờ diện mạo, phong cảnh, tiềm lực KT - XH dọc tuyến đường thay đổi nhiều. Là nhân chứng sống, tôi rất tự hào vì đã đóng góp sức mình cho Hà Giang phát triển”.
Trong không khí ấm áp của buổi gặp mặt, ông Vũ Ngọc Ngãi, Chủ tịch Hội Cựu TNXP phường Quang Trung, thành phố Hà Giang nhắn nhủ: “Quá trình thi công mở đường, có 14 TNXP đã hy sinh, mãi mãi nằm lại với con đường Hạnh phúc. Ghi nhận những công lao to lớn đó, tỉnh ta đã xây dựng Tượng đài TNXP tại xã Pải Lủng (Mèo Vạc) để tưởng nhớ những liệt sĩ đã ngã xuống. Công trình không chỉ mang dấu ấn để tạo động thúc đẩy phát triển KT - XH của những huyện vùng cao mà còn có ý nghĩa chính trị đặc biệt quan trọng, khẳng định nền tảng tư tưởng vững chắc trong xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Sau buổi gặp gỡ, là giây phút chia tay, những cái ôm lưu luyến, nắm tay thật chặt; hơn 200 cựu TNXP bảo nhau rằng, con đường Hạnh phúc dài gần 200 km là công trình mở đường kỳ vĩ nhất của lớp thanh niên thế hệ Hồ Chí Minh.
Ghi chép của M.LAN - V.QUÂN