Hơn 9.000 tỷ đồng, 69 nhà thầu cải tạo kênh dài nhất TPHCM: Tiến độ 'lội bộ' giữa dòng
Sau hơn 2 năm thi công, dự án cải tạo kênh Tham Lương - Bến Cát - rạch Nước Lên vẫn ì ạch, nhiều đoạn vắng bóng công nhân. Trong số 69 nhà thầu tham gia thi công, năng lực của nhiều đơn vị không đáp ứng yêu cầu.
Dự án cải tạo môi trường và xây dựng hạ tầng kênh Tham Lương - Bến Cát - rạch Nước Lên có chiều dài gần 32 km, đi qua 7 quận, huyện (cũ) của TPHCM. Với tổng vốn đầu tư điều chỉnh hơn 9.000 tỷ đồng, dự án được kỳ vọng giải quyết tình trạng ngập nước, ô nhiễm và phát triển giao thông đô thị.
Tuy nhiên, ghi nhận những ngày giữa tháng 7/2025, nhiều đoạn công trường vẫn ngổn ngang, cây dại mọc um tùm, vật liệu xây dựng và rác thải bị đổ trộm dọc tuyến.

Một đoạn bờ kênh thuộc dự án qua quận Bình Tân (cũ) vắng bóng công nhân thi công. Khu vực lòng kênh cũng chưa được nạo vét.


Rác sinh hoạt và vật liệu xây dựng bị đổ trộm dọc tuyến, gây mất mỹ quan.
Dù được xem là công trình trọng điểm thuộc đề án chống ngập và xử lý nước thải giai đoạn 2020-2045 của TPHCM, tiến độ toàn dự án tính đến tháng 7/2025 mới đạt khoảng 52,5%, chậm hơn nhiều so với kế hoạch.

Một đoạn kênh gần quốc lộ 1 (đoạn qua quận Bình Tân cũ).
Dự án gồm 10 gói thầu xây lắp chính với 69 nhà thầu liên danh thi công. Tuy nhiên, nhiều đơn vị vẫn triển khai ì ạch, không đáp ứng yêu cầu kỹ thuật khiến các gói thầu rơi vào tình trạng trễ hẹn hàng tháng trời.

Một số đoạn bờ kênh vẫn chưa thi công phần đường giao thông.


Trong khi đó, một số đoạn đã bắt đầu được thảm nhựa đường.

Một đoạn kênh gần khu vực cầu Nước Lên (đoạn quận Bình Tân cũ) đang được thi công.

Đoạn cuối tuyến kênh ở gần khu vực rạch Nước Lên, công nhân và máy móc đang thi công thảm nhựa đường.

Một số đoạn vẫn còn khá ngổn ngang.
Theo Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng hạ tầng đô thị TPHCM (Ban Hạ tầng, chủ đầu tư), nhiều hạng mục vẫn đang chậm tiến độ so với kế hoạch ban đầu, đối mặt với không ít trở ngại và tồn đọng cần tháo gỡ. Một trong những nguyên nhân chính là do năng lực thi công của một số nhà thầu chưa đáp ứng yêu cầu. Mặc dù đã nhiều lần được đôn đốc, nhắc nhở, nhiều đơn vị vẫn triển khai ì ạch, buộc Ban Hạ tầng đô thị phải áp dụng các biện pháp xử lý, bao gồm cả việc xử phạt vi phạm hợp đồng.

Một đoạn ở khu vực quận Bình Tân cũ vẫn còn vướng mặt bằng.
Dự án cũng gặp khó khăn trong việc giải phóng mặt bằng. Một số vị trí vẫn chưa được bàn giao. Ngoài ra, hệ thống điện, trạm biến áp, cáp viễn thông chưa được di dời, cản trở tiến độ và ảnh hưởng đến an toàn thi công.
Theo kế hoạch, dự án sẽ hoàn thành trong năm 2026. Nếu các nhà thầu không có biện pháp khắc phục kịp thời, công trình có nguy cơ tiếp tục trễ hẹn, ảnh hưởng đến mục tiêu chống ngập, cải tạo môi trường và cải thiện chất lượng sống cho người dân TPHCM.