Trận động đất thế kỷ hé lộ bí mật ít người biết bên dưới Tử Cấm Thành
TRUNG QUỐC - Bên dưới lớp gạch nền của Tử Cấm Thành rộng lớn là một bí mật mà trước năm 1976 không một nhà nghiên cứu nào nắm được.
LỜI TÒA SOẠN
Là quần thể cung điện hoàng gia lớn nhất thế giới, biểu tượng quyền lực tối thượng của các triều đại phong kiến Trung Hoa, song đằng sau những bức tường son cao vút, những mái ngói vàng rực rỡ của Tử Cấm Thành ẩn chứa vô vàn câu chuyện ly kỳ hay góc khuất mà không nhiều người biết.
VietNamNet giới thiệu tuyến bài Bí ẩn Tử Cấm Thành
Bài 1: Vì sao sau 23h Tử Cấm Thành lại hút đầy quạ đen?
Bài 2: Vì sao nơi quan trọng nhất trong Tử Cấm Thành lại vắng bóng cây xanh?
Bài 3: Phòng tân hôn của vua và hoàng hậu trong Tử Cấm Thành có gì đặc biệt?
Rạng sáng 28/7/1976, một trận động đất mạnh 7,6 độ richter bất ngờ xảy ra với tâm chấn gần thành phố Đường Sơn, tỉnh Hà Bắc, cách Thủ đô Bắc Kinh khoảng 180km.
Trận động đất Đường Sơn được coi là một trong những cơn địa chấn thảm khốc nhất thế kỷ 20 ở Trung Quốc, khiến hơn 240.000 người dân nước này thiệt mạng.

Ảnh: Weibo
Phát hiện mang tính đột phá
Tại Bắc Kinh, nhiều công trình, trong đó có Tử Cấm Thành, cũng bị rung lắc mạnh. Các chuyên gia đã khảo sát, kiểm tra độ an toàn và ổn định của toàn bộ quần thể.
Trong quá trình kiểm tra điện Thái Hòa, nơi từng tổ chức các nghi lễ lớn của triều đình phong kiến, nhân viên bảo tồn phát hiện một số viên gạch nền bị nứt nhẹ.


Ảnh: Sohu
Khi bóc lớp gạch trên mặt ra để phục dựng và đánh giá kết cấu bên dưới, các chuyên gia không khỏi bất ngờ. Bên dưới là 14 lớp gạch được xếp xen kẽ, chồng lên nhau theo kết cấu chặt chẽ, tạo thành tổng cộng 15 lớp nền.
Các kỹ sư, chuyên gia đến từ Viện Nghiên cứu kiến trúc cổ Trung Quốc và Bảo tàng Cố Cung Bắc Kinh đã nhanh chóng hợp tác để tiến hành nghiên cứu chuyên sâu.


Theo sử sách, loại gạch được dùng trong Tử Cấm Thành gọi là 'gạch vàng'. Ảnh: Sohu
Kết quả cho thấy, mỗi lớp gạch có độ dày khoảng 12cm (tổng độ dày của 15 lớp gạch là 1,8m), được lót kèm với cát sạch và đất sét nén kỹ, không có vữa xi măng hay chất kết dính như thời hiện đại.
Đặc biệt, các lớp này không được xếp đồng đều hay thẳng hàng mà bố trí lệch nhau, giúp phân tán áp lực, giảm tối đa ảnh hưởng của rung chấn và tránh hiện tượng lún nền, vốn rất dễ xảy ra ở những nơi điều kiện địa chất phức tạp như Bắc Kinh.
Quy trình sản xuất 'gạch vàng' dùng trong Tử Cấm Thành. Video đồ họa: Vân Anh
Trước đó, giới học giả chưa từng biết đến quy mô nền gạch nhiều lớp như vậy trong kiến trúc cung đình Trung Quốc.
Việc tình cờ phát hiện trong quá trình kiểm tra hậu động đất đã mở ra hướng nghiên cứu mới về trình độ kỹ thuật xây dựng thời kỳ đầu thế kỷ 15, khi Tử Cấm Thành được hoàn tất vào năm 1420 dưới thời Minh Thành Tổ Chu Đệ.


Tử Cấm Thành được hoàn tất vào năm 1420 dưới thời Minh Thành Tổ Chu Đệ. Ảnh: Sohu
“Nếu so với kỹ thuật nền móng hiện đại, thì cấu trúc nền nhiều tầng gạch tại điện Thái Hòa là một hệ thống giảm chấn hoàn toàn bằng cơ học, không cần công nghệ hiện đại mà vẫn đạt hiệu quả tương đương bê tông cốt thép.
Đây là biểu tượng cao nhất của trí tuệ thủ công truyền thống Trung Hoa", giáo sư Chu Chấn, chuyên gia về kiến trúc cổ tại Đại học Thanh Hoa, nhận định.
Sự ổn định của trật tự thiên hạ
Ý nghĩa của phát hiện này còn được nhiều người đánh giá là vượt xa những giá trị về mặt kiến trúc. Tử Cấm Thành vốn được coi là biểu tượng quyền lực của hoàng đế, nên việc sắp đặt 15 lớp nền gạch còn thể hiện sự ổn định của “trật tự thiên hạ”.
Trong tư duy Nho giáo cổ đại, số lẻ (đặc biệt là số 15 – tượng trưng cho chu kỳ viên mãn âm dương) mang tính biểu trưng mạnh. Việc xây lớp nền sâu, vững và dày có thể được hiểu là "thiên địa bất di", đại diện cho quyền lực vĩnh cửu của vương triều.

Tử Cấm Thành nằm trên “long mạch” của Bắc Kinh. Ảnh: SCMP
Xét theo yếu tố phong thủy, Tử Cấm Thành nằm trên “long mạch” của Bắc Kinh, nên 15 lớp nền gạch được cho là để lưu giữ dòng khí thiêng, không cho phát tán ra ngoài, đồng thời tạo nền vững cho ngai vàng.
Lịch sử Tử Cấm Thành. Video đồ họa: Vân Anh