Cuộc 'marathon' ngoại giao của Tổng thống Pháp

Trong bối cảnh tình hình chính trị trong nước có nhiều biến động, một số người đang tự hỏi về khả năng kết thúc 'Kỷ nguyên Macron' ở cấp độ EU và quốc tế.

Tổng thống Pháp Emmanuel Macron (Phải). Ảnh: Reuters

Tổng thống Pháp Emmanuel Macron (Phải). Ảnh: Reuters

Sau cuộc bầu cử quốc hội vừa qua, liên minh ủng hộ Tổng thống Pháp Emmanuel Macron chỉ giành được 246 ghế, dưới ngưỡng 289 ghế để có đa số tuyệt đối trong quốc hội 577 đại biểu của Pháp. Một kết quả thấp hơn rất nhiều so với kỳ vọng “đa số vững chắc” mà ông Macron bày tỏ với báo chí trước bầu cử và cách xa con số 346 ghế có được trong quốc hội sắp mãn nhiệm.

Đối mặt với khó khăn chính trị ở trong nước, Tổng thống Macron đã sẵn sàng bắt tay vào một loạt cuộc họp quốc tế. Một chương trình làm việc bận rộn đang chờ đợi nhà lãnh đạo Pháp trong những ngày tới khi ông sẽ tham dự hội nghị thượng đỉnh Hội đồng châu Âu từ ngày 23-24/6 tại Brussels, hội nghị thượng đỉnh Nhóm G7 từ ngày 26-28/6 tại Berlin và Hội nghị thượng đỉnh NATO từ ngày 28-30/6 tại Madrid.

Tuy nhiên, ở trong nước, ông Macron dự kiến đối mặt với một số vấn đề cấp bách, bắt đầu bằng việc bổ nhiệm các bộ trưởng sau khi thất bại trong cuộc bầu cử, với một đề cử dự kiến "trong vài ngày tới", người phát ngôn Chính phủ Pháp Olivia Grégoire giải thích.

Theo Thierry Chopin, cố vấn đặc biệt tại Viện Jacques Delors, kết quả của cuộc bầu cử lập pháp "ảnh hưởng đến uy tín châu Âu của Tổng thống Macron một cách tương đối".

Ông Chopin lưu ý rằng, Tổng thống Macron cũng sẽ phải đối phó với “chủ nghĩa hoài nghi châu Âu” của đảng cực tả La France Insoumise (LFI) của nhà lãnh đạo Jean-Luc Mélenchon và Mặt trận Quốc gia Pháp của bà Marine Le Pen - cả hai đảng này hiện là phe đối lập chính trong Quốc hội khóa mới.

Mặc dù vậy, với các vấn đề đối ngoại vẫn nằm trong quyền hạn của tổng thống, ông Chopin nhận định rằng “các cuộc bầu cử lập pháp về cơ bản sẽ không ảnh hưởng đến chương trình nghị sự châu Âu của Pháp”.

Cụ thể, Pháp sẽ vẫn là một quốc gia quan trọng ở cấp độ EU bất chấp cuộc khủng hoảng chính trị hiện tại mà nước này đang trải qua, đặc biệt khi nước này vẫn giữ chức Chủ tịch luân phiên Hội đồng EU kéo dài 6 tháng.

“Vị thế của Pháp trên trường châu Âu được tất cả các đối tác thừa nhận. Ông Macron nhận được sự tín nhiệm mạnh mẽ ở châu Âu. Tôi không cho rằng ông Macron bị suy yếu. Ngược lại, tôi kỳ vọng rằng một số nước châu Âu đồng minh sẽ giúp đỡ và hỗ trợ ông ấy", Noëlle Lenoir, Bộ trưởng phụ trách các vấn đề châu Âu của Pháp từ năm 2002 đến năm 2004, nói.

Về phần mình, Bộ trưởng Liên minh Châu Âu Pháp Clément Beaune cho biết, về các vấn đề của EU, cam kết của Pháp đối với châu Âu là không thay đổi sau cuộc bầu cử lập pháp.

Tuy nhiên, quan điểm trên không nhận được sự đồng thuận của Nghị sĩ nghị viện châu Âu thuộc LFI Manon Aubry, người cũng là đồng chủ tịch Nhóm Cánh tả trong Nghị viện Châu Âu. Bà Aubry nói: “Kết quả của cuộc bầu cử lập pháp được các đồng minh châu Âu của chúng tôi coi là một thất bại", nhấn mạnh rằng thực tế chính trị mới này có thể trở thành hệ thống.

Các thành viên thuộc đảng của bà Le Pen cũng nói tương tự. “Châu Âu biết rằng tỷ lệ đa số tương đối ở Pháp là một cuộc khủng hoảng thực sự”, nghị sĩ châu Âu của Mặt trận Quốc gia Pháp Thierry Mariani nêu rõ.

Vì vậy, thời gian sẽ trả lời liệu tình hình chính trị mới ở Pháp, nơi mang lại cho phe đối lập nhiều quyền lực hơn và có thể kêu gọi thỏa hiệp, có tác động đến vị thế của ông Macron trong EU hay không. Các hồ sơ quan trọng như đề xuất của ông Macron về việc sửa đổi các hiệp ước EU cũng có thể đối mặt với sự phản đối từ phe đối lập hiện đang có ảnh hưởng lớn hơn.

Trong bối cảnh đó, Tổng thống Macron có thể phải đối mặt với sự chỉ trích ngày càng tăng của quốc tế giống như tình trạng của ông ở trong nước và các hội nghị thượng đỉnh sắp tới sẽ tiết lộ rõ về vấn đề này.

Công Thuận/Báo Tin tức (Theo euractiv.fr)

Nguồn Tin Tức TTXVN: https://baotintuc.vn/the-gioi/cuoc-marathon-ngoai-giao-cua-tong-thong-phap-20220622224110922.htm