Cuộc sống tại hòn đảo hứng chịu hơn 1.800 trận động đất trong 3 tuần

Hơn 1.800 trận địa chấn trong 3 tuần, hàng chục người sơ tán, nhưng một nhóm nhỏ vẫn kiên cường ở lại đảo Tokara (Nhật Bản), sống giữa rung lắc, trách nhiệm và hy vọng.

 Học sinh trên đảo Akusekijima, thuộc quần đảo Tokara xa xôi của Nhật Bản, đội mũ bảo hiểm trên đường đến lớp vào ngày 30/6. Ảnh: Asahi Shimbun.

Học sinh trên đảo Akusekijima, thuộc quần đảo Tokara xa xôi của Nhật Bản, đội mũ bảo hiểm trên đường đến lớp vào ngày 30/6. Ảnh: Asahi Shimbun.

Suốt 3 tuần qua, hòn đảo nhỏ Akusekijima thuộc quần đảo Tokara (Nhật Bản) hứng chịu hơn 1.800 trận động đất - một cơn “sóng ngầm” không hồi kết khiến phần lớn cư dân phải sơ tán. Nhưng giữa những rung chuyển dữ dội ngày đêm, hiệu trưởng Yoshiro Tobo vẫn kiên quyết ở lại.

Ông là người trông nom ngôi trường duy nhất trên đảo, hiện được trưng dụng làm trung tâm sơ tán. Gia đình ông đã chuyển về thành phố Kagoshima, nhưng người đàn ông 52 tuổi vẫn ở lại làm điểm tựa cho cộng đồng nhỏ bé còn bám trụ.

“Đảo đã rung liên tục suốt nhiều ngày. Tôi lo lắng, sợ hãi và không thể ngủ được. Có lúc, động đất xảy ra dồn dập như không có hồi kết. Ngay cả trong giấc ngủ, tôi vẫn cảm nhận được trận lớn đang đến”, ông Tobo chia sẻ với CNN.

Những lo trong đêm trắng

Trận động đất mạnh nhất xảy ra ngày 3/7 đã làm đồ đạc đổ sập, khiến việc đứng vững cũng trở nên khó khăn, theo Cơ quan Khí tượng Nhật Bản. Ngay sau đó, khoảng 75% dân số đảo, gồm 49 người, đã được sơ tán bằng phà về đất liền.

Nhưng ông Tobo chọn ở lại. Trong đợt sơ tán khẩn cấp tối 6/7, ông đã mở sân trường - nơi hiện được sử dụng làm trung tâm trú ẩn - cho 19 cư dân còn lại và 5 nhân công trú ẩn qua đêm, tránh xa các công trình dễ đổ sập. May mắn, trường học đến nay vẫn chưa bị hư hại.

“Tôi sơ tán lúc nửa đêm, quay lại giường lúc 1h30 sáng nhưng không thể ngủ yên. Một số trận rung rất mạnh”, ông kể. Dù vậy, Tobo nói rằng ông chấp nhận điều này như một phần trách nhiệm công việc.

“Là hiệu trưởng, tôi chọn ở lại để phối hợp cùng chính quyền và hỗ trợ người dân địa phương”, ông nói thêm. Gia đình ông hiện sống tại thành phố Kagoshima trên đảo Kyushu. “Ban đêm tôi ở nhà, nhưng luôn sẵn sàng sơ tán đến trường bất cứ lúc nào”.

Theo ông Takashi Arikawa từ Văn phòng làng Toshima - đơn vị quản lý khu vực - cộng đồng nơi đây đang “mất ngủ trầm trọng” và “kiệt sức” vì chuỗi động đất xảy ra ngày đêm không ngừng.

 Một phần của làng Toshima nằm trên đảo Akusekijima vào ngày 3/7. Ảnh: Yomiuri Shimbun.

Một phần của làng Toshima nằm trên đảo Akusekijima vào ngày 3/7. Ảnh: Yomiuri Shimbun.

Ngoài ông Tobo, những người còn lại trên đảo gồm lính cứu hỏa, nông dân, nhân viên điện lực, một bác sĩ và một y tá.

Trường học đã mở lại lớp học trực tuyến vào ngày 8/7. Trước đó, học sinh phải đội mũ bảo hiểm khi đến trường đề phòng nguy hiểm, và trường đóng cửa hai ngày.

“Lúc đó, vẫn còn vài em nhỏ chưa rời đảo. Các em lo lắng và sợ hãi trước những cơn rung liên tục. Tôi cố gắng động viên và trấn an các em”, ông Tobo nói. “Chúng tôi cầu nguyện cho sự an toàn của những người còn ở lại và mong nhà cửa của họ không bị tàn phá”.

Tại đảo Kodakarajima gần đó - cũng là một trong bảy đảo có người ở thuộc quần đảo Tokara - chính quyền địa phương xác nhận 15 người đã sơ tán, còn lại 44 người cùng bốn công nhân vẫn bám trụ.

Hiệu trưởng Kozo Matsuno của đảo này cũng quyết định ở lại. Ông cho biết ban đầu tất cả cửa hàng đều đóng cửa, và các nhu yếu phẩm được chuyển đến bằng phà từ Kagoshima. Tuy nhiên, sau nhiều đêm mất ngủ, ông lạc quan hơn.

“Tần suất động đất đang giãn cách dần. Tôi hy vọng xu hướng này sẽ tiếp tục”, ông nói với CNN. Ông cũng xác nhận sức khỏe của học sinh vẫn ổn định, một nửa đang học trực tuyến sau khi sơ tán, nửa còn lại tiếp tục học trực tiếp.

Sống trong tâm chấn của vành đai lửa

Khoảng 700 cư dân trên 12 hòn đảo của quần đảo Tokara đã rất quen với tình huống khẩn cấp. Trên website trường học tại Akusekijima, hình ảnh học sinh chui xuống gầm bàn tránh động đất trong buổi diễn tập tháng trước được đăng tải.

Ngoài trận động đất mạnh ngày 3/7, khu vực còn ghi nhận 128 trận ở cấp độ 3 theo thang đo Shindo của Nhật (gồm 7 mức) - đủ để đánh thức người đang ngủ. Có ít nhất 39 trận cấp độ 4 (cảm nhận rõ khi đang đi bộ), 4 trận cấp độ 5 (có thể làm vỡ cửa kính) và 3 trận cấp 5 mạnh (di chuyển khó khăn nếu không có chỗ vịn).

Năm 2023, khu vực từng trải qua một đợt rung chuyển lớn với 346 trận động đất ghi nhận trong một đợt.

 Người dân và du khách lên phà để sơ tán khỏi đảo Akuseki vào ngày 4/7, sau trận động đất có cường độ ban đầu là 5,5 độ richter tấn công hòn đảo. Ảnh: Yomiuri Shimbun.

Người dân và du khách lên phà để sơ tán khỏi đảo Akuseki vào ngày 4/7, sau trận động đất có cường độ ban đầu là 5,5 độ richter tấn công hòn đảo. Ảnh: Yomiuri Shimbun.

Hiện chưa có nguy cơ sóng thần, song theo truyền thông địa phương, mặt đất vẫn còn rất bất ổn. Chính quyền cảnh báo nguy cơ sập nhà và sạt lở đất vẫn hiện hữu.

Hôm 5/7, chính phủ Nhật cảnh báo có thể xảy ra thêm các trận động đất mạnh tại khu vực, đồng thời bác bỏ các lời đồn đoán vô căn cứ về thảm họa lớn sẽ xảy ra trong tháng 7 - xuất phát từ một cuốn manga có tên “Tương lai tôi đã thấy”.

Tác phẩm này từng cảnh báo đúng về thảm họa động đất và sóng thần tại vùng Tohoku hồi tháng 3/2011 - sự kiện đã gây ra thảm họa hạt nhân Fukushima. Phiên bản “đầy đủ” của manga, phát hành năm 2021, dự báo rằng trận động đất lớn tiếp theo sẽ xảy ra vào tháng 7 năm nay.

Nhật Bản nằm trên Vành đai Lửa - nơi tập trung 75% núi lửa đang hoạt động trên thế giới và là điểm phát sinh khoảng 90% các trận động đất toàn cầu. Đây là nơi tiếp giáp của nhiều mảng kiến tạo, va chạm và chuyển động liên tục gây ra ma sát, từ đó giải phóng năng lượng, tạo ra động đất.

Sống với địa chấn, người dân ở Akusekijima và Tokara đang kiên cường chống chọi với chuỗi động đất dồn dập và cầu mong mặt đất sớm yên bình trở lại.

Phương Linh

Nguồn Znews: https://znews.vn/cuoc-song-tai-hon-dao-hung-chiu-hon-1800-tran-dong-dat-trong-3-tuan-post1568052.html