Thỏa thuận hạt nhân mới với Iran sẽ ảnh hưởng gì tới giá dầu?
Một thỏa thuận hạt nhân mới giữa Iran và các cường quốc liệu có thể xảy ra? Và nếu có, điều đó sẽ ảnh hưởng ra sao tới giá dầu toàn cầu?

Thỏa thuận hạt nhân mới với Iran sẽ ảnh hưởng gì tới giá dầu? Hình minh họa
Đây là những câu hỏi then chốt được hãng tin AFP đặt ra cho hai chuyên gia năng lượng – ông Caleb Jasso, cố vấn chính sách cấp cao tại Viện Nghiên cứu Năng lượng (IER), và bà Ellen R. Wald, Chủ tịch công ty tư vấn Transversal Consulting – trong cuộc phỏng vấn độc quyền gần đây.
Cơ hội có thỏa thuận: Có, nhưng không dễ dàng
Theo ông Jasso, khả năng đạt được một thỏa thuận là có, nhưng con đường phía trước sẽ rất gian nan.
“Dưới thời ông Trump, Mỹ từng gây sức ép quân sự để kéo Iran trở lại bàn đàm phán. Tuy nhiên, hiện nay vẫn còn rất nhiều rào cản”, ông nhận định.
Ông cũng cho biết, Iran đang gặp nhiều khó khăn, do xung đột với Israel và việc can dự quân sự vào Syria để ủng hộ chính quyền Assad. Những yếu tố này đang khiến tầm ảnh hưởng của Tehran trong khu vực bị suy giảm. Trong khi đó, các yêu cầu của Mỹ như kiểm soát nghiêm ngặt các cơ sở hạt nhân và chấm dứt hoàn toàn chương trình vũ khí hạt nhân là những điều rất khó chấp nhận với Iran, nhất là trong bối cảnh nội bộ nước này đang có nhiều bất ổn.
“Nếu muốn có thỏa thuận, Iran sẽ phải cho phép thanh sát toàn diện, hạn chế làm giàu uranium, thậm chí có thể phải từ bỏ chương trình tên lửa đạn đạo”, ông Jasso phân tích.
Ở chiều ngược lại, Mỹ cũng cần có những bước nhượng bộ lớn: Gỡ bỏ các lệnh trừng phạt chủ chốt, cho phép Iran xuất khẩu dầu trở lại, và có thể đưa ra một số cam kết an ninh với Tehran. Ông Jasso nhận định: “Chiến lược gây sức ép mạnh để buộc đối phương nhượng bộ là một canh bạc đầy rủi ro”.
Nếu có thỏa thuận, giá dầu sẽ ra sao?
Về ảnh hưởng đến thị trường, nếu đạt được thỏa thuận và các lệnh trừng phạt được gỡ bỏ, nguồn cung dầu từ Iran sẽ quay trở lại, tạo áp lực khiến giá dầu thế giới giảm nhẹ.
Dù Iran vẫn bị ràng buộc bởi hạn ngạch của OPEC+, nhưng việc họ quay lại thị trường sẽ ảnh hưởng đến cân bằng cung – cầu toàn cầu, theo ông Jasso. Đặc biệt, ông lưu ý rằng Trung Quốc hiện là khách hàng lớn nhất của Iran. Nếu Iran tái gia nhập thị trường quốc tế, Trung Quốc có thể sẽ phụ thuộc nhiều hơn vào dầu của Nga, từ đó làm thay đổi cấu trúc thương mại dầu toàn cầu.
Xây dựng lòng tin – yếu tố quyết định
Dưới góc nhìn khác, bà Ellen Wald cho rằng không phải là không thể đạt được thỏa thuận dưới thời chính quyền Trump, nhưng điều đó cần thời gian để xây dựng lòng tin và thiết lập các cơ chế vững chắc, nhằm đảm bảo thỏa thuận không bị đảo ngược khi chính quyền thay đổi.
“Chỉ cần có tín hiệu tích cực về đàm phán, thị trường dầu cũng sẽ phản ứng ngay lập tức, và giá có thể giảm nhẹ. Tuy nhiên, khả năng Iran có thể đưa lượng lớn dầu ra thị trường trong thời gian ngắn là không cao”, bà Wald nhận định.
Hiện tại, Nhà Trắng, Bộ Ngoại giao Iran, OPEC, Bộ Ngoại giao Nga và Quốc vụ viện Trung Quốc đều chưa bình luận về vấn đề này.