Cuộc sống 'bất an' trong những chung cư cũ xuống cấp
Hàng nghìn người dân TPHCM vẫn đang sống trong các chung cư cũ nát, xuống cấp nghiêm trọng. Nguy cơ cháy nổ, sập nhà luôn rình rập, nhưng việc cải tạo, di dời vẫn diễn ra chậm, khiến cuộc sống 'bất an' kéo dài.

Chung cư Vĩnh Hội là một điển hình. Công trình được xây dựng trước năm 1975, gồm 4 tầng, nằm trên đường Nguyễn Hữu Hào, và chỉ cách trung tâm TPHCM chỉ đúng 1 cây cầu Ông Lãnh.


Tường nứt, trần bong tróc, lối thoát hiểm bị che chắn, hệ thống phòng cháy chữa cháy hư hỏng… tất cả tạo nên bức tranh đáng lo ngại về mức độ an toàn của nơi đây.

Nằm ở “vị trí vàng” giữa trung tâm thành phố, khu nhà này từng được xem là nơi lý tưởng để an cư. Thế nhưng, với nhiều người dân sinh sống tại đây, niềm tự hào đó dần nhường chỗ cho sự bất an khi tình trạng xuống cấp trầm trọng của công trình ngày càng rõ nét, ảnh hưởng trực tiếp đến cuộc sống và sự an toàn của họ.

Ông Dũng, cư dân lâu năm, cho biết: “May là hồi tháng 3 vừa rồi có gia cố bằng khung sắt, đỡ nguy hiểm hơn trước rất nhiều. Trước đó ai cũng thấp thỏm lo sợ. Nhưng dù đã gia cố, tôi vẫn hồi hộp vì tường cũ, phần trụ bên trong bị hoen gỉ, xuống cấp nghiêm trọng. Mỗi lần thấy vết nứt trên trần, lòng tôi lại lo lắng cho sự an toàn của gia đình”.

Trong khi đó, bà T. cư dân sinh sống hơn 40 năm tại đây, cho biết người dân rất đồng thuận với việc sửa chữa chung cư đã xuống cấp nghiêm trọng nhằm đảm bảo an toàn cho mọi người. Đặc biệt, những gia đình có con nhỏ càng lo lắng hơn khi tường nứt nẻ, nhiều chỗ tiềm ẩn nguy hiểm, sợ trẻ em chạy vào những khu vực không an toàn.


Những biển cảnh báo được lắp đặt dày đặc trong khu chung cư này.

Chung cư Ngô Gia Tự, được xây dựng từ năm 1968, bao gồm 16 lô, mỗi lô có 1 trệt và 3 lầu. Sau gần 60 năm hoạt động, nhiều hạng mục trong và ngoài công trình đã xuống cấp nghiêm trọng.

Lối lên của chung cư là cầu thang bộ.



Bằng mắt thường cũng dễ dàng nhận ra phần tường chung cư cũ nát, rêu bám thành mảng loang lổ, dây điện chằng chịt khắp nơi.

Trong khi đó, chung cư 137 Lý Thường Kiệt được xây dựng trước năm 1975. Năm 2018, UBND quận kết luận công trình thuộc cấp D – mức nguy hiểm cao nhất, với kết cấu không còn đảm bảo an toàn. Tuy nhiên, sau 7 năm, việc di dời cư dân vẫn chưa được thực hiện.

Hiện chung cư chỉ có một lối ra vào, không có lối thoát hiểm phụ.


Cơ sở vật chất đã xuống cấp nghiêm trọng, với cầu thang mục nát, lan can gỉ sét và hệ thống dây điện lộ thiên, gây mất an toàn cho cư dân.

Người dân phải dùng tấm che tạm bợ để gia cố khu vực thấm nước, tiềm ẩn nhiều nguy hiểm. Chị Trang, một cư dân tại đây, cho biết: “Nghe nói về việc di dời nhiều lần nhưng đến giờ vẫn chưa thấy thực hiện. Nhà thì dột, tường bong tróc. Gần đây, sau nhiều vụ cháy chung cư, nỗi lo của chúng tôi càng tăng vì hệ thống phòng cháy chữa cháy ở đây cũng đã xuống cấp. Chúng tôi mong được hỗ trợ nơi ở tạm để yên tâm chuyển đi. Còn nếu chưa thể di dời, thì cần sửa chữa để đảm bảo an toàn cho người dân".
Theo Sở Xây dựng TPHCM, thành phố hiện còn 474 chung cư cũ được xây dựng trước năm 1975. Trong số này, 16 chung cư đã được kiểm định cấp D (mức hư hỏng nặng), được đánh giá là nguy hiểm và cần phải di dời, tháo dỡ khẩn cấp để đảm bảo an toàn tính mạng và tài sản cho người dân. Tuy nhiên, tiến độ cải tạo và xây dựng lại các chung cư này vẫn còn chậm, chưa đạt được mục tiêu đề ra.
Nguồn Saigon Times: https://thesaigontimes.vn/cuoc-song-bat-an-trong-nhung-chung-cu-cu-xuong-cap/