Cuộc khủng hoảng năng lượng của Trung Quốc đe dọa kinh tế toàn cầu

Nước Anh hiện đang bước vào giai đoạn mãn tính của cuộc khủng hoảng năng lượng trên toàn thế giới với nguy cơ thiếu hàng hóa cho dịp lễ Giáng sinh.

Hóa đơn năng lượng hộ gia đình đang tăng mạnh sau khi giới hạn giá tăng vào cuối tuần trước, do tình trạng thiếu khí đốt toàn cầu đẩy giá thị trường lên mức cao mới. Các nhà kinh tế đang dự đoán mức tăng thậm chí còn mạnh hơn vào tháng 4 tới.

Một nhà máy ở Trung Quốc. Ảnh: Internet

Bài liên quan

Trung Quốc cam kết tăng nhập khẩu than giữa khủng hoảng năng lượng

Cuộc khủng hoảng năng lượng trên khắp thế giới diễn ra như thế nào?

80 triệu hộ gia đình châu Âu bị đe dọa bởi giá năng lượng tăng cao

Nhiều tỉnh của Trung Quốc tăng giá điện sản xuất do thiếu năng lượng

Nhưng các vấn đề về khí đốt và điện chỉ là một phần nhỏ của cuộc khủng hoảng đang được cảm nhận trên toàn cầu. Các nhà máy trên khắp Trung Quốc là những nạn nhân mới nhất.

Các nhà cung cấp năng lượng của Anh đang gặp khó khăn vì giá họ tính bị giới hạn trong khi chi phí mua khí đốt tăng cao, dẫn đến hàng loạt các nhà cung cấp nhỏ hơn phải đóng cửa. Tương tự, các nhà máy nhiệt điện than của Trung Quốc bị mắc kẹt giữa giá cả được quy định chặt chẽ và chi phí than tăng cao. Và cũng giống như việc năng lượng gió của Anh bị ảnh hưởng bởi thời tiết, hạn hán ở Trung Quốc đã ảnh hưởng đến việc sản xuất thủy điện.

Vấn đề thứ hai là Bắc Kinh đặt ra các mục tiêu khó khăn về cường độ năng lượng như một phần trong kế hoạch môi trường.

Nhu cầu hàng hóa bùng nổ khiến các nhà máy Trung Quốc phải làm việc ngoài giờ, đặc biệt là trong ngành công nghiệp nặng như nhôm. Việc sử dụng điện tăng vọt và một cuộc kiểm tra của chính quyền trung ương vào giữa năm đã gây áp lực buộc các tỉnh phải tăng cường quản lý để sử dụng ít điện hơn trong phần còn lại của năm.

Do đó, các nhà kinh tế tại Goldman Sachs đã cắt giảm dự báo kinh tế của họ đối với nền kinh tế lớn thứ hai thế giới, dự đoán tăng trưởng bằng không trong quý thứ ba và có thể còn âm trong quý bốn.

Ngân hàng đầu tư ước tính, các nhà sản xuất kim loại, các nhà sản xuất hóa chất, ngành dệt may, giấy và nhựa là những ngành bị ảnh hưởng nhất tại Trung Quốc.

Các tác động không chỉ giới hạn ở ngành công nghiệp nặng. Bà Trina Chen, đồng trưởng nhóm nghiên cứu Trung Quốc tại Goldman, cho biết, ngay cả nguồn điện cho các điểm sạc ô tô điện và các nhà sản xuất bảng điều khiển năng lượng mặt trời cũng đang bị đe dọa.

Ông Robin Xing, nhà kinh tế tại Morgan Stanley, dự đoán sản lượng thép tổng thể sẽ giảm 9% trong quý 4 so với cùng kỳ năm 2020, trong khi nhôm sẽ giảm 7% và xi măng giảm 29%.

“Bất cứ thứ gì sử dụng kim loại trên toàn cầu đều sẽ bị ảnh hưởng. Ngay cả khi Trung Quốc không xuất khẩu trực tiếp, giá được xác định bởi cung và cầu, vì vậy các nước đều sẽ bị ảnh hưởng”, ông Craig Botham, nhà kinh tế trưởng về Trung Quốc tại Pantheon Macroeconomics cho biết.

Ví dụ, cho đến nay, Trung Quốc là nhà sản xuất thép lớn nhất thế giới, sản xuất gần 1 tỷ tấn vào năm 2019, so với 111 triệu tấn ở vị trí thứ hai của Ấn Độ.

Cơ quan xếp hạng Standard and Poor’s đã cắt giảm dự báo tăng trưởng cho châu Á, với lý do tình trạng thiếu hụt năng lượng của Trung Quốc là rủi ro chính. Đất nước này rất quan trọng đối với mối quan hệ sản xuất châu Á, vốn đã phải vật lộn với một loạt các vấn đề khác.

Trong khi đó, vận tải biển vẫn đang quay cuồng vì sự hỗn loạn của Covid, khiến tình trạng thông quan trở nên khó khăn hơn.

Tình trạng thiếu hụt đã được cảm nhận trên khắp thế giới và dự kiến sẽ tăng cao hơn vào cuối năm. Theo Viện Ifo, hơn 3/4 các nhà sản xuất Đức đã báo cáo tình trạng tắc nghẽn và các vấn đề với nguồn cung cốt lõi.

Quốc Thiên

Nguồn Công Luận: https://congluan.vn/cuoc-khung-hoang-nang-luong-cua-trung-quoc-de-doa-kinh-te-toan-cau-post159572.html