Cuộc hội ngộ của Tổng thống Mỹ và Thủ tướng Canada: Cái bắt tay, tình hữu nghị và sự đối đầu ngấm ngầm

Trong cuộc gặp đầu tiên được mong đợi từ lâu giữa tân Thủ tướng Canada Mark Carney và Tổng thống Mỹ Donald Trump, bầu không khí tích cực vẫn được duy trì dù những lời gợi ý của Washington bị từ chối.

Tổng thống Mỹ Donald Trump (phải) và Thủ tướng Canada Mark Carney gặp nhau tại Nhà Trắng, ngày 6/5. (Nguồn: Getty Images)

Tổng thống Mỹ Donald Trump (phải) và Thủ tướng Canada Mark Carney gặp nhau tại Nhà Trắng, ngày 6/5. (Nguồn: Getty Images)

Không ai có thể đoán được kết quả cuộc đối mặt giữa Tổng thống Mỹ Donald Trump và với tân Thủ tướng Canada Mark Carney. Nhà lãnh đạo Canada lại càng có lý do đặc biệt để thận trọng trước khi tới Nhà Trắng, thực hiện cuộc gặp đầu tiên sau bầu cử với vị nguyên thủ Xứ cờ hoa.

Trong nhiều tháng, ông chủ Nhà Trắng đã tiến hành một chiến dịch gây sức ép ngoại giao và thương mại đối với láng giềng phía Bắc, khơi mào một cuộc chiến thương mại và nhiều lần công kích người tiền nhiệm của ông Carney là cựu Thủ tướng Justin Trudeau.

Ngay trước buổi gặp, Tổng thống Mỹ tiếp tục đăng tải trên mạng xã hội một con số đã bị bác bỏ rằng, Mỹ đang “trợ cấp cho Canada 200 tỷ USD mỗi năm” và phàn nàn - Ottaway đã được “bảo vệ quân sự MIỄN PHÍ”.

Mặc dù vậy, theo The Guardian, ngay từ lúc hai nhà lãnh đạo bắt tay nhau tại Nhà Trắng, không khí dễ chịu đến bất ngờ. Tuy nhiên, vẫn có những đối đầu ngấm ngầm giữa hai nhà lãnh đạo trong suốt cuộc gặp. Dưới đây là những điểm đáng chú ý từ cuộc hội ngộ này.

Tình bạn

Khi được hỏi về “nhượng bộ lớn nhất” mà Canada có thể đưa ra, Tổng thống Mỹ trả lời rằng, đó là "tình bạn”. Ông chủ Nhà Trắng nhấn mạnh rằng, ông "chỉ muốn làm bạn với Canada

The Guardian bình luận, bầu không khí hòa nhã ngay từ đầu cuộc gặp có lẽ là sự nhẹ nhõm bất ngờ đối với các quan chức Canada, vốn đã chuẩn bị cho nhiều kịch bản – bao gồm cả khả năng bị chỉ trích giống như Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky từng phải đối mặt hồi tháng 2.

Sau chiến thắng trong cuộc bầu cử liên bang của đảng Tự do tuần trước, trong cuộc gặp mặt trực tiếp này, Tổng thống Mỹ chúc mừng ông Carney vì “một trong những màn trở lại chính trường vĩ đại nhất mọi thời đại”, gọi chuyến thăm của Thủ tướng Canada là “vinh dự” cho Nhà Trắng và nói rằng, ông “rất tôn trọng” đối phương.

Thủ tướng Carney cũng đáp lại bằng cách gọi ông Trump là “tổng thống năng động”, tập trung mạnh vào kinh tế, an ninh và quyền lợi của người lao động Mỹ.

Đây là sự thay đổi rõ rệt so với mối quan hệ căng thẳng giữa Tổng thống Trump và người tiền nhiệm của ông Carney là cựu Thủ tướng Justin Trudeau. The Guardian nhận định, với việc nhiều yếu tố trong chính sách đối ngoại của Mỹ phụ thuộc vào cảm tình cá nhân của Tổng thống Trump, sự thay đổi tông giọng này có thể là tín hiệu tốt cho Canada.

Canada không phải để bán

Thủ tướng Carney đã tận dụng cuộc gặp để nói thẳng với Tổng thống Trump điều ông luôn nói với người dân Canada kể từ khi nhậm chức rằng - đất nước này không phải là món hàng có thể mua bán.

Khi được phóng viên hỏi về đề xuất Canada trở thành bang thứ 51 của Mỹ, Tổng thống Trump dường như rút lại ý tưởng này, thừa nhận “muốn nhảy tango thì phải có hai người”, song sau đó lại nói rằng Canada sẽ được “giảm thuế rất lớn” nếu trở thành một bang của Mỹ.

Ông chủ Nhà Trắng mô tả việc sáp nhập hai nước là điều “tuyệt vời”, là một “cuộc hôn nhân tuyệt mỹ”.

Tuy nhiên, Thủ tướng Carney bác bỏ bất kỳ ý tưởng này, nói rõ với Tổng thống Trump rằng, "Như ngài biết trong lĩnh vực bất động sản, có một số nơi không bao giờ được bán". "Canada không phải để bán. Sẽ không bao giờ được bán", tân lãnh đạo quốc gia Bắc Mỹ nhắc lại.

The Guardian bình luận - trước lời nhắc nhở của ông Trump "đừng bao giờ nói không bao giờ", Thủ tướng Carney dường như thì thầm thách thức: “Không bao giờ, không bao giờ, không bao giờ, không bao giờ, không bao giờ".

Không giảm thuế

Một trong những mục tiêu chính của Thủ tướng Carney và đội ngũ là tìm hiểu kỹ hơn lý do – nếu có – đằng sau các biện pháp thuế quan đối với hàng hóa Canada, cũng như tìm kiếm các hướng tháo gỡ.

Trước cuộc gặp, ông Carney đã hạ thấp kỳ vọng khi cho biết không trông đợi bất kỳ tuyên bố lớn nào từ Mỹ. Vào cuối cuộc gặp, khi Tổng thống Trump nhận được câu hỏi của phóng viên về việc Canada có thể được gỡ bỏ thuế quan hay không, câu trả lời là "không", bởi đó là "chuyện tất yếu".

Theo The Guardian, Thủ tướng Canada đã tận dụng bữa trưa làm việc để cố gắng thuyết phục phía Mỹ tìm điểm tương đồng.

Tại Canada, các mức thuế mà Washington áp đặt đã dẫn đến làn sóng tẩy chay mạnh mẽ các sản phẩm sản xuất tại Mỹ. Tuy nhiên, ông Trump tin rằng, tình hình này sẽ không kéo dài: “Chúng tôi có những sản phẩm tuyệt vời. Sản phẩm chúng tôi sản xuất thì không ai khác làm được – kể cả thiết bị quân sự. Chúng tôi sản xuất thiết bị quân sự tốt nhất thế giới. Và Canada mua sản phẩm của chúng tôi, chúng tôi rất trân trọng”.

Thỏa thuận thương mại

Hai nhà lãnh đạo đã thảo luận về quan hệ thương mại giữa song phương, trong đó ông Trump bày tỏ mong muốn đàm phán lại những điểm chính trong Hiệp định Mỹ-Mexico-Canada (USMCA), gọi phiên bản trước đó – NAFTA – là “thỏa thuận tồi tệ nhất trong lịch sử thế giới”. Phiên bản USMCA sẽ đến kỳ đánh giá lại vào năm sau, sau 6 năm thực thi.

“Chúng tôi có thể sẽ bắt đầu đàm phán lại nếu thấy cần thiết. Tôi cũng không chắc là có cần thiết nữa không”, ông chủ Nhà Trắng cho hay, song từ chối trả lời câu hỏi về các điều khoản cụ thể mà ông muốn sửa đổi, chỉ nói rằng hai nhà lãnh đạo đang “bàn về các khái niệm”.

Tổng thống Mỹ cũng lặp lại quan điểm - nước này không cần hàng hóa xuất khẩu từ Canada, kể cả ô tô, thép hay năng lượng, khẳng định Washington "muốn tự làm".

Thủ tướng Carney tranh thủ phản bác quan điểm của ông Trump, đồng thời chỉ trích việc Mỹ áp dụng thuế quan, nhưng đồng ý rằng, thỏa thuận hiện tại chỉ là “khung” cho các cuộc thảo luận tiếp theo.

Để thể hiện tầm quan trọng của quan hệ thương mại song phương, hai bên đều đưa theo các quan chức cấp cao nhất. Phía Canada có Bộ trưởng Thương mại quốc tế Dominic LeBlanc, Bộ trưởng Ngoại giao Mélanie Joly, Bộ trưởng An ninh công cộng David McGuinty và Đại sứ Canada tại Mỹ Kirsten Hillman.

Phía Mỹ gồm có Phó Tổng thống JD Vance, Ngoại trưởng Marco Rubio, Bộ trưởng Thương mại Howard Lutnick và Đại diện Thương mại Mỹ Jamieson Greer.

Mỹ là quốc gia đầu tiên mà Thủ tướng Carney tới thăm sau khi giành chiến thắng cùng với chính phủ thiểu số của đảng Tự do, trong cuộc bầu cử liên bang tại Canada hồi tuần trước.

Bảo Minh

Nguồn TG&VN: https://baoquocte.vn/cuoc-hoi-ngo-cua-tong-thong-my-va-thu-tuong-canada-cai-bat-tay-tinh-huu-nghi-va-su-doi-dau-ngam-ngam-313509.html