Cuộc nổi dậy của người Ba Lan gốc Do Thái ở khu ổ chuột Warsaw

Trong những ngày tháng Tư, chính phủ Ba Lan tổ chức nhiều hoạt động kỷ niệm 80 năm Cuộc nổi dậy của những người Ba Lan gốc Do Thái chống lại sự chiếm đóng của Đức Quốc xã ở khu Ghetto tại Warsaw. Báo TG&VN trân trọng giới thiệu bài viết của Giáo sư Piotr GLIŃSKI, Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Bộ Văn hóa và Di sản quốc gia Ba Lan.

Giáo sư Piotr GLIŃSKI, Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Bộ Văn hóa và Di sản quốc gia Ba Lan (Nguồn: INM)

Giáo sư Piotr GLIŃSKI, Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Bộ Văn hóa và Di sản quốc gia Ba Lan (Nguồn: INM)

Tháng Tư năm 1943, ngay đêm trước ngày Lễ Vượt qua của người Do Thái, quân Đức quốc xã đang chiếm đóng thủ đô Ba Lan đã bao vây khu ghetto tại Warsaw - khu Do Thái mà họ đã tạo ra - để chuẩn bị cho cuộc trừ khử lần cuối cùng.

Ngày 19/4, cảnh sát Đức quốc xã và lực lượng phụ trợ SS (Lực lượng bán quân sự trực thuộc Đức Quốc xã) tiến vào khu ghetto để thực hiện việc tiêu diệt này. Người dân trong khu ghetto đã phải trú ẩn trong các boongke và nơi ẩn náu khác nhau.

Quân nổi dậy Do Thái đã tấn công quân Đức quốc xã bằng súng cầm tay, bom chai và lựu đạn. Hai phương tiện của quân Đức quốc xã đã bị đốt cháy bằng bom xăng. Ban đầu, những người chiếm đóng đã bất ngờ không thể vượt qua được sự kháng cự quyết liệt của những người bảo vệ khu ghetto.

 Đài tưởng niệm các anh hùng Ghetto ở Warsaw, mặt phía Đông. (Nguồn: Wikipedia)

Đài tưởng niệm các anh hùng Ghetto ở Warsaw, mặt phía Đông. (Nguồn: Wikipedia)

Cuộc phản kháng đầu tiên

Đối mặt với sự phản đối mạnh mẽ và những thất bại ban đầu, quân Đức quốc xã bắt đầu đốt cháy các tòa nhà một cách có hệ thống, biến các con phố của khu ghetto thành một cái bẫy lửa. Khi cuộc giao tranh tiếp tục diễn ra bên trong, ở bên ngoài khu ghetto, các đơn vị của quân đội ngầm Ba Lan đã gấp rút tiến hành việc chống lại quân Đức quốc xã.

Ba bộ phận của Quân đội trong nước (AK) đã cố gắng phá vỡ bức tường của khu này bằng chất nổ nhưng không thành công. Những người Do Thái cam chịu đã chiến đấu cho đến đầu tháng Năm. Việc quân Đức quốc xã phá hủy Đại giáo đường Do Thái trên Phố Tłomackie ở Warsaw là hành động cuối cùng mang tính biểu tượng, dẫn đến sự sụp đổ của cuộc nổi dậy này.

Cuộc nổi dậy ở khu ổ chuột Warsaw là cuộc phản kháng ở đô thị đầu tiên và là cuộc nổi dậy lớn nhất của người Do Thái trong thời kỳ Đức quốc xã chiếm đóng. Vào chiều ngày 19/4/1943, các chiến binh đã đặt tượng trưng lá cờ đỏ trắng của Ba Lan và cờ xanh trắng của Tổ chức kháng chiến Warsaw (ZZW) trên nóc thành trì của Liên minh quân sự Do Thái tại Quảng trường Muranowski.

Hình ảnh hai lá cờ tung bay trên nóc tòa nhà phía trên khu ghetto hỗn loạn đã trở thành biểu tượng cho số phận không thể tách rời của người Ba Lan và người Do Thái. Vài tháng sau, vào tháng 8/1944, cuộc nổi dậy Warsaw đã nổ ra - cuộc chiến giành tự do cho Ba Lan, cuộc nổi dậy tự do lớn nhất trong lịch sử Thế chiến II.

Đài tưởng niệm các anh hùng Ghetto ở Warsaw, mặt phía Tây. (Nguồn: Wikipedia)

Đài tưởng niệm các anh hùng Ghetto ở Warsaw, mặt phía Tây. (Nguồn: Wikipedia)

Bản sắc văn hóa và cộng đồng

Các cuộc nổi dậy đã có nhiều lần được đề cập trong lịch sử, văn học, nghệ thuật và văn hóa Ba Lan. Chúng đã mang lại hy vọng, nâng đỡ tinh thần và an ủi những trái tim nhưng hầu như luôn bị đàn áp dã man bởi những kẻ chia cắt và chiếm đóng. Mặc dù điều đó là bi thảm và không thể tránh khỏi, nhưng chúng đã xây dựng được một bản sắc cộng đồng và mang lại chiến thắng nhiều năm sau đó.

Các cuộc nổi dậy cũng đã để lại dấu ấn sâu sắc trong xã hội và lịch sử Ba Lan. Do đó, chúng đã trở thành chủ đề thường xuyên trong văn học, hội họa và phim ảnh. Và mặc dù các nghệ sĩ miêu tả các sự kiện theo nhiều cách khác nhau, họ hầu như không bao giờ chỉ trích ý tưởng về cuộc nổi dậy. Họ ủng hộ cuộc đấu tranh cho tự do, nâng nó lên qua bệ đỡ văn hóa.

Trong Thế chiến II, người Do Thái và người Ba Lan đã đụng độ với bọn tội phạm người Đức quốc xã trong hai cuộc nổi dậy ở Warsaw, thủ đô của Ba Lan. Thành phố này, rốt cục, chỉ còn lại đống đổ nát, bị phá hủy và thiêu rụi. Điều này chứng tỏ nhu cầu tự do mạnh mẽ của Ba Lan.

Câu hỏi có thể được đặt ra là: Tại sao ở Warsaw? Điều đáng nhắc lại là vào năm 1939, trước thềm cuộc xâm lược của Đức quốc xã vào Ba Lan, gần 370.000 người Do Thái đang sinh sống ở Warsaw. Họ chiếm khoảng 30% tổng dân số của thành phố.

Bảo tàng lịch sử người Do Thái ở Warsaw. (kienviet.net)

Bảo tàng lịch sử người Do Thái ở Warsaw. (kienviet.net)

Vào năm sau khi Thế chiến II bùng nổ, gần 100.000 người Do Thái khác đã đến thủ đô Ba Lan, những người đã bị bọn Đức quốc xã di dời một cách có hệ thống khỏi các vùng đất được sáp nhập vào Đệ tam Đế chế và từ các vùng lãnh thổ bị chiếm đóng của Ba Lan.

Vào mùa Xuân năm 1940, quân Đức quốc xã bắt đầu quá trình tạo ra một khu Do Thái khép kín. Cuộc phong tỏa cuối cùng của khu ghetto tại Warsaw đã diễn ra vào tháng 11/1940. Đằng sau những bức tường, trên diện tích 307 ha, khoảng 400.000 người Do Thái đã bị nhốt. Vào tháng 4/1941, những người tái định cư đổ vào khu ghetto.

Số người bị giam giữ trong các bức tường này đã tăng lên tới 450.000 người. Không phải vô cớ mà tôi trích dẫn những con số này. Warsaw Ghetto là khu ghetto lớn nhất ở châu Âu do Đức quốc xã tạo ra trong Thế chiến II. Vào tháng 7/1942, những kẻ xâm lược bắt đầu trục xuất hàng loạt người Do Thái từ khu ổ chuột đến trại hủy diệt Treblinka.

Người ta ước tính rằng khoảng 250.000 đến 300.000 người Do Thái đã bị sát hại vào thời điểm đó. Khoảng 100.000 người đã chết trong khu ghetto vì đói và bệnh tật do điều kiện vô nhân đạo do những kẻ áp bức Đức quốc xã tạo ra.

Một khu trưng bày bên trong Bảo tàng lịch sử người Do Thái ở Warsaw .(Nguồn: warsawtour.pl)

Một khu trưng bày bên trong Bảo tàng lịch sử người Do Thái ở Warsaw .(Nguồn: warsawtour.pl)

Gìn giữ di sản và ký ức

Chúng tôi nói: “Người Do Thái”, nhưng chúng ta phải nhớ rằng họ là công dân của Ba Lan, Cộng hòa Ba Lan Đệ Nhị đa quốc gia, đa văn hóa. Do đó, nhiệm vụ chung của chúng tôi là kỷ niệm Cuộc nổi dậy ở khu ghetto tại Warsaw - cuộc nổi dậy lớn nhất của người Do Thái trong Thế chiến II và cuộc nổi dậy đô thị đầu tiên ở châu Âu bị chiếm đóng - và ghi nhớ lòng dũng cảm của những người đã chống lại quân Đức quốc xã chiếm đóng.

Những ngày này, hơn 150 sự kiện đang diễn ra ở Ba Lan để đánh dấu lễ kỷ niệm chính thức 80 năm Cuộc nổi dậy ở khu Ghetto tại Warsaw. Những sự kiện này do chính phủ Ba Lan tổ chức hoặc tài trợ, như một phần của chương trình do Bộ Văn hóa và Di sản quốc gia thực hiện nhằm hỗ trợ các hoạt động bảo tồn di sản và ký ức của người Do Thái Ba Lan, bao gồm cả di sản của người thiểu số Do Thái ở các vùng đất của Ba Lan, cũng như việc tưởng niệm sự kiện Holocaust của người Do Thái do người Đức quốc xã gây ra ở nơi Ba Lan bị chiếm đóng.

Trong số các tổ chức được chính phủ Ba Lan trợ cấp có các bảo tàng nhà nước tại các trại tử thần cũ của Đức quốc xã: Bảo tàng bang Auschwitz-Birkenau ở Oświęcim; Bảo tàng Nhà nước tại Majdanek (với các chi nhánh: Bảo tàng và Đài tưởng niệm ở Bełżec và Sobibór); Bảo tàng Stutthof ở Sztutowo; Bảo tàng Treblinka; Bảo tàng Gross-Rosen ở Rogoźnica; Bảo tàng KL Plaszow ở Kraków.

Ngoài ra còn có Bảo tàng khu Ghetto ở Warsaw, Bảo tàng Gia đình Ulma về người Ba Lan cứu người Do Thái trong Thế chiến II ở Markowa, Bảo tàng Tưởng niệm vùng đất của cư dân Oświęcim, Bảo tàng Lịch sử người Do Thái Ba Lan POLIN và Viện Lịch sử Do Thái Emanuel Ringelblum. Chúng bao gồm các tổ chức đã tồn tại trong nhiều thập kỷ, thường bị thiếu vốn trong quá khứ, cũng như những tổ chức được thành lập trong những năm gần đây với mục đích tưởng nhớ: Bảo tàng khu Ghetto tại Warsaw, Bảo tàng Gia đình Ulma về người Ba Lan cứu người Do Thái trong Thế chiến II ở Markowa, và Bảo tàng Tưởng niệm vùng đất của cư dân Oświęcim.

Ngày nay, Warsaw là thành phố của sự sống. Ba Lan là đất nước của sự sống. Chúng ta nhớ về quá khứ và rút kinh nghiệm lịch sử để xây dựng một tương lai tốt đẹp hơn. Nhưng chúng tôi cũng không quên những người đã chết hoặc bị sát hại. Ký ức được truyền qua các thế hệ phải tồn tại mãi mãi. Và hôm nay, chúng tôi là những người gìn giữ, bảo quản nó.

------------------------

* Bài viết của Giáo sư Piotr GLIŃSKI được xuất bản với sự cộng tác của tờ nguyệt san Ba Lan “Wszystko co Najważniejsze” như một phần của dự án lịch sử liên quan đến Viện Tưởng niệm quốc gia và Quỹ Quốc gia Ba Lan.

GS. Piotr GLIŃSKI

Nguồn TG&VN: https://baoquocte.vn/cuoc-noi-day-cua-nguoi-ba-lan-goc-do-thai-o-khu-o-chuot-warsaw-225219.html