Cuộc khủng hoảng giấy và cơ hội chuyển đổi số cho ngành xuất bản

Ngành công nghiệp xuất bản thiếu giấy in trầm trọng, giá giấy tăng chóng mặt. Chuyển đổi mô hình xuất bản từ giấy in sang kỹ thuật số là giải pháp tối ưu.

 Ngành công nghiệp xuất bản đang đối mặt với tình trạng thiếu giấy in. Ảnh: shopify.

Ngành công nghiệp xuất bản đang đối mặt với tình trạng thiếu giấy in. Ảnh: shopify.

Với tỷ lệ lạm phát quốc tế đạt đến mức chưa từng thấy kể từ những năm 1980, giá năng lượng biến động, tình hình địa chính trị không ổn định, chuỗi cung ứng đứt gãy đang làm nhiều nhà xuất bản trở nên lao đao.

Giá giấy tăng gấp đôi

Giá giấy và nguyên vật liệu ngành in tăng chóng mặt, đẩy xuất bản phẩm tăng giá liên tục từ đầu năm đến nay càng làm tương lai của ngành xuất bản không mấy lạc quan. Các nhà xuất bản đang đau đầu tính toán kế hoạch cho tương lai. Trong bối cảnh chi phí sản xuất tăng cao và sự khan hiếm giấy đang đe dọa tương lai của xuất bản phẩm, thì chuyển đổi số được xem là một hy vọng rõ ràng cho ngành xuất bản.

Giấy in báo ở Anh có giá khoảng 426 USD/tấn trong quý đầu tiên của năm 2021; cho đến tháng 7 năm nay giá giấy đã tăng gấp đôi lên khoảng 841 USD/tấn. Tại Mỹ, giá cũng tăng với tỷ lệ tương tự, lên khoảng 800 USD/tấn. Thông thường trong quá khứ, giá giấy chỉ nhúc nhích tăng chỉ ở mức 5-7% trong khoảng 18 tháng.

 Giá giấy in tăng gấp đôi trong một năm qua. Ảnh: dynamark.

Giá giấy in tăng gấp đôi trong một năm qua. Ảnh: dynamark.

Còn tại Đức, tháng 8 vừa qua, Ủy ban điều hành của Hiệp hội In ấn và Truyền thông Liên bang Đức cũng phát đi thông báo lo ngại về giá giấy. Chỉ số giá sản xuất ở Đức đã tăng 37,2% trong năm 2022, mức tăng lớn nhất kể từ năm 1949. Ông Wolfgang Poppen - Chủ tịch của hiệp hội in ấn và truyền thông Đức cảnh báo: “Đây là thời điểm phải cẩn thận với việc kinh doanh in ấn”. Ông cũng nói thêm, giá giấy tăng cao là một mối đe dọa nghiêm trọng cho ngành xuất bản.

Chi phí giấy tăng đột biến đánh dấu sự kiện mới nhất trong một chuỗi thách thức đối với ngành xuất bản. Ngành công nghiệp gắn liền với tri thức hiện phải đối mặt với sự cạnh tranh ngày càng tăng của mạng xã hội và các nền tảng giải trí khác để thu hút sự chú ý của người đọc.

Lợi nhuận sụt giảm và lựa chọn thay đổi

Giá nguyên liệu và năng lượng tăng đã gây áp lực lên tất cả loại hình kinh doanh, nhưng các nhà xuất bản phải chịu tác động đa chiều từ thị trường tiêu thụ và từ hướng ngành in. Báo cáo của nhiều nhà xuất bản cho thấy lợi nhuận sụt giảm trong 6 tháng đầu năm.

 Việc lựa chọn một ấn phẩm điện tử với giá thành thấp hơn và không mất chi phí vận chuyển đang được người dùng cân nhắc. Ảnh: Little Book Owl.

Việc lựa chọn một ấn phẩm điện tử với giá thành thấp hơn và không mất chi phí vận chuyển đang được người dùng cân nhắc. Ảnh: Little Book Owl.

Doanh số bán hàng tại Harper Collins tăng 4,5% trong sáu tháng kết thúc vào ngày 30/6, lên 1,03 tỷ đôla, nhưng lợi nhuận giảm 10,9% so với cùng kỳ năm 2021. Lý giải điều này ông Brian Murray - Giám đốc điều hành của tập đoàn xuất bản Harper Collins - đề cập đến việc gia tăng chi phí sản xuất, dẫn đến sự sụt giảm lợi nhuận.

Bertelsmann, công ty mẹ của Penguin Random House lại đề cập đến lý do lạm phát tăng cao và đứt gãy chuỗi cung ứng là nguyên nhân chính khiến lợi nhuận của nhà xuất bản thương mại lớn nhất thế giới này giảm 20,7% trong nửa đầu năm nay.

Doanh thu của tập đoàn xuất bản Lagardère tăng 7,7% trong nửa đầu năm 2022 so với năm 2021, lên 1,22 tỷ euro. Tuy nhiên, lợi nhuận giảm 27,3% xuống 81 triệu euro, mà nguyên nhân được cho là do áp lực lạm phát, giá giấy tăng cùng chi phí sản xuất tăng cao, thêm vào đó là giá vận chuyển cũng tăng mạnh dẫn đến lợi nhuận không như kỳ vọng.

Hiệp hội các nhà xuất bản tin tức toàn cầu - (The World Association of News Publishers) tháng 7 vừa qua có tổ chức khảo sát khoảng 75 nhà xuất bản đến từ 32 quốc gia trên thế giới.

Gần 65% các nhà xuất bản tham gia cho biết họ đã tăng giá báo in của mình trong 12 tháng qua. Khoảng 16% trong số đó đã tăng giá hơn 30%. Và gần 50% nhà xuất bản tham gia khảo sát nói rằng sẽ có kế hoạch tăng giá trong 12 tháng tới, trong khi 28% nói rằng họ đang dự tính một sự thay đổi.

Với cuộc cách mạng kỹ thuật số, nhiều ngành nghề đã bắt đầu số hóa, nhu cầu về giấy giảm nhiều trong vòng 20 năm qua. Các nhà máy giấy trên toàn thế giới hoặc là đóng cửa hoặc giảm sản lượng. Kế đó là đại dịch Covid-19 và tình trạng thiếu lao động cũng như chuỗi cung ứng bị đứt gãy, kéo theo giá nguyên vật liệu sản xuất đều tăng.

Thương mại điện tử bùng nổ, số lượng người mua hàng trực tuyến tăng nhanh, dẫn đến nhu cầu đối với giấy gói bìa cứng tăng vọt.

Từ đầu năm đến nay, lạm phát gia tăng đã khiến tình hình cung cấp giấy vốn đã tồi tệ lại càng trở nên tồi tệ hơn. Từ góc độ ngành xuất bản, đây chính là một thảm họa vì để cân bằng ngân sách, sẽ không còn lựa chọn nào khác ngoài việc giảm số lượng trang in, thu nhỏ khổ in, cắt giảm một số ấn bản không cần thiết và quan trọng nhất là tăng giá bìa, dĩ nhiên điều này sẽ làm người đọc giảm nhu cầu mua các ấn phẩm in.

Việc lựa chọn một ấn phẩm điện tử với giá thành thấp hơn và không mất chi phí vận chuyển đang được người dùng cân nhắc.

Các nhà xuất bản hầu hết đều đã lên kế hoạch tập trung nỗ lực xuất bản các ấn phẩm kỹ thuật số để đối phó với tình trạng lạm phát giá toàn cầu. Để tiến lên phía trước và thích nghi được với tình hình mới, việc chuyển đổi mô hình xuất bản từ giấy in sang kỹ thuật số đang là một giải pháp tối ưu của các nhà xuất bản.

Hà Chi

Nguồn Znews: https://zingnews.vn/cuoc-khung-hoang-giay-va-co-hoi-chuyen-doi-so-cho-nganh-xuat-ban-post1355635.html