Cuộc sống mới nơi lưng mây
Từ Quốc lộ 4D, chúng tôi rẽ vào tuyến đường bê tông mới đổ, men theo triền Dao Sơn, tìm tới thôn tái định cư mới Pờ Sì Ngài, xã Trung Chải, huyện Sa Pa. Đường đẹp, chẳng mấy chốc đã đến 'công trường' xây dựng nhà của các hộ. Từ khi đến nơi ở mới, cuộc sống người dân nơi đây đã có nhiều đổi thay nhờ có đường, điện, nước, nhà văn hóa, trường học được Nhà nước đầu tư đồng bộ.
Chúng tôi tới thôn đúng vào thời điểm mùa thu hoạch lúa, đa số đàn ông, phụ nữ đi ruộng giúp nhau gặt lúa. Những ngôi nhà xây dang dở được gác lại để kịp thu hoạch vụ lúa duy nhất trong năm. Cả thôn chỉ còn vài người già và trẻ con. Lũ trẻ thấy người lạ, nép vào sau cửa, chỉ trỏ, nói cười khúc khích.
Pờ Sì Ngài nằm trên cao, nhìn thẳng sang đỉnh Dao Sơn, thiết bị GPS mang theo của chúng tôi chỉ độ cao gần 1.500 m so với mực nước biển. Thời tiết ở Pờ Sì Ngài khá lạnh, tương đương với thị trấn Sa Pa. “Vào mùa đông, nơi đây thường chìm trong sương mù và giá rét. Nhiều năm, ở thôn đã xuất hiện băng giá, tuyết rơi. Tính từ tháng 10 năm trước đến tháng 3 năm sau, có khi gần 2 tháng, người dân phải sống trong mây, không nhìn thấy ánh sáng mặt trời”, ông Lò Quẩy Xỉn cho biết.
Ông Lò Quẩy Xỉn năm nay 73 tuổi, nhưng vẫn còn khỏe. Dừng công việc, ông mời chúng tôi vào nhà uống nước và bắt đầu câu chuyện. “Mọi người trong thôn đi gặt hết rồi, còn tôi ở nhà trông cháu. Buồn chân, buồn tay nên tôi dùng xe đẩy gạch phụ giúp nhà em họ chuẩn bị xây dựng nhà. Tuổi già, sức yếu nhưng không làm thì cảm thấy chân tay buồn bực”.
Gần 1 ngày, ông Xỉn đã vận chuyển được hơn 1.000 viên gạch đỏ cho nhà em họ.
Là người cao tuổi nhất nhì trong thôn, ông Xỉn không giấu nổi niềm vui khi thôn được chuyển về nơi ở mới. Nhà nước đầu tư san gạt mặt bằng, làm đường, kéo điện, cấp nước sinh hoạt và hỗ trợ mỗi hộ 30 triệu đồng để chuyển nhà. Cuộc sống người dân Pờ Sì Ngài như chuyển sang trang mới.
Ông Xỉn kể: Rạng sáng 5/8/2016, do ảnh hưởng của mưa lớn, khu vực thôn Pờ Sì Ngài xảy ra lũ quét, sạt lở đất, tốc mái nhà, nhiều hộ bị thiệt hại nhà và tài sản. Chưa kể, phía đỉnh Dao Sơn sau thôn xuất hiện nhiều vết nứt và ngày càng lan rộng, tính mạng và tài sản của người dân trong thôn bị đe dọa. Ngay trong ngày 5/8, có 11 hộ phải di chuyển khẩn cấp. Sau đó, theo nguyện vọng và sự thống nhất của người dân, Nhà nước đã hỗ trợ kinh phí di chuyển các hộ ra khỏi vùng nguy hiểm, vị trí mới cách nơi ở cũ gần 2 km.
Nhờ có tuyến đường bê tông trải dài tới tận thôn, hầu hết các hộ ở thôn Pờ Sì Ngài đã mua xe máy. Việc đi lại, vận chuyển nông sản, vật liệu thuận lợi hơn. “Ngày trước, có nằm mơ tôi cũng không dám nghĩ đến cảnh được sống trong căn nhà xây, thanh niên trong thôn chở nhau bằng xe máy phóng vèo vèo. Ở tuổi này, tôi được nhìn thấy điều ấy là vui lắm rồi”, ông Xỉn tâm sự.
Chia tay ông Xỉn, chúng tôi tìm đến nhà ông Lý Phủ Chòi, bởi nghe nói ông Chòi vừa “tậu” bộ máy xay xát lúa, nghiền ngô bằng điện trị giá gần 30 triệu đồng để thay thế bộ máy chạy bằng đầu nổ cũ kỹ. Tới nhà, ông Chòi đang loay hoay với chiếc máy xát gạo mới, vì khi lắp đặt thiếu puly, phải chờ người bán mang tới. Chán xem máy, ông Chòi san gạt đất, làm rãnh thoát nước xung quanh khu vực đặt máy xay xát, máy nghiền.
Ông Chòi kể: Ngày trước, nhà tôi nằm ở nơi cao nhất thôn, khi Nhà nước vận động chuyển xuống dưới, tôi kiên quyết ở lại. Bây giờ, thôn mới chuyển về đây, nhà tôi nằm ngay trung tâm thôn. Trước đây, gia đình tôi mua máy xát bằng đầu nổ để phục vụ người dân trong thôn. Mùa đông lạnh, máy khó nổ lắm, phải đốt lửa mồi. Nay có điện lưới quốc gia đến tận thôn, tôi mua ngay máy chạy điện để phục vụ nhu cầu xay xát của bà con. Sắp tới, tôi cũng mua thêm ti vi, tủ lạnh để phục vụ nhu cầu của gia đình.
Chờ mãi đến gần tối, Trưởng thôn Pờ Sì Ngài - anh Chảo Dào Tá mới đi gặt lúa giúp dân về. Anh Tá cho biết: Thôn Pờ Sì Ngài có 40 hộ, 100% là người Dao. Do ảnh hưởng của thiên tai nên thôn chính thức chuyển hết về nơi ở mới vào cuối năm 2017. Nhờ sự quan tâm của Nhà nước, Pờ Sì Ngài từ chỗ khó khăn nhất xã, nay trở thành thôn đẹp nhất, dân cư tập trung, đời sống người dân có nhiều thay đổi. Thôn được xã chọn để xây dựng thôn kiểu mẫu. Ở nơi mới, người dân đã xây dựng nhà ở kiên cố, nhiều mô hình nuôi đại gia súc, trồng địa lan, cây ăn quả… được người dân triển khai.
Trò chuyện với chúng tôi, Chủ tịch UBND xã Trung Chải, ông Đỗ Công Quyền cho biết: Pờ Sì Ngài bây giờ khác xưa rồi, chúng tôi đang xây dựng thôn này và thôn Sín Chải trở thành 2 thôn kiểu mẫu của xã. Tương lai không xa, chúng tôi muốn đưa nơi đây trở thành điểm du lịch cộng đồng bởi hiếm có thôn nào có độ cao 1.500 m so với mực nước biển mà dân cư tập trung, bản sắc văn hóa được gìn giữ, phong cảnh đẹp, thời tiết mát mẻ như ở Pờ Sì Ngài. Chúng tôi đang vận động người dân xây dựng nhà ở, hạ tầng để phục vụ phát triển du lịch.
Dễ nhận thấy niềm vui trong lời nói, ánh mắt trong câu chuyện với mỗi người dân, Trưởng thôn Pờ Sì Ngài và lãnh đạo xã Trung Chải. Cuộc sống nơi lưng mây đã đổi thay từ khi người dân chuyển đến nơi ở mới. Chắc chắn không xa, nơi đây sẽ trở thành điểm du lịch cộng đồng hấp dẫn, giúp người dân làm giàu, xây dựng thôn nông thôn mới vùng cao kiểu mẫu.