Cuộc thi 'Cha và con gái': Khi tâm tư được viết ra mà không sợ phán xét

Chị Đỗ Thị Vân, tác giả đoạt giải Nhì cuộc thi viết Cha và con gái chia sẻ rằng, nhờ có cuộc thi mà chị được cởi tấm lòng mình, viết ra những tâm tư mà không sợ bị ai phán xét.

Chị Đỗ Thị Vân, tác giả đoạt giải Nhì cuộc thi viết "Cha và con gái" chia sẻ rằng, nhờ có cuộc thi mà chị được cởi tấm lòng mình, viết ra những tâm tư mà không sợ bị ai phán xét.

Sáng ngày 12/7, tại Hội trường Nhà xuất bản Hội Nhà văn Việt Nam (Hà Nội), Tạp chí Gia đình Việt Nam đã tổ chức Lễ tổng kết, trao giải cuộc thi viết "Cha và con gái" lần thứ 2 và ra mắt cuốn sách “Cha và con gái”.

Gần 1.000 bài dự thi nhưng không có câu chuyện, tình huống nào lặp lại. Mỗi số phận, mỗi con người đều có một phần lịch sử được kể lên, tạo ra một bức tranh sinh động về tình cảm cha - con, về những giá trị cốt lõi bao đời nay của gia đình Việt.

Đối với người đàn ông, được làm cha là niềm hạnh phúc lớn nhất trong đời. Ai cũng mong muốn cho con mình có cuộc sống tốt đẹp, đầy đủ, lớn lên trong tình thương yêu. Thế nhưng, không phải người cha nào cũng có thể đồng hành cùng con trên bước đường trưởng thành một cách trọn vẹn nhất. Có những người cha vì cơ thể không lành lặn hay vì những biến cố cuộc đời mà hành trình làm cha của họ cũng vì thế thật nhiều chông gai.

Hình ảnh người cha ấy đã được chị Đỗ Thị Vân, tác giả đoạt giải Nhì cuộc thi khắc họa một cách chân thực và xúc động trong tác phẩm “Ký ức”.

Đi từ Thanh Hóa về Hà Nội và có mặt tại lễ trao giải từ rất sớm, chị Vân bày tỏ niềm vui, hào hứng chờ đợi giây phút được nhận giải.

Chị chia sẻ: “Nhận được cuộc gọi thông báo được giải từ ban tổ chức, tôi cảm thấy rất bất ngờ. Tôi vui không hẳn vì giải thưởng mà vì câu chuyện của mình đã được thấu hiểu và chạm đến trái tim của ban giám khảo”.

Chị Vân tâm sự, người ta có thể thoải mái kể về tuổi thơ của mình với những gì đẹp đẽ và trong sáng nhất nhưng với chị mỗi lần nhắc lại quá khứ thì toàn là kỷ niệm buồn, rất đau lòng, dễ rơi nước mắt.

Trong bài dự thi của mình, chị kể về nỗi chán chường, sợ hãi, xấu hổ và thậm chí trong một phút giây nào đó chị trách móc rằng: “Vì sao ông trời lại để bố là bố của con”.

Chị Vân kể lại, năm chị 8 tuổi, cơ thể cha bất ngờ phát triển một khối u ở lưng rồi to dần như chiếc mũ cối, chèn vào dây thần kinh, biến cha thành một người hoàn toàn khác. Sổ khám bệnh của ông có thêm những từ “tàn tật, tâm thần”.

Những hạnh phúc bên cha trước đó bỗng chốc tan biến khiến tâm trạng của chị như rơi xuống vực sâu thăm thẳm. Trong mắt cô bé 8 tuổi lúc đấy, người cha thật đáng sợ khi ông dần trở nên điên loạn, đập phá, đánh người.

Những gì mà chị - một đứa trẻ non dại làm khi ấy chỉ là né tránh, không còn muốn ngồi cạnh cha, cúi gằm mặt khi bị bạn bè trêu chọc, ghét cha vì đốt tất cả sách vở của chị trong một đêm không tỉnh táo, thậm chí là không dám nhận cha.

Những cảm xúc lạc lối như thế cứ đi theo chị trong suốt những tháng ngày lớn khôn. Cho đến tận khi trưởng thành, trải qua bao bầm dập, đắng cay trong đời, chị mới dần mở lòng mình ra và bắt đầu cảm nhận chút tình cảm yêu thương, sự chăm sóc của cha, dù chỉ là chút vụng về.

“Không ít lần bố đánh con vì không thể kiểm soát hành vi của chính mình. Những vết sẹo đó còn mãi trên da thịt con. Thế nhưng sau mỗi lần bố trót đánh con, bố lại nhìn chỗ vết thương thật lâu, hỏi con có đau không. Có lẽ sự tỉnh táo hiếm hoi đó khiến bố dằn vặt và khổ tâm nhiều lắm vì đã làm tổn thương đứa con của mình” - Chị viết.

Sau cùng, chị nhận ra rằng cha đã yêu thương chị theo cách riêng của mình, không hoàn hảo, trọn vẹn như những người cha khác nhưng nào ai định giá được tình yêu nhất lại là tình yêu của một người điên suốt hơn hai mươi năm.

Có lẽ, nếu không phải là một cuộc thi viết về cha và con gái, chị Vân sẽ không dễ dàng tâm sự những điều đau lòng này.

Chia sẻ với ban tổ chức, chị Vân cho biết cuộc thi do tạp chí Gia đình Việt Nam phát động viết về gia đình nên có sự gắn kết rất cao, chị được cởi tấm lòng của mình, viết ra những tâm tư mà không sợ bị ai phán xét.

Là người thiếu thốn tình cảm của bố từ khi còn rất nhỏ, chị Vân càng trân trọng những gì thuộc về gia đình. Hạnh phúc dẫu ít suốt bao năm qua nhưng từng chút ký ức những thời khắc tỉnh táo của cha dành cho gia đình chị đã trở thành nguồn sức mạnh giúp chị Vân tự tin bước vào đời. Cũng vì có một người bố tâm thần, chị Vân đã rèn luyện cho chính mình bản lĩnh và sự kiên nhẫn trong mọi hoàn cảnh.

Có thể nói, cuộc thi viết "Cha và con gái" đã cất cánh cho những yêu thương thầm kín, nhưng tâm tư từ sâu thẳm tâm hồn mỗi người. Đúng như nhà thơ Hồng Thanh Quang - Trưởng ban giám khảo cuộc thi đã nói, với tất cả những ai tham gia cuộc thi, họ đều nhận được những giá trị rất lớn đó là bày tỏ được tình cảm, thổ lộ tình yêu thương chân thành đối với cha và con gái. Đó là điều lớn hơn bao giờ hết, lớn hơn cả về giá trị vật chất.

Thùy Linh

Nguồn Tiêu Dùng: https://tieudung.giadinhonline.vn/cuoc-thi-cha-va-con-gai-khi-tam-tu-duoc-viet-ra-ma-khong-so-phan-xet-d9003.html