Cuộc tập trận hé lộ chiến lược của Israel đối phó với Iran
Cuộc tập trận quy mô lớn của Không quân Israel được xem như sự chuẩn bị cho trường hợp Tehran trả đũa sau các cuộc tấn công tiềm tàng của Israel nhằm vào cơ sở hạt nhân Iran.
Ngày 21/4, Không quân Israel đã tiến hành cuộc tập trận quy mô lớn mô phỏng các cuộc tấn công bằng tên lửa và máy bay không người lái (UAV) vào các căn cứ của chính nước này. Đây được xem là phản ứng trước căng thẳng leo thang với Iran và lo ngại khả năng Tehran trả đũa sau các cuộc tấn công tiềm tàng của Israel nhằm vào cơ sở hạt nhân Iran.
Theo Kann News của Israel, cuộc tập trận diễn ra trong bối cảnh Iran đã hai lần tấn công Israel bằng tên lửa và UAV vào tháng 4 và tháng 10/2024, nhằm vào các cơ sở quân sự của Israel. Cuộc diễn tập này cho thấy Israel đang chuẩn bị cho kịch bản xung đột leo thang trong khu vực, nơi tình hình đã trở nên phức tạp bởi chương trình hạt nhân của Iran và sự dịch chuyển trong các liên minh khu vực.
Các động thái của Israel nhấn mạnh sự cân bằng mong manh giữa răn đe và ngoại giao tại Trung Đông, nơi Mỹ đóng vai trò chủ đạo trong việc duy trì sự ổn định khu vực, với tư cách là đồng minh chiến lược quan trọng của Tel Aviv.

Máy bay F-16 của Israel. Ảnh: KT
Chuẩn bị cho kịch bản Iran trả đũa
Cuộc tập trận của Không quân Israel tập trung vào các tình huống phòng thủ, dựa trên các kịch bản thực tế từ những đợt tấn công trước của Iran, bao gồm tên lửa đạn đạo và UAV tầm xa, giá rẻ. Các cuộc diễn tập mô phỏng các đợt tấn công nhắm vào những căn cứ trọng yếu như Nevatim và Ramon, hai địa điểm đã bị tấn công trong năm 2024.
Mục tiêu chính là kiểm tra khả năng của hệ thống phòng thủ đa tầng của Israel, cũng như mức độ sẵn sàng của bộ chỉ huy khi đối mặt với tình huống tấn công kéo dài. Dù chi tiết cụ thể chưa được công bố, quân đội Israel cho thấy họ đã rút ra nhiều bài học từ các đợt tấn công của Iran, dù phần lớn bị đánh chặn, nhưng vẫn bộc lộ những điểm yếu trong hệ thống phòng thủ.
Bối cảnh cuộc tập trận là sự đối đầu lâu dài giữa Israel và Iran, ngày càng căng thẳng do chương trình hạt nhân của Tehran. Theo Cơ quan Năng lượng Nguyên tử Quốc tế (IAEA), Iran hiện đã tích lũy đủ vật liệu phân hạch để chế tạo bom hạt nhân, dù Tehran khẳng định chương trình này chỉ nhằm mục đích dân sự.
Israel coi một Iran sở hữu vũ khí hạt nhân là mối đe dọa sống còn, và điều này khiến Tel Aviv phải cân nhắc khả năng tấn công phủ đầu vào các cơ sở hạt nhân của Iran như Natanz và Fordow, vốn được bảo vệ nghiêm ngặt.
Theo hãng tin Reuters, Israel đang xem xét phương án tấn công giới hạn vào các cơ sở này bằng không kích và chiến dịch đặc nhiệm, với mục tiêu trì hoãn tiến trình hạt nhân của Iran trong nhiều tháng hoặc thậm chí nhiều năm. Tuy nhiên, giới chức Israel vẫn chưa đưa ra quyết định cuối cùng.
Các đợt tấn công của Iran trong năm 2024 là dấu mốc quan trọng giải thích động thái phòng thủ hiện tại của Israel. Tháng 4/2024, Iran đã phóng hơn 300 tên lửa và UAV vào Israel để trả đũa vụ ám sát hai tướng lĩnh cấp cao của Iran tại Damascus. Cuộc tấn công dù bị đánh chặn phần lớn, nhưng đã đánh dấu bước leo thang nguy hiểm trong đối đầu trực tiếp giữa hai nước. Một đợt tấn công khác diễn ra vào tháng 10, sau khi Israel tiêu diệt thủ lĩnh Hezbollah Hassan Nasrallah tại Beirut. Khi đó, Iran lại phóng tên lửa đạn đạo và UAV vào các căn cứ không quân Israel.
Mặc dù hiệu quả chưa đạt kỳ vọng, các đợt tấn công này cho thấy Iran ngày càng tỏ ra tinh vi và quyết tâm đối đầu trực diện với Israel.
Bài toán phòng thủ của Israel
Trọng tâm trong chiến lược phòng thủ của Israel là mạng lưới phòng không hiện đại gồm ba tầng: hệ thống Arrow, David's Sling và Vòm Sắt (Iron Dome). Hệ thống Arrow, được phát triển cùng Mỹ, đóng vai trò then chốt trong việc đánh chặn tên lửa đạn đạo ở tầng khí quyển cao.
Arrow có khả năng đánh chặn mục tiêu ở độ cao trên 100km và tầm bắn đến 2.400km, được thiết kế để đối phó với tên lửa tầm trung như Fattah-1, loại tên lửa đạn đạo nhiên liệu rắn mà Iran tuyên bố có thể bay với tốc độ siêu thanh và tránh né radar.
David's Sling được dùng để đánh chặn tên lửa tầm trung và hành trình, còn Iron Dome bảo vệ trước các cuộc tấn công tầm thấp như rocket và UAV. Tuy nhiên, hiệu quả của các hệ thống này trước những đợt tấn công ồ ạt, đồng loạt vẫn là một dấu hỏi lớn.
Iran hiện sở hữu kho tên lửa đa dạng và số lượng lớn, từ Fattah-1 (tầm bắn 1.400km, đầu đạn có thể mang vũ khí hạt nhân), đến Shahab-3 (2.000km) và Kheibar Shekan – loại tên lửa mới có độ chính xác cao. Bên cạnh đó, UAV dòng Shahed-136 – từng được sử dụng rộng rãi trong các đợt tấn công năm 2024 – có khả năng bay hơn 2.000km, mang đầu đạn 50kg, và khó phát hiện nhờ thiết kế nhỏ gọn.
CNN cho biết Iran vẫn tiếp tục sản xuất UAV Shahed với sự hỗ trợ từ Trung Quốc, bao gồm lô hàng 1.000 tấn nhiên liệu tên lửa gần đây, bất chấp các cuộc không kích của Israel nhằm vào các nhà máy sản xuất.
Dù hệ thống phòng thủ của Israel vượt trội so với các nước láng giềng, số lượng lớn tên lửa và UAV của Iran đặt ra bài toán về tính bền vững. Một quả tên lửa đánh chặn Arrow có giá hàng triệu USD, trong khi một UAV Shahed chỉ có giá vài nghìn USD. Điều này tạo ra thế đối đầu bất đối xứng về chi phí và công nghệ.
Các hệ thống phòng không hiện đại như S-400 của Nga hay Patriot của Mỹ cũng gặp khó khăn trước các đợt UAV tấn công từ Ukraine hay Houthi, cho thấy “lấy số lượng áp đảo chất lượng” là xu hướng trong chiến tranh hiện đại.
Tính toán chiến lược và vai trò của Mỹ
Trước đây, Israel từng hành động đơn phương trong những tình huống căng thẳng, như phá hủy lò phản ứng hạt nhân của Iraq năm 1981 và cơ sở nghi là hạt nhân ở Syria năm 2007. Tuy nhiên, một cuộc tấn công vào Iran, nơi các cơ sở hạt nhân được bảo vệ kiên cố và đặt sâu dưới lòng đất, là một thách thức lớn hơn nhiều, với nguy cơ kéo theo một cuộc xung đột khu vực toàn diện.
Bối cảnh hiện nay đã khác. Cuộc chơi giờ đây không chỉ là bài toán quân sự, mà còn phụ thuộc nhiều vào toan tính địa chính trị. Chính trong bức tranh đó, Mỹ tiếp tục đóng vai trò trung tâm, vừa là đồng minh chiến lược của Israel, vừa là nhân tố có thể kiềm chế hoặc hậu thuẫn cho các hành động quân sự.
Theo Kann News, trong tháng 4, 9 máy bay vận tải quân sự của Mỹ đã chuyển giao hàng trăm bom xuyên boongke cho Israel – loại vũ khí được thiết kế để xuyên qua các cơ sở ngầm sâu như ở Natanz hoặc Fordow. Dù thông tin chưa được chính thức xác nhận, đây được coi là dấu hiệu cho thấy Washington vẫn duy trì cam kết hỗ trợ Israel trong trường hợp xảy ra chiến dịch quân sự thực tế.
Song song đó, Mỹ vẫn đang dẫn đầu các nỗ lực đàm phán hạt nhân với Iran, với vòng đàm phán gần nhất diễn ra tại Rome ngày 19/4/2025. Tuy nhiên, Tehran tiếp tục giữ lập trường cứng rắn, từ chối nhượng bộ về cả chương trình hạt nhân lẫn tên lửa. Lãnh tụ tối cao Ali Khamenei dù không hoàn toàn khép lại cánh cửa đối thoại, nhưng cũng chưa thể hiện bất kỳ tín hiệu mềm mỏng nào.
Thêm vào đó, sự hợp tác ngày càng sâu rộng giữa Iran với Trung Quốc và Nga càng khiến phương Tây lo ngại về một trục chiến lược mới chống lại ảnh hưởng của Mỹ và Israel tại Trung Đông.
Trong thế trận ngày càng phức tạp, Israel vừa phải duy trì khả năng răn đe trước Iran, vừa không thể bỏ qua vai trò điều phối của Mỹ, quốc gia có thể cung cấp cả công cụ quân sự lẫn không gian ngoại giao. Tuy nhiên, khi các liên minh khu vực liên tục dịch chuyển và công nghệ vũ khí ngày càng tinh vi, bài toán đặt ra cho cả Washington lẫn Tel Aviv không còn đơn thuần là ngăn chặn Iran sở hữu vũ khí hạt nhân.