Hé lộ nguyên nhân tai nạn máy bay thảm khốc ở Ấn Độ khiến 260 người thiệt mạng

Các nhà điều tra đã phát hiện rằng, cả hai công tắc điều khiển nhiên liệu cho 2 động cơ máy bay bất ngờ chuyển sang chế độ 'cut-off' - ngắt nhiên liệu, khiến động cơ bị ngừng cấp nhiên liệu và mất toàn bộ lực đẩy.

Ngày 12/7, Cục Điều tra tai nạn hàng không Ấn Độ (AAIB) đã phát hành báo cáo ban đầu về vụ tai nạn máy bay thảm khốc liên quan đến chuyến bay AI 171 của hãng hàng không Air India vào chiều ngày 12/6.

Theo đó, chiếc máy bay khách Boeing 787-8 Dreamliner chở 242 người, hành trình Ahmedabad đến London- Anh cất cánh lúc 13h38’, chỉ bay được chưa đầy 40 giây trước khi rơi xuống ký túc xá một trường y, trong khu dân cư đông đúc tại thành phố Ahmedabad, phía tây Ấn Độ, cách đường băng chưa đầy 2 km.

Chiếc máy bay đã vỡ tan khi chạm đất và bùng cháy. Tất cả mọi người trên máy bay đều thiệt mạng, ngoại trừ người duy nhất sống sót là Vishwaskumar Ramesh, 40 tuổi, một hành khách quốc tịch Anh gốc Ấn Độ.

Khoảng 19 người trên mặt đất cũng thiệt mạng và 67 người khác bị thương.

Báo cáo cho biết, chỉ vài giây sau khi cất cánh, cả hai công tắc điều khiển nhiên liệu cho 2 động cơ máy bay bất ngờ chuyển sang chế độ “cut-off” - ngắt nhiên liệu, khiến động cơ bị ngừng cấp nhiên liệu và mất toàn bộ lực đẩy.

Ngắt nhiên liệu là thao tác thường chỉ được thực hiện sau khi máy bay đã hạ cánh.

Tình huống chiếc máy bay rơi. Nguồn: BNONews.

Trong khi đó, đoạn ghi âm trong buồng lái cho thấy giọng một phi công hỏi phi công kia: “Tại sao anh lại ngắt nhiên liệu?”, người kia trả lời “Tôi không ngắt”.

Đoạn ghi âm không rõ ai là người hỏi và ai trả lời, do các nhà điều tra chưa thể nhận diện được giọng nói. Ở thời điểm cất cánh, Cơ phó Clive Kunder, 32 tuổi có thâm niên 3.403 giờ bay, là người điều khiển, còn Cơ trưởng Sumeet Sabharwal, 56 tuổi, có kinh nghiệm dày dặn với 15.638 giờ bay, giữ vai trò giám sát.

Các công tắc sau đó đã trở lại vị trí bay bình thường, khiến hệ thống tự động khởi động lại động cơ. Khi máy bay gặp nạn, một động cơ đang khôi phục lực đẩy, trong khi động cơ còn lại đã khởi động lại nhưng chưa đạt đủ công suất.

Theo dữ liệu từ Flightradar24, máy bay đã đạt được độ cao 195 m trong điều kiện thời tiết quang đãng trước khi mất tín hiệu định vị sau 50 giây.

Đáng chú ý, công tắc nhiên liệu trên máy bay được thiết kế có cơ chế chốt khóa an toàn, chỉ có thể kích hoạt sau khi được kéo lên để mở khóa, mục đích để tránh thao tác nhầm.

Ngoài ra, các công tắc còn được các khung chắn bao bọc để ngăn các va chạm vô tình.

 Chiếc máy bay của Air India đã rơi xuống một khu dân cư đông đúc ở thành phố Ahmedabad. Ảnh: Getty.

Chiếc máy bay của Air India đã rơi xuống một khu dân cư đông đúc ở thành phố Ahmedabad. Ảnh: Getty.

“Gần như không thể cùng lúc dùng một tay để bật cả hai công tắc, do đó khả năng thao tác nhầm là rất thấp.”, một chuyên gia điều tra tai nạn hàng không có trụ sở tại Canada cho biết.

Nếu một trong hai phi công là người thực hiện thao tác tắt công tắc đó, dù vô tình hay cố ý, thì câu hỏi đặt ra là “Tại sao lại làm vậy chỉ vài giây sau khi cất cánh?”, ông Shawn Pruchnicki, cựu điều tra viên tai nạn hàng không và là chuyên gia hàng không tại Đại học Bang Ohio (Mỹ), đặt câu hỏi.

Các nhà điều tra cũng nhấn mạnh rằng, vụ việc này cho thấy sự cần thiết phải trang bị camera ghi hình trong buồng lái, như khuyến nghị từ Ủy ban An toàn Giao thông Quốc gia Mỹ (NTSB). Một góc quay từ phía sau vai sẽ cho thấy rõ ai là người đã chạm vào công tắc ngắt nhiên liệu.

Theo báo cáo điều tra, trước khi lên chuyến bay số hiệu 171, toàn bộ phi hành đoàn và hai phi công đều đã vượt qua bài kiểm tra nồng độ cồn và được xác nhận đủ điều kiện bay. Hai phi công làm việc tại Mumbai đã đến Ahmedabad từ ngày hôm trước và được cho là đã nghỉ ngơi đầy đủ.

Trong khi theo báo cáo, máy bay đủ điều kiện bay với Giấy chứng nhận đánh giá khả năng bay có hiệu lực đến tháng 5/2026. Chiếc Boeing 787-8 cũng đã được bảo dưỡng định kỳ và không có hàng hóa nguy hiểm trên máy bay.

Sự cố máy bay gây hỏa hoạn nghiêm trọng dưới mặt đất. Nguồn: upuknews.

Tuy nhiên, các nhà điều tra đã lưu ý một khuyến cáo “Thông tin an toàn đặc biệt- SAIB” của Cục Hàng không Liên bang Mỹ (FAA) vào tháng 12/2018, trong đó cảnh báo rằng, một số công tắc kiểm soát nhiên liệu trên dòng máy bay Boeing 737 đã được lắp đặt mà không kích hoạt tính năng khóa an toàn.

Thiết kế công tắc tương tự cũng được sử dụng trên dòng Boeing 787-8, tức là gồm cả chiếc VT-ANB của Air India gặp nạn.

Air India nói với các nhà điều tra rằng, họ đã không thực hiện việc kiểm tra như đề xuất do SAIB này chỉ mang tính khuyến nghị và không bắt buộc.

Cựu điều tra viên tai nạn hàng không Pruchnicki băn khoăn: “Khi tính năng khóa bị vô hiệu hóa, điều gì sẽ xảy ra? Liệu công tắc có thể tự động chuyển sang chế độ tắt và khiến động cơ ngừng hoạt động hay không? Nếu quả thật như vậy, đó là một vấn đề hết sức nghiêm trọng. Còn nếu không thì điều này cũng cần được làm rõ”.

Kishore Chinta, cựu điều tra viên của AAIB, cũng đặt câu hỏi, liệu công tắc ngắt nhiên liệu có thể bị hệ thống điều khiển điện tử kích hoạt do lỗi ở bộ điều khiển điện tử của máy bay hay không.

 Lực lượng cứu hộ thu thập thi thể nạn nhân tại hiện trường. Nguồn: Pritamkrbauddh.

Lực lượng cứu hộ thu thập thi thể nạn nhân tại hiện trường. Nguồn: Pritamkrbauddh.

Trong khi đó, báo cáo cũng cho biết các mẫu nhiên liệu lấy từ các bồn tiếp nhiên liệu đều đạt yêu cầu.

Trước đó, các chuyên gia từng đặt giả thuyết nhiên liệu bị nhiễm bẩn có thể là nguyên nhân dẫn đến sự khiến cả hai động cơ không hoạt động.

Tuy nhiên, cho đến thời điểm hiện tại, chưa có khuyến cáo nào được ban hành đối với dòng Boeing 787 hoặc động cơ GE GEnx-1B, và lỗi cơ khí đã tạm thời bị loại trừ, chờ điều tra thêm.

Báo cáo cũng cho biết cánh tuabin gió khẩn cấp (RAT) đã bung ra, một dấu hiệu rõ ràng cho thấy hệ thống đang gặp sự cố nghiêm trọng và càng hạ cánh được phát hiện vẫn trong trạng thái chưa được thu lại. Thông thường, quá trình thu càng hoàn tất khi máy bay đạt độ cao 120m

RAT có chức năng như máy phát điện dự phòng trong trường hợp khẩn cấp. Thiết bị này sẽ tự động bung ra khi cả hai động cơ mất lực đẩy hoặc khi cả ba hệ thống thủy lực đều rơi vào tình trạng áp suất cực thấp, nhằm cung cấp lượng điện tối thiểu giúp duy trì các chức năng bay thiết yếu.

Theo các nhà điều tra, việc RAT kích hoạt là bằng chứng thuyết phục cho thấy cả hai động cơ đã ngừng hoạt động.

Văn Phong/BBC, Aljazeera

Nguồn BVPL: https://baovephapluat.vn/quoc-te/tin-tuc/he-lo-nguyen-nhan-tai-nan-may-bay-tham-khoc-o-an-do-khien-260-nguoi-thiet-mang-180806.html