Cuộc thi viết 'Cha và con gái': Mỗi số phận chứa một phần lịch sử

Với hơn 60 bài dự thi được gửi về, tuần này các bài viết của con gái dành cho cha chiếm đa số. Đáng chú ý, có bài dự thi con dâu viết về bố chồng nhưng bằng tình cảm của con gái dành cho cha ruột. Hay có trường hợp người cha viết cho con gái, khi mà 'người tình kiếp trước' còn chưa chào đời.

Những bức ảnh đen trắng có lịch sử hằng nửa thế kỷ được các tác giả gửi kèm bài dự thi

Những bức ảnh đen trắng có lịch sử hằng nửa thế kỷ được các tác giả gửi kèm bài dự thi

Trong số những bài được chọn đăng tuần thứ 2 của cuộc thi viết chủ đề “Cha và con gái” chúng tôi đặc biệt ấn tượng với bài: “Bố chồng là người cha đầu tiên trong cuộc đời tôi” của tác giả Nhật Anh ở Đan Phượng, Hà Nội.

Ban đầu, chúng tôi băn khoăn bởi điều lệ cuộc thi quy định viết những câu chuyện về cha và con gái. Đây lại là bài viết về tình cảm của con dâu dành cho bố chồng, liệu có đúng quy chế, điều lệ cuộc thi?. Nhưng rồi, đọc xong câu chuyện, chúng tôi hiểu rằng, trong cuộc đời, có những thứ tình cảm không thể đo bằng số học. Người bố chồng trong câu chuyện của tác giả Nhật Anh còn hơn cả cha ruột.

Theo tác giả, chị sinh ra mà không biết cha mình là ai. Cả tuổi thơ sống trong sự thiếu thốn tình cảm, sự che chở của người cha. Cho đến khi lấy chồng, sống với bố mẹ chồng, chị mới cảm nhận hết được, người đàn ông “vĩ đại” mà con người ta hay gọi là cha như thế nào. Bố chồng, một người nông dân thật thà chất phác đã yêu thương chị như con gái, bù đắp tình cảm cho chị như cha ruột.

Chúng tôi cảm nhận được sự xúc động của tác giả Nhật Anh khi chị kể về lần đi sinh con. Lúc ra viện đã tựa vào vai của bố chồng để bước xuống cầu thang bệnh viện. Hình ảnh thật giản dị nhưng vô cùng ấm áp. Chỉ có những ai thiếu thốn tình cảm của cha ruột mới cảm nhận hết được những phút giây như thế. Và vì thế, câu chuyện con dâu viết về bố chồng xuất hiện trong cuộc thi viết “Cha và con gái” không hề lạc lõng.

Trái lại, nó khiến cho diễn đàn của chúng ta trở nên hấp dẫn, thú vị và nhân văn hơn. Tình phụ tử đôi khi không phải câu chuyện về máu mủ ruột rà mà còn là tình cảm được vun đắp từ những yêu thương trong cuộc sống hằng ngày.

Con dâu viết về bố chồng nhưng bằng tình cảm của con gái dành cho cha ruột

Con dâu viết về bố chồng nhưng bằng tình cảm của con gái dành cho cha ruột

Một câu chuyện thú vị nữa được người cha là một cán bộ kiểm lâm ở Quảng Bình viết cho cô con gái ở… tương lai. Bài dự thi viết dưới dạng một lá thư, bằng một trí tưởng tượng vô cùng đáng yêu. Tác giả Nguyễn Anh Tuấn hẹn gặp cô công chúa bé nhỏ của mình 2 năm nữa bằng những lời nhắn nhủ ân cần mà đầy triết lý. Anh hy vọng con gái của mình sau này sẽ là một người độc lập: độc lập về suy nghĩ, độc lập về tài chính và độc lập về cảm xúc.

“Vì ba là đàn ông mà, không biết nên định hướng cho con gái ba thế nào nhỉ? Sau một hồi suy tưởng cùng với mẹ con thì cả hai chúng ta đều thống nhất rằng, con gái của ba phải là một cô gái độc lập trong tương lai”, tác giả viết.

Tác giả là một cán bộ kiểm lâm đã viết thư gửi cho con gái ở... tương lai

Tác giả là một cán bộ kiểm lâm đã viết thư gửi cho con gái ở... tương lai

Trong những dòng ký ức về cha gửi đến cuộc thi, tác giả Nguyễn Thị Bích Hà ở Quảng Ngãi tâm sự rằng, cha chưa bao giờ nói yêu mình, thậm chí bản thân chị từng ghét cha. Nhưng rồi khi lớn lên, trưởng thành, chị mới hiểu được lòng cha. Rằng, mỗi người cha có cách yêu con gái của mình khác nhau. Chị chưa bao giờ được cha đưa đến trường, cha không mua đồ chơi. Nghỉ hè, cha bắt các con ra vườn, dạy cho cách gieo trồng, bắt ra đồng lội ruộng khiến chị đen nhẻm chứ không trắng trẻo như những đứa con gái khác.

Chị từng căm thù cái nắng, ghét những buổi chiều phải lầm lỳ trên đồng, trên lưng trâu. Chị từng bị cha đánh đòn vì dám cùng lũ bạn nhổ trộm củ mỳ nướng ăn khi đi trăn trâu…

Nhưng rồi cũng chính cô bé “ghét cha” trở thành cô học trò cấp 1đã biết phân biệt các loài rau, củ, quả, chơi thành thạo gần hết các trò chơi dân gian. Sau này, lớn lên, chị mới hiểu rằng chính sự khắt khe của cha là một bài học để mình sớm tự lập. Một người cha chưa hề nói yêu con nhưng lại yêu con hơn ngàn lời nói.

“Ba tôi không phải giáo viên, cũng không phải bác sỹ, đơn giản ông chỉ là một người thợ hồ đã hơn 20 năm. Chính con người ba và cái nghề thợ hồ đó đã dạy cho tôi biết bao bài học có ý nghĩa”, tác giả Võ Thị Ý Lan đã mở đầu bài dự thi như thế khi viết về ba mình. Hình ảnh bàn tay của ba bị lở loét vì dị ứng với xi măng đã theo chị suốt đời. Đó là đôi bàn tay chị trân trọng nhất, đôi bàn tay vàng trong ánh mắt của con gái.

Cùng dòng cảm xúc với tác giả Ý Lan, tác giả Phạm Thị Yến ở Mai Sơn, Sơn La lại kể về chiếc xe thồ của cha. Theo chị, đó là chiếc xe… chở ước mơ con. Chiếc xe thồ đã vượt trời mưa tầm tã vào viện chăm vợ vượt cạn, đón thiên thần nhỏ. Chiếc xe thồ đã chạy suốt mấy chục năm, vượt qua bao ghềnh thác cuộc đời để mong con có ngày khôn lớn. Đến lúc trưởng thành, chưa kịp đáp đền thì cha đã cưỡi hạc se mây về miền biên viễn.

Phần lớn các bài dự thi tuần này đều là ký ức của con gái viết về cha

Phần lớn các bài dự thi tuần này đều là ký ức của con gái viết về cha

Tròn 14 năm bố mất, tác giả Trịnh Thanh Hoa vẫn chưa quên những ký ức tươi đẹp, vui vẻ về người cha của mình.

“Khi đã 55 tuổi, cha vẫn gọi tôi là “bình rượu mơ. Ngày đó tóc tôi dày lắm, chấy rất nhiều, lắm lúc ngứa điên đầu. Thấy vậy, bố lấy hạt na giã nhỏ, pha với rượu trắng ủ lên đầu tôi, vài lần chấy sạch bách, cơn ngứa cũng hết theo. Đến bây giờ tôi vẫn nhớ các bố chăm sóc tóc cho “bình rượu mơ”. Bố luôn có một chai đựng nước chanh cô đặc tự làm. Mỗi khi gội đầu bằng nước bồ kết, bố thường cho mấy giọt chanh xoa đều lên tóc tôi, vì thế tóc óng mượt, đen mướt…”, tác giả viết.

Hầu hết các bài dự thi tuần này đều là hồi ức về cha của con gái. Nhiều người nói, con gái viết về cha rất dễ, bởi đó lại một sợi dây tình cảm đặc biệt, không cần viết mà chỉ cần chép lại ký ức. Tìm trong mỗi một câu chuyện, chúng tôi thấy những mảnh ghép của lịch sử.

Đó có thể là câu chuyện vui, cũng có thể là ký ức buồn, hình ảnh nuối tiếc nhưng tất cả đều tạo nên một bức tranh sinh động, giàu tình yêu cuộc sống. Đó cũng là điều mà vượt ra ngoài ý nghĩa của một cuộc thi, của những giải thưởng, chúng tôi hy vọng sẽ lan tỏa thêm những yêu thương…

Thông tin Cuộc thi viết chủ đề "Cha và con gái"

Yêu cầu

- Bài viết bằng tiếng Việt, dung lượng 1.000 - 1.500 từ được in trên giấy hoặc gửi qua email do Ban tổ chức cung cấp.

- Bài viết được thực hiện dưới dạng thư tâm tình cha dành cho con gái, con gái dành cho cha hoặc dưới dạng tản văn kể về kỷ niệm vui buồn giữa cha - con; nhật ký viết cho cha - con để lột tả về góc ký ức không quên…

- Ưu tiên những bài dự thi có ảnh nhân vật kèm theo

Đối tượng dự thi

- Tất cả công dân Việt Nam trong và ngoài nước đều có thể tham gia dự thi

- Mỗi tác giả được gửi tối đa ba (03) bài dự thi

- Tác phẩm được chọn đăng báo sẽ được trả nhuận bút theo quy định của tòa soạn Tạp chí Gia đình Việt Nam.

Thời gian nhận bài thi

- Thời gian nhận bài dự thi: Từ ngày 19/04/2023 đến ngày 19/06/2023 tính theo dấu bưu điện.

- Lễ tổng kết và Gala Trao giải diễn ra vào Ngày Gia đình Việt Nam 28/06/2023.

Địa chỉ nhận bài thi

- Bài dự thi online gửi qua email: [email protected].

- Bài dự thi viết tay hoặc đánh máy gửi về Tòa soạn Gia đình Việt Nam (Địa chỉ: Số 2 đường Lê Đức Thọ, quận Cầu Giấy, TP.Hà Nội).

Ngoài bì thư ghi rõ: Bài dự thi "Cha và con gái" kèm thông tin tác giả, địa chỉ, số điện thoại. Ban tổ chức không chịu trách nhiệm nếu hồ sơ tham dự cuộc thi bị thất lạc hoặc hư hỏng do lỗi của bưu điện.

Thông tin liên hệ

Tòa soạn Tạp chí Gia đình Việt Nam: Số 2 đường Lê Đức Thọ, quận Cầu Giấy, TP.Hà Nội.

Điện thoại: 0903.344571 (Nhà báo Đông Hường) hoặc 0973957126 (Đồng chí Bùi Hải Én).

Lưu ý: Tòa soạn chọn bài có nội dung phù hợp, biên tập sơ bộ (không làm thay đổi nội dung) để đăng báo. Bài chọn đăng được nhận nhuận bút theo quy định.

Để biết thông tin chi tiết về cuộc thi mời quý độc giả xem tại đây!

Quang Duy

Nguồn Gia Đình VN: https://giadinhonline.vn/cuoc-thi-viet-cha-va-con-gai-moi-so-phan-chua-mot-phan-lich-su-d190687.html