Cuộc thi viết 'TẾT THỜI SỐ': Bà tôi 91 tuổi 'lướt Facebook' chúc Tết online
Với Tết thời công nghệ số, việc chụp ảnh, lưu giữ ảnh và chia sẻ với người thân, bạn bè chỉ mất vài phút, thay vì rườm rà như trước.
Từng là người đón những cái Tết cổ truyền từ hàng chục năm trước, giờ đây bà tôi lại được trải nghiệm một kiểu Tết mới, đan xen giữa phong tục truyền thống và những trải nghiệm tiện lợi thời công nghệ.
Nhớ ngày xưa đón Tết "cồng kềnh"
Tôi thuộc thế hệ đầu 9x. Hồi nhỏ, Tết chỉ được chụp vài tấm ảnh. Chụp thủ công bằng máy phim, phải chờ rửa ảnh mới biết mặt mũi trông như thế nào.
Không ít ảnh bị nhòe mờ, phông nền tối, có tấm mắt còn đỏ rực vì "dính" đèn flash. Vẫn trân quý lắm, vì hồi xưa rửa ảnh là… tốn tiền.
Có nhà còn rửa một ảnh làm 2-3 tấm, rồi gửi qua bưu điện cho người thân ở xa. Đôi khi, sẽ có vài tấm ảnh thất lạc vì các cụ bảo "cất ở đâu chả nhớ".
Ai ở xa thì càng đau đáu nhớ quê mỗi khi Tết đến. Có người không về được, chỉ có thể gọi điện thoại đường dài. Ai về sẽ phải chật vật canh vé máy bay hoặc chen chúc tàu xe, cồng kềnh thùng to thùng nhỏ quà Tết. Hành trình về quê đón Tết ngày xưa, vất vả trăm bề.
Theo thời gian, những trải nghiệm ngày Tết giờ đây đã khác xưa nhiều. Hiện đại, tiện lợi hơn và lưu giữ kỷ niệm trọn vẹn hơn.
Bà tôi "hi-tech"
Với Tết thời công nghệ số, việc chụp ảnh, lưu giữ ảnh và chia sẻ với người thân bạn bè chỉ mất vài phút, thay vì rườm rà như trước.
Mùng 1 Tết, nhà tôi thường tụ họp ở nhà bà ngoại, chụp ảnh đại gia đình rồi đăng lên Facebook. Ai vắng mặt không chụp được, tôi sẽ dùng ứng dụng chỉnh ảnh ghép người đó vào luôn. Yên tâm lúc nào cũng đông đủ.
Muốn gửi ảnh, clip cho người thân cũng chỉ cần nhấn một nút gửi trên các ứng dụng trò chuyện. Hoặc chỉ đơn giản là đăng ảnh lên trang cá nhân để mọi người vào "like" và bình luận rôm rả. Chuyện lưu giữ ảnh thì càng dễ. Những tấm chụp từ 10 năm trước, chỉ cần tìm album ảnh trong Facebook là ra.
Bà tôi năm nay 91 tuổi, không biết chụp hay chỉnh ảnh nhưng album nào bà cũng là người "thả tim" nhanh (và nhiều) nhất. Ai bình luận chúc Tết bà, bà sẽ nhờ con cháu gõ chữ để trả lời và cảm ơn.
Bà còn biết sử dụng video call cho các con, thậm chí cho cả chị gái bà ở bên Mỹ để chúc Tết. Bà có tuổi nên chẳng ra đường mấy, nhưng giờ có thể gặp gỡ người thân bất kỳ lúc nào.
Con gái út của bà, tức dì tôi, có một năm Tết bị kẹt lại ở TP HCM do dịch COVID-19 nhưng vẫn có thể ngắm toàn cảnh cả nhà rộn ràng đón Tết qua camera thông minh.
Các bác, dì và mẹ tôi thì có một nhóm chat riêng, ngày nào cũng cập nhật chuyện sắm Tết. Từ khoe bình hoa mới sắm, khoe đào quất mua tặng bà, rồi so mâm cỗ Tết các nhà. Dì út ở xa nhưng tôi thấy giống như dì vẫn đang ở nhà vậy. Bởi chuyện gì dì cũng biết.
Hành trình về quê ăn Tết của dì nay cũng không còn vất vả như xưa, đến check-in chuyến bay cũng có thể thực hiện trên smartphone. Cũng không cần ký gửi vali quà nặng trịch, bởi mọi thứ đều có thể mua sắm online, vừa rẻ, tiện, lại nhanh.
Thêm vui và tròn đầy ý nghĩa
Tôi nhớ từng đọc ở đâu đó một bình luận nói rằng "công nghệ đang làm mất Tết", vì sum họp gia đình mà mỗi người chỉ dán mắt vào cái điện thoại, rồi thì lì xì online làm mất đi ý nghĩa Tết cổ truyền.
Tôi thì không nghĩ vậy.
Đúng là trong ngày Tết, các cô bác, anh chị em chúng tôi mỗi người đều cầm điện thoại, kể cả bà ngoại cũng có iPad riêng. Nhưng là vừa chơi điện thoại vừa trò chuyện với nhau. Nội dung hội thoại chủ yếu xoay quanh chuyện "chỉnh ảnh sao cho đẹp", "nhắn tin chúc Tết nhà bác A chưa", "ảnh này đẹp, gửi cho cái B xem này"...
Chiếc điện thoại, theo tôi, thực ra chỉ là công cụ hỗ trợ cho những ngày Tết thêm vui và tròn đầy ý nghĩa.
Tôi sống xa nhà, trước khi về quê khoảng 1 tháng đã háo hức ngắm nhà bà trang trí Tết qua camera an ninh, dạo quanh các fanpage của quê hương để cảm nhận sớm không khí đón xuân. Lúc rảnh, tôi sẽ lướt xem các video ngắn trên MXH để xem hướng dẫn chọn đồ Tết đẹp, khám phá các quán cafe trang trí Tết độc lạ để đến ngày sẽ đi "check-in". Những ngày chuẩn bị và chờ đợi đến Tết này khiến tôi hân hoan suốt cả tháng.
Đến khi đặt chân về quê nhà, việc đầu tiên tôi làm là đi dạo ngắm đường phố, nhân tiện rút tiền mặt để cuối năm lì xì cho mọi người. Mẹ tôi còn kỹ tính hơn, đi đổi tiền mới để lì xì cho may mắn.
Bố tôi thì khác, bố chọn lì xì các con qua đường online cho tiện. Một phần vì gia đình anh trai tôi ở xa, chỉ có thể lì xì qua tài khoản ngân hàng. Phần khác, vì bố biết tôi giờ ra đường toàn "chuyển khoản, quét mã QR".
Tôi cũng đồng tình vì như thế rất tiện lợi, khỏi phải ra ngân hàng gửi lại tiền mặt vào tài khoản, càng không tốn phí "đổi tiền mới".
Mẹ tôi - người vừa đổi gần chục cọc tiền mới để lì xì Tết, cũng tôn trọng lựa chọn của bố. Mỗi người một sở thích, có người thích ứng với lối sống hiện đại, có người giữ vẫn quen giữ nếp truyền thống.
Và lì xì online chỉ là một lựa chọn, sự phát triển của công nghệ chỉ đơn giản là tạo thêm nhiều lựa chọn mới cho mọi người.