Cuộc khủng hoảng chip của các hãng ôtô lớn trên toàn cầu
Các hãng xe lớn trên toàn cầu đang lao đao vì thiếu chip. Vấn đề nằm ở chỗ cuộc khủng hoảng vẫn chưa có dấu hiệu chuẩn bị kết thúc.
Theo CNBC, các nhà sản xuất ôtô - bao gồm Ford, Volkswagen và Daimler - vẫn đang vật lộn để đối phó với tình trạng khan hiếm chip trên toàn cầu.
Tại Triển lãm Ôtô Munich hôm 6/9, Giám đốc điều hành Volkswagen Herbert Diess, Giám đốc điều hành Daimler Ola Kallenius và Chủ tịch Hội đồng quản trị Ford châu Âu Gunnar Herrmann thừa nhận rằng rất khó để biết đến bao giờ vấn đề mới được giải quyết.
Ông Diess tiết lộ Volkswagen - nhà sản xuất ôtô lớn nhất châu Âu - đã mất thị phần tại Trung Quốc do thiếu chip. "Chúng tôi tụt lùi vì thiếu chất bán dẫn", ông thừa nhận.
Khủng hoảng chip
"Volkswagen bị ảnh hưởng nhiều hơn ở Trung Quốc so với phần còn lại của thế giới. Đó là lý do chúng tôi đánh mất thị phần", ông Diess nói thêm.
Ông cho biết các đối thủ ở Trung Quốc đang thúc đẩy nhiều chất bán dẫn hơn. CEO Volkswagen nhấn mạnh tình trạng thiếu chip là "mối lo ngại thực sự lớn".
Hãng sản xuất có trụ sở tại Wolfsburg từng hy vọng tình hình chất bán dẫn sẽ được cải thiện sau kỳ nghỉ hè. Tuy nhiên, điều đó đã không xảy ra.
Malaysia là nơi nhiều nhà cung cấp của Volkswagen đặt trụ sở. Tuy nhiên, nước này đã bị ảnh hưởng nặng nề bởi các đợt bùng phát Covid-19 trong những tuần qua, dẫn đến một số nhà máy phải đóng cửa.
Ông Diess tin rằng những vấn đề về chip sẽ được giải quyết sau khi các quốc gia kiểm soát được dịch bệnh. Tuy nhiên, ông dự báo tình trạng thiếu hụt chất bán dẫn nói chung có thể kéo dài hơn nữa.
"Chúng ta sẽ phải đối mặt với tình trạng thiếu hụt chất bán dẫn. Internet vạn vật đang phát triển quá nhanh. Có những hạn chế mà chúng ta cần cố gắng giải quyết", ông nói thêm.
Trong khi đó, ông Herrmann tại Ford dự báo tình trạng thiếu chip có thể kéo dài đến hết năm 2024. Tuy nhiên, ông cũng thừa nhận rằng rất khó để xác định chính xác thời điểm kết thúc.
Tình trạng thiếu hụt cũng trở nên trầm trọng hơn do việc chuyển sang xe điện. Chẳng hạn, Ford Focus cần khoảng 300 chip, trong khi một trong các sản phẩm xe điện mới của Ford sử dụng đến 3.000 chip.
Ngoài chip, các hãng sản xuất ôtô cũng đối mặt với những vấn đề khác. Theo ông Herrmann, Ford đang gặp phải "cuộc khủng hoảng mới" về nguyên liệu thô.
Ngoài chất bán dẫn, nguồn cung của lithium, nhựa và thép cũng tương đối khan hiếm. "Các vị có thể chứng kiến tình trạng thiếu hụt và hạn chế ở khắp nơi", ông nhận định.
Chi phí tăng vọt
Theo vị chủ tịch, giá ôtô sẽ tăng cao khi chi phí nguyên liệu thô gia tăng. Ông Herrman cũng tiết lộ nhu cầu đang "rất mạnh".
Ông Kallenius tại Daimler hy vọng tình trạng gián đoạn sẽ chạm đáy vào quý III/2021. "Chúng tôi mong mọi thứ có thể trở lại trong quý IV", ông chia sẻ.
Theo CNBC, tình trạng thiếu hụt chip ảnh hưởng đến ngành công nghiệp ôtô nhiều hơn bất cứ ngành nào khác. Các dây chuyền lắp ráp đã dừng hoạt động. Nhiều ôtô được xuất xưởng mà thiếu những tính năng phụ thuộc vào chất bán dẫn.
Tại Anh, sản lượng xe hơi giảm mạnh xuống mức thấp mới trong tháng 7, đánh dấu tháng 7 tồi tệ nhất của ngành kể từ năm 1956.
Tập đoàn công nghệ và kỹ thuật Đức Bosch - nhà cung cấp phụ tùng xe hơi lớn nhất thế giới - tin rằng chuỗi cung ứng chất bán dẫn trong ngành công nghiệp ôtô không còn "phù hợp với mục đích".
Chúng ta sẽ phải đối mặt với tình trạng thiếu hụt chất bán dẫn. Internet vạn vật đang phát triển quá nhanh. Có những hạn chế mà chúng ta cần cố gắng giải quyết
- Giám đốc điều hành Volkswagen Herbert Diess
Ông Harald Kroeger - thành viên ban quản trị của Bosch - cho rằng chuỗi cung ứng đã không còn cân bằng kể từ năm ngoái, khi nhu cầu chip ở mọi sản phẩm từ ôtô, PlayStation 5s đến bàn chải đánh răng điện tăng lên trên toàn thế giới.
Hôm 7/9, các giám đốc điều hành của Porsche, Skoda và Seat cũng thừa nhận rằng họ gặp vấn đề với chất bán dẫn.
Ông chủ Porsche Oliver Blume cho biết tình trạng khan hiếm chip đang làm gián đoạn dây chuyền sản xuất. Ông hy vọng vấn đề sẽ sớm được giải quyết.
"Chúng tôi gặp vấn đề với chất bán dẫn. Do đó, thời gian chờ đợi kéo dài lâu hơn bình thường", ông Blume tiết lộ. Nhiều khách hàng của hãng đã phải đợi đến hơn nửa năm.
Ông Thomas Schafer - Giám đốc điều hành của Skoda - nói với CNBC rằng Skoda đã bị “ảnh hưởng nặng nề” bởi việc nhà máy bán dẫn ở Malaysia ngừng hoạt động.
"Cho đến khi mọi thứ qua đi, hy vọng trong 4-5 tuần tới, tình trạng thiếu hụt cơ bản có thể sẽ kéo dài đến năm 2022", ông bình luận.
Ông Wayne Griffiths - Giám đốc điều hành Seat - thừa nhận rằng tình trạng thiếu hụt chất bán dẫn đang là thách thức đối với tất cả thương hiệu vào thời điểm này.
"Chúng tôi đang ưu tiên các mẫu Cupra và ôtô điện sử dụng những chất bán dẫn mà chúng tôi có thể đảm bảo thời gian giao hàng ở mức chấp nhận được", ông nói thêm.