Cuộc phiêu lưu mới của 'tay chơi' thời trang, nghệ thuật

Thế giới không còn như những gì mà chúng ta từng thấy. Những điều tưởng phi lý như một file ảnh trên Internet được mua lại với mức giá hàng chục triệu USD hay một chiếc túi ảo có thể bán ra với giá hơn 4.000 USD lại là sự thực. NFT chính là chiếc 'chìa khóa' làm nên các kỳ tích này...

Bức tranh NFT đắt giá của họa sĩ Beeple sẽ được giới thiệu tại triển lãm Dreamverse sắp diễn ra vào 4.11

Dựa trên nền tảng công nghệ blockchain, mọi thứ từ thẻ cầu thủ bóng rổ, vật phẩm game, tranh, nhạc cho tới cả các dòng Tweet đều có thể được giao dịch dưới dạng NFT trên các trang đấu giá online. Sức hút từ thị trường mua bán tác phẩm NFT đặc biệt mở ra cơ hội mới cho các tác phẩm nghệ thuật và thương hiệu thời trang xa xỉ trong thời đại số.

Công nghệ chứng thực trên blockchain ngăn chặn vấn đề đạo nhái, giúp các nghệ sĩ và nhà mốt yên tâm sở hữu bản quyền “đứa con tinh thần” của mình. Về phía người sưu tầm, họ cũng dễ dàng truy xuất nguồn gốc tác phẩm.

Báo cáo thương mại nghệ thuật trực tuyến của Hiscox năm 2021 với sự hợp tác của ArtTactic vừa được công bố cho thấy doanh số bán các tác phẩm nghệ thuật có NFT trong 3 quý đầu năm nay đã đạt 3,5 tỷ USD.

Các nền tảng nghệ thuật trực tuyến cũng đang tăng lên đáng kể. Theo báo cáo, 14% các đơn vị tham gia khảo sát cho biết họ đã cung cấp NFT thông qua trang web của mình. 38% số người được hỏi khác dự định sẽ trang bị NFT trong tương lai gần.

Trong đợt bùng nổ NFT đầu tiên vào đầu năm nay, người mua có xu hướng tập trung vào các tác phẩm của các nghệ sĩ đơn lẻ. Một trong những thương vụ mua bán liên quan đến NFT đình đám nhất trong mảng nghệ thuật thuộc về một bức ảnh được tạo nên từ các bức tranh của họa sĩ Beeple diễn ra hồi tháng 3 năm nay.

MỞ RA CÁC CƠ HỘI MỚI

Bức ảnh có tên “Everdays: The First 5.000 days”. Đây vốn là một file ảnh .jpeg, dễ tải trên Internet. Tuy nhiên, tác phẩm này đã được mua lại với giá hơn 69 triệu USD (tương đương với khoảng hơn 1.500 tỷ đồng) sau khi có NFT.

Thị trường giao dịch tác phẩm NFT nhộn nhịp trong thời gian qua cũng nhờ sự xuất hiện của nhiều gương mặt nghệ sĩ. Ca sĩ Grimes - cựu bạn gái của tỉ phú Elon, từng kiếm được 5,8 triệu USD (tương đương hơn 133 tỉ đồng) trong vòng chưa đầy 20 phút nhờ bán bộ sưu tập tranh và video âm nhạc NFT của mình.

Cơn sốt game NFT và “miếng bánh” tỷ đô

Ở làn sóng mới đây, các tác phẩm được tạo ra bởi các tập thể như Crypto Punks hay Bored Apes Yacht Club lại nhận được sự chú ý lớn hơn, theo báo cáo của Hiscox. Một trong những tranh có NFT của Bored Ape Yacht Club mới được bán với giá gần 1 triệu Bảng Anh.

Bên cạnh nghệ thuật, một trong những lĩnh vực ứng dụng mạnh mẽ NFT là thời trang. Tháng 6 vừa qua, Gucci chính thức chào hàng trên sàn đấu giá NFT một thước phim thời trang của mình. Thước phim có độ dài 4 phút nằm trong bộ sưu tập Aria kỷ niệm 100 năm thành lập thương hiệu đã được bán với giá lên tới 25.000 USD (khoảng hơn 500 triệu đồng). Một phiên bản kỹ thuật số của chiếc túi Dionysus của hãng Gucci cũng được bán trên nền tảng của Roblox với giá hơn 4.000 USD.

Theo chia sẻ của Gucci, việc các nhà mốt lớn tham gia vào NFT “chỉ còn là vấn đề thời gian”. Chiến lược này cũng giúp cho các nhãn hàng thời trang tiếp cận được thêm các tập khách hàng mới. Đó không phải là những fan hâm mộ lớn của các nhãn hiệu thời trang mà là những người quan tâm đến lĩnh vực blockchain.

Trong khi đó, các thương hiệu nhỏ hơn đã và đang tiến xa hơn nhiều. RTFKT Inc được coi là công ty tiên phong của hãng thời trang NFT. Công ty này đã bán được khoảng 600 đôi giày thể thao kỹ thuật số với giá 3,1 triệu USD trong 7 phút vào tháng Hai.

Các đôi giày kỹ thuật số có sức hút kỳ lạ với cả giới mộ điệu thời trang và những người yêu công nghệ blockchainRỦI RO TIỀM ẨN CHO NGƯỜI CHƠI

Tuy nhiên, đầu tư vào NFT cũng có những rủi ro nhất định. Đây là một trong những lĩnh vực đầu tư có biên độ dao động rất lớn, tương tự như bitcoin.

Đơn cử như trong lĩnh vực nghệ thuật, doanh số bán các tác phẩm nghệ thuật có NFT bùng nổ hồi tháng 3 nhờ bức tranh của họa sĩ Beeple. Ngay sau đó, vào tháng 4, thị trường trở nên trầm lắng. Đến tháng 8, doanh số của thị trường nghệ thuật có NFT lại tăng vọt lên 1,8 tỷ USD trước khi giảm mạnh khoảng 69% vào tháng 9.

Thêm vào đó, sức hút lớn nhất của công nghệ này là bất kỳ ai trên Internet cũng có thể tạo ra NFT từ bất cứ thứ gì lại là một trong những điểm yếu chính của NFT. Điều này đồng nghĩa với việc có rất nhiều token vô giá trị trên mạng. Theo các nhà quan sát, sự khan hiếm của một vật phẩm không đảm bảo cho giá trị của nó sẽ tăng. Do đó, người chơi có thể chịu khoản lỗ nặng khi cơn sốt NFT hạ nhiệt.

Tuy nhiên, ở thời điểm hiện tại, thị trường NFT vẫn còn nhiều tiềm năng, và nếu muốn tiến sâu vào lĩnh vực NFT, các nhãn hàng hay nghệ sĩ không chỉ đơn thuần tạo ra những bộ sưu tập ảo. Trải nghiệm mua bán NFT cũng cần đến tương tác giữa nghệ sĩ và người sưu tầm.

Hoàng An -

Nguồn VnEconomy: https://vneconomy.vn/cuoc-phieu-luu-moi-cua-tay-choi-thoi-trang-nghe-thuat.htm